ĐBQH NGUYỄN MINH TÂM: CẦN QUY ĐỊNH RÕ TIÊU CHUẨN THÀNH VIÊN THAM GIA HỘI ĐỒNG Y KHOA QUỐC GIA

06/01/2023

Đánh giá nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia rất quan trọng, do đó đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đề nghị cần quy định ngay trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) những tiêu chí, tiêu chuẩn để tuyển chọn thành viên tham gia vào Hội đồng Y khoa quốc gia, đảm bảo đáp ứng trình độ chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ luật giao, nhất là trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.

TỔNG THUẬT CHIỀU 06/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) góp ý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Phát biểu góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nhất trí với quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia trong dự thảo luật để nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới. Cụ thể, đã thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia để tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp theo thông lệ quốc tế, thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề, đó là theo Nghị quyết số 20.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm bày tỏ băn khoăn trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tiến hành sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế hiện nay, việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, biên chế. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cân nhắc thêm về vấn đề này khi thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia.

Theo báo cáo, thực tế ở nước ta, Hội đồng Y khoa quốc gia đã được Thủ tướng thành lập từ năm 2020 và đang hoạt động với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung phục vụ cho tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và dự thảo giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng các nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia theo như dự thảo luật là rất quan trọng, mang tính chuyên môn sâu như xây dựng và ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề,... Do đó, cần quy định ngay trong luật những tiêu chí, tiêu chuẩn để tuyển chọn thành viên tham gia vào Hội đồng Y khoa quốc gia, đảm bảo đáp ứng trình độ chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ luật giao, nhất là trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Về các trường hợp người hành nghề được thực hiện khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết, tại khoản 3 Điều 36 dự thảo luật đã đưa ra các trường hợp hành nghề được thực hiện khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký hành nghề gồm: Thực hiện hoạt động cấp cứu ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ cấp cứu ngoài viện; được cơ quan có thẩm quyền điều động, huy động tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong thời gian ngắn hạn; các trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đây là quy định mới so với luật hiện hành, việc quy định này là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, để tránh nhầm lẫn và có các cách hiểu khác nhau, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi tách điểm c thành 2 điểm theo hướng một điểm là quy định về khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, một điểm quy định về chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn. Bởi, nếu quyết định như dự thảo sẽ dẫn đến cách hiểu là người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo không phải đăng ký hành nghề, chỉ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, còn ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì vẫn phải đăng ký hành nghề.

Về các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy định tại Điều 48, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết, so với dự thảo tại kỳ họp thứ 4 thì dự thảo lần này không đưa cơ sở dịch vụ tiêm chủng vào các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. So với luật hiện hành thì dự thảo không đưa cơ sở y tế dịch vụ mà chỉ đưa cơ sở dịch vụ cận lâm sàng vào quy định này, đồng thời đưa ra một quy định mở là các hình thức tổ chức khác của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, có một số vấn đề đặt ra là:

Một, nếu cơ sở dịch vụ tiêm chủng không được đưa vào hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì người thực hiện các hoạt động trong cơ sở tiêm chủng có được coi là người hành nghề và phải có giấy phép hành nghề hay không. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp này.

Hai, đối với cơ sở dịch vụ y tế hiện nay, theo các quy định hiện hành thì các quy định về cấp phép cơ sở dịch vụ như chăm sóc sức khỏe tại nhà, dịch vụ thẩm mỹ, v.v. quy định rất lỏng lẻo, không cụ thể, có một số cơ sở dịch vụ y tế không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động như cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, điều này cũng gây khó khăn trong việc quản lý, hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở này. Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm Ban đề nghị soạn thảo nghiên cứu để bổ sung ngay trong luật các quy định cụ thể đối với các cơ sở dịch vụ y tế nói chung, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ nói riêng, tăng cường sự quản lý nhà nước đối với các cơ sở này.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền cân nhắc, nghiên cứu giảm thời gian thực hành hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để tạo điều kiện cho các bác sĩ ra trường được sớm hành nghề, bổ sung lực lượng cho đội ngũ y tế hiện nay, đặc biệt là y tế cơ sở./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác