PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ: CHÚ TRỌNG, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CƠ QUAN DÂN CỬ TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

17/01/2023

Bàn về vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội cho rằng, vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, các cơ quan truyền thông, báo chí và người dân, doanh nghiệp... trong phòng chống tham nhũng ngày càng được chú trọng, phát huy.

Thời gian qua, đặc biệt năm 2022, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phát hiện nhiều vụ án lớn, xử lý nhiều cán bộ tham nhũng kể cả những cán bộ có chức vụ cao. Quan tâm đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, thành tựu này đến từ sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chung sức đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các cấp, các ngành, các địa phương.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã sâu sát, quyết liệt, chỉ đạo toàn diện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản; phát huy ngày càng hiệu quả cơ chế chỉ đạo, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thành nhiều Đề án, nhiệm vụ quan trọng theo Kết luận và Chương trình công tác của Bộ Chính trị; chú trọng chỉ đạo sơ kết, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2012-2022, qua đó khẳng định những kết quả đạt được, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn tiếp theo, lan tỏa quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế- xã hội và phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể”, “không dám”, “không cần” tham nhũng.

Vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, các cơ quan truyền thông, báo chí và người dân, doanh nghiệp... trong phòng chống tham nhũng ngày càng được chú trọng, phát huy.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, những kết quả nêu trên đã tiếp tục khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”; đã tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, đồng thời thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; triển khai toàn diện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Xử lý nghiêm tham nhũng về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, sử dụng công nghệ cao. Làm tốt công tác thanh loại, truy bắt, vận động đầu thú đối tượng truy nã, nhất là số đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm...

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị xã hội, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế tình trạng “tham nhũng vặt”, nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng trên cơ sở kết nối dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.

Chính phủ cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp chính quyền, xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung.

Đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là đối với các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, TC theo dõi, chỉ đạo. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Tiếp tục nâng cao năng lực các đơn vị chuyên trách đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm và các kỹ năng công vụ cho lực lượng thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nêu rõ, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Minh Hùng