Xác định rõ các nhiệm vụ cải cách hành chính cụ thể, gắn với từng đơn vị
Triển khai các Luật đã được Quốc hội thông qua, nhằm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, vừa qua Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 4658/QĐ-BGDĐT Ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, Quyết định nêu rõ mục tiêu xây dựng kế hoạch là nhằm triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) năm 2023 một cách thống nhất, đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của Bộ. Xác định rõ các nhiệm vụ CCHC cụ thể, gắn với từng đơn vị để chủ động trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các Chỉ số CCHC năm 2023 của Bộ GDĐT. Tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị và người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GDĐT trong việc triển khai nhiệm vụ CCHC; nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC. Phấn đấu năm 2023, cải thiện, nâng cao kết quả xác định Chỉ số CCHC của Bộ GDĐT. Tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC trọng tâm năm 2023 nêu tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của từng lĩnh vực công tác CCHC bảo đảm chất lượng và tiến độ. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của đơn vị thường trực CCHC của Bộ trong công tác tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ công tác CCHC của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ bảo đảm khoa học, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị và người đứng đầu các đơn vị trong việc triển khai nhiệm vụcải cách hành chính (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, Quyết định cũng nhấn mạnh đến mục đích đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra CCHC dưới các hình thức phù hợp, hiệu quả, thiết thực; Nghiên cứu, đề xuất sáng kiến mới, ứng dụng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của Bộ; Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về thực hiện công tác CCHC cho công chức, viên chức, người lao động tại Bộ; Theo dõi, đánh giá và khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với dịch vụ giáo dục công làm cơ sở cho việc ban hành các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC. Sử dụng hiệu quả các thông tin của chỉ số CCHC năm 2022 để cải thiện nâng cao hiệu quả CCHC của Bộ GDĐT.
Để đạt được những mục tiêu trên, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trước hết, về cải cách thể chế, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế ngành giáo dục, trong đó, tập trung nghiên cứu, rà soát, xây dựng, hoàn thiện các văn bản thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, hoàn thiện văn bản đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng. Nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc: tham mưu lập đề nghị chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và Chương trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ GDĐT; thẩm định đề nghị xây dựng, dự thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đồng bộ, khả thi; đôn đốc các đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GDĐT đảm bảo thời hạn, chất lượng văn bản, tỷ lệ văn bản quy phạm pháp luật được ban hành năm 2023 của Bộ đạt 90% trở lên.
Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục
Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục để phát hiện và có hướng xử lý kịp thời các quy định chồng chéo, mẫu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý của ngành giáo dục. Triển khai tuyên truyền phổ biến chủ trương chính sách mới từ trước, trong và sau khi ban hành văn bản, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tổ chức hiệu quả công tác theo dõi, thi hành pháp luật, đánh giá tình hình thi hành pháp luật hằng năm của Bộ; kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh trong tổ chức thi hành pháp luật.
Đối với nội dung về cải cách thủ tục hành chính, Kế hoạch xác định cần kiểm soát chặt chẽ thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm công tác kiểm soát thủ tục hành chính phải gắn liền với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, quy định về thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật phải được kiểm soát ngay từ khi lập đề nghị, xây dựng chính sách, công khai, minh bạch về quy định và quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Đảm bảo 100% các TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ được công bố, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ kịp thời và các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ được tích hợp trên Cổng dịch vụ công Bộ GDĐT và công khai tại nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.
Kế hoạch cũng nêu rõ, cần công bố quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và các văn bản liên quan. Tiếp tục triển khai Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục thỏa thuận, chấp thuận, xin ý kiến, cho phép của cơ quan nhà nước cấp trên đối với những vấn đề đã được quy định bằng tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình và đã được phân cấp, phân quyền quản lý theo Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Về cải cách tổ chức bộ máy, Kế hoạch xác định cần tổ chức rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, hoạt động các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ đảm bảo tinh gọn, giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo hoặc bỏ trống chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ. Hoàn thiện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ căn cứ quy định của Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GDĐT. Rà soát, sửa đổi Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 06/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GDĐT. Tiếp tục thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GDĐT theo Quyết định 1292/QĐ-TTg ngày 24/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, trên cơ sở các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 và các văn bản, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện phân cấp, phân quyền, cần xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện; đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới thuộc ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý; hoàn thiện các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về giáo dục. Rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.