THẢO LUẬN TỔ 12: KỊP THỜI BỔ SUNG NỘI DUNG TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT QUYẾT ĐỊNH THEO ĐÚNG THẨM QUYỀN

07/01/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 07/01, Quốc hội thảo luận tại tổ về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

TỔNG THUẬT CHIỀU 07/01: ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15 VÀ ĐỀ XUẤT NỘI DUNG ĐƯA VÀO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VIỆC CHUYỂN TIẾP MỘT SỐ CHÍNH SÁCH THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 30/2021/QH15

Trước đó, trong phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh An Giang, Bình Dương và Tp.Hải Phòng

Theo đó, về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, có 14 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại, 01 địa phương đề nghị trả nợ trước hạn dẫn đến thay đổi mức vay, trả nợ của từng địa phương so với mức được Quốc hội đã quyết định.

Trên nguyên tắc đảm bảo tổng mức bội chi của ngân sách địa phương không tăng, đồng thời dư nợ của từng địa phương trong hạn mức theo quy định của Luật NSNN, để tạo điều kiện cho các địa phương sử dụng được tối đa nguồn vốn NSTW bổ sung có mục tiêu cho các địa phương năm 2022, Chính phủ trình Quốc hội tăng dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2022 của 7 địa phương thêm 226 tỷ đồng. Chấp thuận cho 7 địa phương giảm dự toán vốn vay lại năm 2022, với tổng mức giảm là 1.547,8 tỷ đồng. Đồng thời, giao UBND 7 tỉnh, thành phố được điều chỉnh tăng dự toán vốn vay lại năm 2022 nêu trên cam kết giải ngân hết toàn bộ số vốn được điều chỉnh tăng dự toán để tránh lãng phí.

Về nội dung bổ sung dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung dự toán NSNN thu viện trợ và dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại (chi thường xuyên).

Về nội dung điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, hiện nay, nhu cầu vốn để bố trí cho các dự án hoàn thành, các dự án chuyển tiếp và các dự án cần thiết, cấp bách của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan trong giai đoạn 2021-2025 là rất lớn. Trong điều kiện khó khăn về thu xếp, bố trí vốn cho các dự án đầu tư xây dựng của 02 Tổng cục; để có nguồn thanh toán giá trị khối lượng đã hoàn thành cho nhà thầu và có nguồn vốn để tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp, tránh dở dang và phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; đồng thời, thực hiện chủ trương chung về giảm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển theo các nghị quyết của Quốc hội; căn cứ khoản 8 Điều 19 Luật NSNN, Chính phủ trình Quốc hội: Giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính và tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Bộ Tài chính; đồng thời, cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện đầu tư 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2024.

Cùng với đó, trong chiều 07/01, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022. Theo Tờ trình của Chính phủ, 24/54 địa phương có đề xuất chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID-19 đã được bố trí trong dự toán để chi cho phòng, chống dịch năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 để chi cho công tác phòng, chống dịch trong năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh An Giang, Bình Dương và Tp.Hải Phòng, các đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất cao với các Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội. Cụ thể, nhất trí với sự cần thiết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan nhằm xử lý những vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN); đồng thời cho biết việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán NSNN là đúng thẩm quyền.

Liên quan đến nội dung việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022, đây là nội dung mới được bổ sung vào chương trình của Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Làm rõ vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo quy định tại khoản 3 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/07/2021 của Quốc hội, Quốc hội đã ủy quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định đối với các nhiệm vụ chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chỉ được thực hiện cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. Đến nay, ngày 07/1/2023, đã hết thời hạn Quốc hội cho phép ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nội dung này. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 là cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thêm, để kịp thời có được Tờ trình của Chính phủ trình sang Quốc hội, kịp thời bổ sung vào chương trình của kỳ họp, từ đêm qua các cơ quan đã tích cực để hoàn thiện Tờ trình và Báo cáo liên quan cũng như kịp thời điều chỉnh chương trình của kỳ họp trình Quốc hội quyết định.

Theo chương trình kỳ họp Quốc hội, sáng 09/01 tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về ddiều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022. Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về các nội dung này./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác