NSND VƯƠNG DUY BIÊN: CẦN CÓ HÀNH LANG PHÁP LÝ VÀ CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

03/01/2023

Với dư âm "Diễn đàn Văn hoá 2022" do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục phối hợp tổ chức vừa qua, bàn về văn học nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề xuất một số giải pháp căn cơ nhằm phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam thời kì mới, trong đó nhấn mạnh cần có hành lang pháp lý và một Chiến lược quốc gia phát triển văn học.

TS.NGUYỄN PHƯƠNG HÒA: MÔ HÌNH NHÀ NƯỚC LÀ NHÀ ĐẦU TƯ XÃ HỘI DỰ KIẾN GIẢI QUYẾT HÀI HÒA GIỮA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VỚI PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

TS. LÊ HOÀI PHƯƠNG: CẦN CÓ ĐỊNH HƯỚNG VÀ ĐẦU TƯ DÀI HẠN CHO NỀN VĂN HÓA – ÂM NHẠC DÂN TỘC

PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI: TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA

Quan tâm đến việc phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam hiện nay tại Hội thảo Văn hóa 2022, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, trong những năm qua, văn học nghệ thuật đã có nhiều thành tựu to lớn, đóng góp vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, NSND Vương Duy Biên cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, văn học nghệ thuật Việt Nam còn mờ nhạt, thiếu hụt những tác phẩm mới có nội dung tư tưởng và chất lượng cao; một số tác phẩm chạy theo thị hiếu thấp kém, những chủ đề câu khách. Thị trường văn học nghệ thuật chưa phát triển, đời sống văn nghệ sĩ nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, trong đó vấn đề về tư tưởng, nhận thức, trình độ chuyên môn và sự thiếu hụt đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, tâm huyết là một trong những vấn đề mấu chốt. 

Muốn văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và đúng hướng, NSND Vương Duy Biên cho rằng cần đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Để làm tốt điều này, trước hết cần nhìn thẳng vào thực trạng đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay và đề ra những giải pháp phát triển hiệu quả trong thời kỳ mới.

NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Thực trạng đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam hiện nay

Đề cập về thực trạng đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam hiện nay, NSND Vương Duy Biên cho biết, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là tổ chức đầu ngành, tập hợp, định hướng và điều phối hoạt động chuyên môn của 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 63 Hội các tỉnh, thành phố.

Đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay chủ yếu được phân hóa theo độ tuổi thành hai bộ phận chính: Những văn nghệ sĩ lớn tuổi hầu hết đã từng tham gia hoạt động của các đơn vị nghệ thuật trong hệ thống cơ quan nhà nước, họ là thế hệ những văn nghệ sĩ “gạo cội” đã gắn bó với cách mạng và kháng chiến, là lực lượng nòng cốt giữ quan điểm sáng tác của Đảng. Các sáng tác văn học nghệ thuật của thế hệ văn nghệ sĩ cao tuổi ngày càng nhạy bén, mạnh dạn phê phán cái xấu, các biểu hiện biến chất, thoái hóa về nhân cách, đạo đức, lối sống, góp phần cảnh tỉnh, ngăn chặn xu hướng tiêu cực trong đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, lớp văn nghệ sĩ trẻ là những người nhiệt huyết, năng động, thích hành nghề tự do. Họ có nhiều cố gắng tìm tòi cái mới, đem đến cho đời sống văn học, nghệ thuật một triển vọng phát triển mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xuất hiện ngày càng nhiều tài năng trẻ trong tất cả các ngành nghệ thuật. Tác phẩm của họ tự xuất bản, tổ chức biểu diễn, làm phim theo đơn đặt hàng của các tổ chức phi chính phủ, cơ sở tư nhân.

Một lực lượng văn nghệ sĩ không nhỏ, hoạt động khá hiệu quả là văn nghệ sĩ hoạt động tự do, tuy không nằm trong tổ chức nào của nhà nước nhưng những hoạt động của họ, sáng tạo của họ vẫn bám vào đời sống xã hội, thậm chí đã có những tác phẩm vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, tiến ra thế giới (không dùng kinh phí nhà nước).

Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức và luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng, tuy nhiên, NSND Vương Duy Biên cho rằng, những Nghị quyết, Chỉ thị, Chủ trương đúng đắn đó lại chưa thể đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn, chưa thấm sâu vào đời sống xã hội để có những tác động và chuyển biến tích cực. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành về thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản khác của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ còn chưa đầy đủ, công tác triển khai thực hiện ít được quan tâm, chưa thật sự quyết liệt.

Một số cấp ủy Đảng, chính quyền hiện nay chưa thực sự quan tâm tới văn nghệ sĩ, còn có sự thiếu hiểu biết về văn học nghệ thuật, đánh giá chưa đúng, chưa toàn diện các giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật. Đời sống văn nghệ sĩ cơ bản là còn rất khó khăn, việc chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ còn lúng túng, vì thiếu nguồn ngân sách và thiếu cơ chế tạo điều kiện. Nguồn vốn đầu tư cho văn nghệ sĩ chưa tương xứng, chưa đáp ứng được chỉ tiêu phát triển của ngành văn hóa, cũng như còn thấp so với đầu tư trong lĩnh vực kinh tế và một số lĩnh vực khác.

Kinh phí của Chính phủ và từng địa phương chi cho các hoạt động văn học, nghệ thuật còn hạn chế nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng hải đảo. Nguồn cán bộ quản lý là văn nghệ sĩ giỏi tại các địa phương thiếu hụt, nên ảnh hưởng tới các hoạt động văn học, nghệ thuật.

Nguyên nhân của những hạn chế trong công tác phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ

Qua phân tích một số tồn tại, hạn chế, NSND Vương Duy Biên đã chỉ ra một số nguyên nhân của những vướng mắc, tồn tại này trong phát triển văn hóa là do:

- Sự chuyển biến vô cùng mạnh mẽ của thế giới do tác động của quá trình toàn cầu hóa với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ thông tin đã khiến cho đội ngũ văn nghệ sĩ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam lúng túng, bị động, không theo kịp sự phát triển “quyền lực mềm” của một số quốc gia phát triển thông qua công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.

- Nhiều cơ quan, lãnh đạo ở các cấp quản lý, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa nói chung và của văn học, nghệ thuật nói riêng.

- Chưa có cơ chế phù hợp, đủ mạnh, hữu hiệu để đưa các chủ trương của Đảng, chiến lược và chính sách của Nhà nước vào cuộc sống, thích ứng cao với sự biến đổi toàn cầu và với cơ chế thị trường.

- Nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, cho văn học, nghệ thuật nói riêng còn rất thấp. Nguồn lực tái sinh để tái đầu tư từ chính sự nghiệp phát triển văn hóa, do phát triển công nghiệp văn hóa đưa lại cũng còn rất hạn chế.

- Sự thiếu chủ động, năng động, sáng tạo của các tổ chức và cá nhân đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Có thể thấy rõ là phần đông đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn còn thụ động và thiếu khát vọng, chưa dấn thân và chưa theo kịp sự biến đổi của thực tiễn ở trong nước và trên thế giới. Chỉ một số bộ phận thích nghi tương đối tốt với cơ chế thị trường, nhưng lại sớm bộc lộ những khuynh hướng chạy theo những thị hiếu tầm thường, theo lợi ích cá nhân.

- Nhân tài, nghệ sĩ sáng tạo tâm huyết và táo bạo rất thiếu vắng hoặc chưa được trọng dụng một cách hiệu quả, đãi ngộ chưa xứng đáng với lao động sáng tạo.

Đề xuất một số giải pháp phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam hiện nay

Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân chính dẫn tới những hạn chế trong sự phát triển văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, NSND Vương Duy Biên đề xuất những giải pháp như sau:

Thứ nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. NSND Vương Duy Biên kiến nghị cần phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; trong đó nhận thức đúng, tinh thần trách nhiệm cao của các tổ chức, lực lượng, trước hết là cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng các cấp là yếu tố cơ bản, điều kiện có ý nghĩa quan trọng đầu tiên. Các tổ chức, lực lượng cần được nghiên cứu, học tập, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Đảng về văn hóa nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ để hiểu sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ văn nghệ sĩ; nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết, những thuận lợi, khó khăn, yêu cầu và những giải pháp nâng cao chất lượng của đội ngũ văn nghệ sĩ trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, cần có hành lang pháp lý và một Chiến lược quốc gia phát triển văn học, nghệ thuật. Chiến lược phát triển này cần được nghiên cứu, chuẩn bị và thẩm định khoa học, kỹ càng, để đảm bảo tính khả thi, tính định hướng, mở đường, bao trùm từ cơ chế lãnh đạo, quản lý, quy hoạch đội ngũ, cơ chế, giải pháp đột phá, kế hoạch triển khai, đảm bảo nguồn lực đầu tư và đặc biệt là phát triển đội ngũ và tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo Văn hóa 2022 do do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức.

Thứ ba, tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế, nhưng phải xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm thì mới phát huy được hiệu quả tối ưu, tránh được lãng phí. Trong đó, NSND Vương Duy Biên nhấn mạnh cần ưu tiên đầu tư để phát triển đội ngũ và tổ chức, ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài.

Bên cạnh đó cũng dành sự ưu tiên đầu tư phát triển những ngành đào tạo, những môn nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường, nhưng vô cùng cần thiết với sự phát triển của toàn lĩnh vực và để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc như: các loại hình nghệ thuật truyền thống, kịch hát dân tộc, tuồng, chèo, cải lương, dân ca các dân tộc ít người. Đồng thời có cơ chế để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, nhất là thu hút các nguồn đầu tư từ ngoài ngân sách nhà nước, từ xã hội và nhất là từ cộng đồng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ tư, quan tâm, chăm lo đến tài năng và đời sống của đội ngũ văn nghệ sĩ. NSND Vương Duy Biên cho rằng, tài năng và năng khiếu của văn nghệ sĩ cần được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản và chu đáo, rồi lại phải được bảo vệ, tôi luyện và trọng dụng thì mới phát huy được và mang lại lợi ích cùng những giá trị chân, thiện, mỹ cho xã hội. Đảng, Nhà nước, các ngành, tổ chức xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi, tôn trọng tự do sáng tạo cá nhân, tăng cường những giải pháp mạnh mẽ để chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ. Trong đó:

+ Tạo điều kiện để những tài năng, năng khiếu được phát hiện sớm; được tạo điều kiện để tôi luyện tài năng và đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Củng cố và nâng cao chất lượng các hình thức tổ chức của giới văn nghệ sĩ; hoàn thiện hệ thống pháp lý để bảo hộ, định hướng cho các hoạt động sáng tạo nghề nghiệp của họ trong điều kiện kinh tế thị trường;

+ Từng bước nâng cao trình độ thẩm mỹ và trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

+ Xây dựng mới và hoàn thiện các chính sách đãi ngộ hiện có cho văn nghệ sĩ, tập trung vào chính sách tiền lương, chế độ nhuận bút, bản quyền tác giả, chế độ tuổi nghề, chế độ hưu, chế độ thanh sắc, chế độ thù lao tập luyện của văn nghệ sĩ...

+ Có những giải pháp đặc biệt để ưu đãi, trọng dụng, bảo vệ và tôn vinh xứng đáng hơn nữa đối với những văn nghệ sĩ có tài năng xuất chúng, có năng khiếu đặc biệt và có những cống hiến to lớn cho xã hội, cho đất nước. Nghiêm cấm hiện tượng khen thưởng tràn lan, mua bán danh hiệu, giải thưởng, đồng thời nghiêm khắc đấu tranh khắc phục những thói hư tật xấu, những biểu hiện tha hóa trong một bộ phận văn nghệ sĩ.

Thứ năm, củng cố tổ chức các Hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương tới địa phương. Bố trí cán bộ làm công tác văn học nghệ thuật nắm vững quan điểm, đường lối, các chính sách về văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước; tập hợp được đội ngũ văn nghệ sĩ, động viên sáng tác để có được những sản phẩm văn hoá, văn nghệ tốt phục vụ nhân dân.

Thứ sáu, củng cố, kiện toàn các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật cả về tổ chức, đội ngũ giảng viên, chương trình, giáo trình. Tăng phương tiện, kỹ thuật giảng dạy, học tập; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ văn nghệ sĩ; tăng cường liên kết, đào tạo chuyên ngành văn học nghệ thuật, công nghiệp văn hóa ở các quốc gia phát triển.

Thứ bảy, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển thị trường văn học nghệ thuật, hướng tới hình thành và phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Trong đó, NSND Vương Duy Biên nêu rõ cần đẩy mạnh sự hình thành thị trường về các tác phẩm văn học, nghệ thuật làm cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật thật sự trở thành hàng hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ sống được bằng tác phẩm của mình. Tăng cường xúc tiến, hỗ trợ phát triển thị trường trong và ngoài nước về trao đổi, mua, bán... các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Ban hành các chính sách và cơ chế thúc đẩy thị trường văn hóa phát triển, trong đó tạo được sự cạnh tranh lành mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật.

Ở nước ta hiện nay, vừa có các văn nghệ sĩ trong các đơn vị nghệ thuật Nhà nước, vừa có các văn nghệ sĩ hoạt động tự do, các đơn vị xã hội hoá. Vì vậy, NSND Vương Duy Biên cho rằng cần có chính sách làm sao để phát huy được sức sáng tạo của tất cả các văn nghệ sĩ, vì nền văn học nghệ thuật nói riêng, vì nền văn hoá của nước nhà nói chung. Đó là sự quan tâm bình đẳng của Đảng, Nhà nước cho chặng đường dài phía trước của tất cả các văn nghệ sĩ là công dân Việt Nam hoạt động và sáng tạo cho đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, NSND Vương Duy Biên cho rằng, không nên phân biệt giữa văn nghệ sĩ trong các tổ chức của Nhà nước và các văn nghệ sĩ hoạt động tự do, để thấy Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho tất cả mọi tài năng sáng tạo vì Đất nước, tránh được sự ỷ lại vào nguồn lực của Nhà nước và không coi sự sáng tạo là một công việc cấp bách, hoạt động văn học nghệ thuật như một dạng viên chức nhà nước… sẽ không khuyến khích sáng tạo, đồng thời cần tự rèn luyện, trau dồi, học tập nhằm đổi mới tư duy, thay đổi suy nghĩ, nâng tầm sáng tạo đáp ứng thực tiễn trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước ./.

Bích Ngọc