CẦN CÓ TẦM NHÌN XA TRONG XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

06/01/2023

Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, nhiều ý kiến cho rằng, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần có tầm nhìn xa để những chính sách, pháp luật đi kèm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có sức sống lâu dài và có thể hậu thuẫn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa về lâu dài.

PGS.TS VŨ VĂN PHÚC - PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG CÁC CƠ QUAN ĐẢNG TRUNG ƯƠNG: PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA LÀ PHÁT TRIỂN MỘT NGÀNH KINH TẾ ĐẶC BIỆT

Những tín hiệu khả quan

Văn hóa không chỉ là lĩnh vực tiêu tiền. Đây là lĩnh vực được nhìn nhận tạo ra nguồn thu tốt. Minh chứng đã thấy rõ qua thực tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay trong khu vực châu Á, Trung Quốc, Hàn Quốc đã rất thành công trong ngành công nghiệp này. Việt Nam đã công nhận khái niệm công nghiệp văn hóa nhưng vẫn còn phát triển ở mức độ khiêm tốn. Hai năm sau COVID-19, các hoạt động văn hóa đang dần hồi phục trở lại.

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS.TS. Từ Thị Loan

Theo Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS.TS. Từ Thị Loan, Việt Nam vừa có đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2016 - 2021. Trong 5 năm qua, các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đã bước đầu khẳng định được lợi ích kinh tế và xã hội. 2,68% là con số các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cho GDP trong năm 2015. Tới năm 2018, sau 3 năm triển khai Chiến lược, con số đóng góp là 3,61% GDP. Với doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước.

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS.TS. Từ Thị Loan cho rằng, nếu trong 3 năm Việt Nam tăng tốc được như vậy thì đó là điều đáng mừng, cho thấy tín hiệu khả quan. Trong tương quan so sánh với các ngành công nghiệp văn hóa của các nước, đây là con số ngoạn mục. Tuy  nhiên, Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn đầu so với các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển. Hiện tại, những quốc gia này đã có nền công nghiệp văn hóa rất phát triển, con số đóng góp cho GDP quốc gia lớn.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện đang bao gồm 12 ngành. Đó là quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa. Thành công hàng đầu phải nói tới điện ảnh. Theo chỉ tiêu của chiến lược công nghiệp văn hóa đến năm 2020, ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD nhưng ngày từ năm 2019, chỉ tiêu này đã đạt 176 triệu USD, vượt 20%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành điện ảnh cũng đang gặp nhiều khó khăn ở bối cảnh hiện tại. Mới đây nhất, công chúng và những người làm văn hóa đã được chứng kiến sự trở lại của LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VI. Sự kiện được tổ chức sau 2 năm gián đoạn vì COVID-19. Sự kiện này phần nào đáp ứng mong mỏi giao lưu, kết nối và quảng bá tác giả, tác phẩm ở quy mô khu vực và thế giới. Đây cũng là cơ hội góp phần định vị điện ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Tại Liên hoan năm nay, các phim Việt tham gia chương trình Toàn cảnh điện ảnh thế giới là những tác phẩm nổi bật trong những năm gần đây. Trong đó có phim Bố già, đạt doanh thu 420 tỷ đồng, tương đương 17,4 triệu USD, cao nhất trong lịch sử phòng vé của phim Việt. Đây là dịp để phim trong nước được giới thiệu, trình chiếu bên cạnh những tác phẩm tiêu biểu từ những nền điện ảnh lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2022 là một nỗ lực lớn của ngành điện ảnh Việt trong hội nhập quốc tế, qua đó tăng cường giao lưu, xúc tiến hợp tác, thu hút đầu tư. Việt Nam đã có nhiều phim trăm tỷ, nhiều tác phẩm vươn tầm và đạt giải trong các liên hoan phim quốc tế. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều dự án tiềm năng chưa được thành hình, bởi gặp rất nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực sản xuất từ xã hội.

Trước thời điểm xảy ra dịch bệnh, số lượng phim truyện chiếu rạp của Việt Nam từ năm 2014 - 2020 đã đạt và vượt chỉ tiêu 36 - 40 phim/năm. Một trong những mục tiêu trong thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2030 được Bộ VHTTDL tập trung là phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế, từng bước phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.

Theo Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS.TS. Từ Thị Loan, chúng ta cũng thấy càng ngày càng khó khăn trong bối cảnh hiện nay, khi kinh tế đang suy thoái và du lịch phát triển kém, ngành xuất khẩu gặp khó khăn thì việc phát triển công nghiệp văn hóa để đạt mục tiêu tới năm 2030 có đóng góp vào GDP 7% là thách thức lớn.

Nói về những điểm nghẽn của ngành công nghiệp văn hóa ở thời điểm hiện tại, GS.TS Từ Thị Loan cho biết những điểm nghẽn này không chỉ tồn tại trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà còn ở ngay giai đoạn hiện nay. Điểm nhgẽn quan trọng nhất là về thể chế và cơ chế. Điều cần làm là khiến thể chế thông thoáng, giải phóng sức lao động, sản xuất của văn hóa, sức sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Hoàn thiện thể chế đồng bộ

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS.TS. Từ Thị Loan cho rằng, để thực hiện thành công Chiến lược này, cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách và nguồn lực. Trong đó, việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối phát triển công nghiệp văn hóa còn chậm và nhiều lúng túng. “Chúng ta chưa tạo được hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”, GS. Từ Thị Loan nhận định. 

Nêu ví dụ minh họa cụ thể, GS. Từ Thị Loan cho biết, nghệ thuật biểu diễn và mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm là hai ngành công nghiệp văn hóa rất quan trọng nhưng hiện vẫn chỉ được điều chỉnh bằng nghị định. Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ: đến năm 2015 phải ban hành Pháp lệnh về nghệ thuật biểu diễn, Pháp lệnh về mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm và đến năm 2020 sẽ ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn và Luật Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm. "Nhưng đến nay đã là cuối năm 2022, chúng ta vẫn đang loay hoay với các nghị định thì hiệu quả, hiệu lực trong việc hành lang pháp lý thuận lợi cho các ngành công nghiệp phát triển còn rất hạn chế", GS. Từ Thị Loan nói. 

Hay trong lĩnh vực quảng cáo, lĩnh vực thu lại lợi nhuận rất lớn cho Việt Nam, tại thời điểm ban hành Luật Quảng cáo năm 2012, chúng ta mới chỉ quan tâm đến hình thức quảng cáo truyền thống trên báo chí, phát thanh, truyền hình, quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên các phương tiện giao thông… Nhưng đến nay, những quy định điều chỉnh lĩnh vực này đã rất lạc hậu bởi hiện nay quảng cáo trên các nền tảng internet, mạng xã hội chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam và nguồn lợi rất lớn từ lĩnh vực này không thu được vào ngân sách Nhà nước mà lại rơi vào túi chủ sở hữu là các nhà mạng nước ngoài như là Youtube, Facebook, Tik Tok, Google…

Từ thực trạng đáng buồn này, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, văn bản liên quan. Phải đồng bộ hóa về thể chế, pháp luật nhằm tạo ra hệ sinh thái thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển: từ vấn đề đầu tư, môi trường thuế, thương mại, công nghệ thông tin… Từ việc ban hành các luật, chúng ta cũng phải hoàn thiện tất cả hệ thống các văn bản dưới luật cũng như các cơ chế, chính sách kèm theo. 

Thúc đẩy lực lượng sản xuất, đa dạng văn hóa

GS. Từ Thị Loan cho rằng, cần thay đổi phương thức quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; cần có cơ chế, phương thức quản lý phù hợp để không hạn chế sức sáng tạo của các văn nghệ sĩ, nhà sáng tạo, nhà sản xuất… mà còn thúc đẩy được các lực lượng sản xuất văn hóa, khuyến khích được sự đa dạng văn hóa.

Dưới góc độ của người trực tiếp tham gia các hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp âm nhạc, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung cho rằng, để thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành công, ngay từ khi xây dựng chiến lược cần có đánh giá, nhìn nhận thật khách quan về thực trạng các ngành công nghiệp văn hóa, về năng lực sáng tạo của văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

Nhạc sĩ Quốc Trung

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, hiện nay, việc “xuất khẩu” nghệ thuật biểu diễn của nước ta ra thế giới, đặc biệt là âm nhạc hầu như không có, dẫn tới thực trạng năng lực sáng tạo và sự đánh giá về năng lực sáng tạo của chúng ta còn khá chủ quan. Bên cạnh đó, việc đầu tư về nguồn lực, thời gian cũng như sự tập trung cho sáng tạo văn hóa nghệ thuật của nước ta còn tương đối thấp so với các nước khác trên thế giới, khiến năng lực cạnh tranh của nền âm nhạc nói riêng, ngành công nghiệp văn hóa nói chung còn hạn chế.

“Nền âm nhạc cũng như nghệ thuật biểu diễn của nước ta chưa đủ mạnh, do đó khó chống chọi được trước sự tấn công, xâm lấn của văn hóa nước ngoài ngay trên sân nhà”. Nhấn mạnh điều này, nhạc sĩ Quốc Trung cũng chia sẻ, năng lực sáng tạo của người làm văn hóa không bị hạn chế bởi các quy định pháp luật, nhưng "điều đáng sợ nhất đối với các nhà sáng tạo văn hóa nghệ thuật là sự thiếu rõ ràng, cụ thể của quy định pháp luật, gây khó khăn cho các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đã được làm ra".

Nhạc sĩ Quốc Trung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần có tầm nhìn xa để những chính sách, pháp luật đi kèm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có sức sống lâu dài và có thể hậu thuẫn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa về lâu dài./.

Thu Phương

Các bài viết khác