KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT CỦA ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI TRONG NĂM 2022

20/01/2023

Năm 2022 cả nước tiếp tục tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong điều kiện kinh tế - xã hội, bên cạnh những mặt thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát nhưng dự báo còn diễn biến phức tạp. Ngay từ đầu năm, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, thích ứng an toàn, linh hoạt, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát chương trình công tác, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 7 CỦA ỦY BAN TƯ PHÁP: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ CÓ GIẢI PHÁP THỰC CHẤT, CỤ THỂ TRONG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM ĐỂ GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ CÁC VẤN ĐỀ NỔI CỘM

ỦY BAN TƯ PHÁP TỔ CHỨC TỌA ĐÀM VỀ TÁC ĐỘNG CỦA THAM NHŨNG VỚI MUA BÁN NGƯỜI VÀ ĐƯA NGƯỜI DI CƯ TRÁI PHÉP

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có các chức năng nhiệm vụ: Một là, thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp

Hai là, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; thẩm tra các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng.

Ba là, thẩm tra đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đề nghị của Chủ tịch nước về việc đại xá.

Bốn là, giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Năm là, giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

Sáu là, trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách; kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan khác, các vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng.

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp 

Trong năm 2022, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã chủ trì thẩm tra các dự án luật, nghị quyết pháp lệnh: Nghị quyết số 54/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, ngày 16/6/2022, với tỷ lệ 93,78%. Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 trình tự, thủ tục Toà án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp thứ 9 (ngày 24/3/2022). Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội  xem xét, thông qua tại phiên họp thứ 14 (ngày 18/8/2022).

Các dự án pháp lệnh, nghị quyết đều được thông qua với tỉ lệ tán thành cao. Có được kết quả này là nhờ Ủy ban Tư pháp đã chủ động từ phối hợp từ sớm, từ xa với cơ quan soạn thảo, các cơ quan có liên quan; thường xuyên theo dõi chặt chẽ tiến độ xây dựng dự thảo, đôn đốc các cơ quan chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đầy đủ, đúng hạnNhiều hoạt động phục vụ công tác thẩm tra cũng đã được triển khai với việc tập trung thời gian, nhân lực, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng đã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban có liên quan của Quốc hội, thường xuyên trao đổi về những nội dung còn có ý kiến khác nhau, làm cơ sở cho việc hoàn thiện báo cáo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận. Qua đó, các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết đều bảo đảm thể chế hóa đúng đắn, kịp thời đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp và các nội dung, nhiệm vụ theo chiến lược, định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bảo đảm thực thi cam kết của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại hội trường

Về hoạt động giám sát, trong năm qua, Uỷ ban Tư pháp thường xuyên giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Tư pháp; giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực tư pháp và phòng, chống tham nhũng; giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Đồng thời, thẩm tra các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Toà án nhân dân và Kiểm sát nhân dân năm 2022.

Bên cạnh hoạt động giám sát thường xuyên, trong năm 2022, Ủy ban Tư pháp triển khai Đoàn giám sát “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Ủy ban nhân dân”. Ủy ban Tư pháp đã yêu cầu Chính phủ, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan có liên quan tại 15 địa phương xây dựng báo cáo; tổ chức 03 Đoàn công tác giám sát trực tiếp tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức phiên làm việc toàn thể Ủy ban với Chính phủ và các cơ quan tư pháp Trung ương.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc với các cơ quan Trung ương về kết quả giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân”.

Qua giám sát, Ủy ban Tư pháp ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong việc tiếp thu các kiến nghị giám sát của Uỷ ban năm 2018, kịp thời ban hành Chỉ thị số 26 về việc tăng cường chấp hành pháp luật thủ tục hành chính và thi hành án hành chính; trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhiều nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể, nghiêm túc để nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính, thi hành án hành chính. Công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành án hành chính được chú trọng, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các Tòa án nhân dân đã tập trung đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Các Viện kiểm sát nhân dân đã tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết án hành chính và thi hành án hành chính, góp phần bảo đảm việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành án hành chính đúng pháp luật. Bộ Tư pháp đã quan tâm, chỉ đạo công tác quản lý, theo dõi thi hành án hành chính và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, kịp thời phối hợp tháo gỡ khó khăn của một số địa phương trong thi hành án hành chính và kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm một số trường hợp vi phạm, chậm trễ trong thi hành án.

Qua giám sát, Uỷ ban Tư pháp ghi nhận, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, và các cơ quan hữu quan để tổ chức nghiên cứu, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình rà soát, thẩm tra, chỉnh lý các dự án luật có liên quan để tháo gỡ những khó khăn xuất phát từ quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính và thi hành án hành chính.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp khảo sát thực tế tại Cơ sở giáo dục bắt buộc Thanh Hà tỉnh Vĩnh Phúc

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho việc thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng và các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2022, Uỷ ban Tư pháp đã tổ chức 03 Đoàn khảo sát về “Tình hình chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án năm 2022” tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Đăk Nông, Bình Phước và các Trại giam Ngọc Lý, Thanh Lâm, Tống Lê Chân; thời gian từ ngày 15/8 đến ngày 19/8/2022.

Ủy ban đã tổ chức Đoàn khảo sát tình hình, kết quả thi hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; tiến hành khảo sát trực tiếp tại một số trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; làm việc với các cơ quan tư pháp cấp tỉnh và một số cơ quan tư pháp cấp huyện thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian từ ngày 01/8 đến ngày 04/8/2022.

Cùng với đó, Ủy ban cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp; trực tiếp xử lý, đồng thời chỉ đạo tiếp nhận, phân loại, tham mưu xử lý đảm bảo thời hạn, không để tồn đọng, kịp thời chuyển các cơ quan có thẩm quyền cũng như hướng dẫn, trả lời đương sự theo đúng quy định của pháp luật.

           

 Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp đã có buổi làm việc và khảo sát thực tế tại các Cơ sở cai nghiên ma túy số 1,2 và 4 Thành phố Hà Nội

Một trong những kết quả hoạt động nổi bật của Ủy ban Tư pháp trong năm qua là việc chủ trì tham mưu, xây dựng và hoàn thiện các chuyên đề, đề án của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó có Chuyên đề số 10 của Đảng đoàn Quốc hội về “Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (theo Kế hoạch số 106/KH-ĐĐQH15 ngày 10/8/2021 của Đảng Đoàn Quốc hội); chuyên đề của Đảng đoàn Quốc hội về “Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”. Ủy ban Tư pháp cũng phát huy vai trò trách nhiệm trong việc Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan giúp Đảng đoàn Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tổ chức thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao trong năm 2022 cùng nhiều nội dung khác.

Có thể thấy, trong bối cảnh năm 2022 nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đã tích cực triển khai các hoạt động, có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trên mọi mặt công tác, Ủy ban luôn phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, chú trọng mối quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan. Từ đó, Ủy ban đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo phân công của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và theo các chương trình, kế hoạch công tác năm 2022 đã đề ra, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Quốc hội./.

Bảo Yến

Các bài viết khác