TÍCH CỰC TRIỂN KHAI QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ BỒI DƯỠNG NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ NỮ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TẠI CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

09/01/2023

Triển khai thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức cùng một số luật đã được Quốc hội thông qua, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1641/QĐ-TTp Phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2025”.

Triền khai các quy định của pháp luật về bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương

Triển khai thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức cùng một số luật đã được Quốc hội thông qua, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1641/QĐ-TTp Phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2025”.

Theo đó, đối tượng áp dụng của đề án là đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) có năng lực nổi trội, có chiều hướng phát triển và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ, bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện để cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành, gồm: Cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) giữ chức danh Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ giữ chức danh Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh còn đủ tuổi công tác đến hết nhiệm kỳ 2025 - 2030; Cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) có năng lực nổi trội, có thành tích xuất sắc trong công tác và có triển vọng phát triển, được quy hoạch chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2026 và 2026 - 2030. Phạm vi áp dụng gồm 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thời gian thực hiện là từ năm 2023 đến hết năm 2025.

Đề án đặt ra những yêu cầu cụ thể như, việc tổ chức các khóa bồi dưỡng ở nước ngoài bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả, gắn với yêu cầu nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương. Lựa chọn đối tượng tham gia bồi dưỡng là các cán bộ, công chức tiêu biểu, có năng lực nổi trội và có chiều hướng phát triển, chưa tham gia bồi dưỡng các Chương trình, Đề án sử dụng ngân sách nhà nước có cùng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong cùng giai đoạn. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc lựa chọn và cử cán bộ, công chức tham gia các khóa bồi dưỡng. Đề cao ý thức, trách nhiệm, tính tích cực của cán bộ, công chức được cử đi bồi dưỡng, phát huy hết khả năng để tiếp thu và vận dụng những kiến thức, kỹ năng từ các khóa học vào thực tiễn công tác.

Bên cạnh đó, cần tích cực, chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, có năng lực và kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, quản trị chính quyền địa phương; chủ động xây dựng nội dung, chương trình bồi dưỡng phù hợp, sát với yêu cầu đặt ra trong thực thi nhiệm vụ đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của chính quyền địa phương. Thực hiện có chất lượng và hiệu quả các chương trình bồi dưỡng; bảo đảm tận dụng, phát huy tối đa kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên và lựa chọn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín, chất lượng và phù hợp. Thực hiện việc theo dõi đánh giá hiệu quả công tác sau bồi dưỡng gắn với công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức.

Đề án đặt ra mục tiêu chung là nâng cao năng lực hoạch định chính sách, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành chính quyền địa phương, góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới và hội nhập quốc tế. Tạo chuyển biến lớn trong nhận thức và cách thức tổ chức quản lý; tiếp cận với cách tư duy mới; mở rộng tầm nhìn cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ; học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm và phương pháp làm việc hiệu quả. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở một số nước góp phần xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài.

Về mục tiêu cụ thể, đề án xác định, giai đoạn 2023 - 2025 tổ chức bồi dưỡng ở nước ngoài cho khoảng 180 - 200 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương, cụ thể: mỗi năm tổ chức khoảng 04 khóa bồi dưỡng, mỗi khóa có khoảng từ 15 - 17 cán bộ, công chức thuộc đối tượng của Đề án.

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Đề án xác định rõ các giải pháp, nhiệm vụ cần thực hiện. Trong đó, trước hết cần xác định nội dung chương trình bồi dưỡng, tập trung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo trẻ, cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của các địa phương. Cụ thể, cần bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, quản trị chính quyền địa phương, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế và cải cách hành chính công. Chương trình bồi dưỡng gồm các nội dung chính gồm: Quản lý và phát triển lãnh đạo; Quản lý công trên nền tảng số; Lãnh đạo trong bối cảnh chuyển đổi số; Chính phủ điện tử/chính phủ số, chính quyền điện tử/chính quyền số; Nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công; Cải cách hành chính...

Cùng với đó, cần đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức bồi dưỡng, tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài; kết hợp giữa học tập và nghiên cứu, khảo sát thực tế. Căn cứ vào chủ đề, nội dung cụ thể của từng khóa bồi dưỡng để lựa chọn các đơn vị, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín, chất lượng, nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Nghiên cứu, lựa chọn để tổ chức một số khóa bồi dưỡng ở nước ngoài tại các đơn vị, cơ sở đào tạo của Nhật Bản và Cộng hòa Pháp.

Đề án cũng nêu rõ, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương. Tích cực mở rộng quan hệ tìm nguồn tài trợ nước ngoài theo các mối quan hệ giữa Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, Bộ, ngành với các nước, các tổ chức quốc tế. Xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín ở nước ngoài để thực hiện bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý là nữ. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng. Hợp tác với các nước phát triển có nhiều ưu thế, lợi thế về những ngành, lĩnh vực liên quan đến nội dung khóa bồi dưỡng.

Ngoài ra, Đề án cũng xác định, cần thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài. Bảo đảm nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ ở nước ngoài trong từng năm và cả giai đoạn 2023 - 2025. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ của quốc tế cho công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Minh Hùng