HOÀN THIỆN KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ VỮNG CHẮC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC

06/02/2023

Ngày 06/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Thể chế hóa nội dung Nghị quyết, trong hoạt động lập pháp Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức.

 

Phiên họp toàn thể của Quốc hội

Hiến định vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức

Trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW. Theo đó, Khoản 2, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức là một trong ba yếu tố hợp thành nền tảng chính trị của quyền lực nhà nước: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Ngoài ra, Hiến pháp cũng đã hiến định nhiều nội dung quan trọng, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học, công nghệ, nhà giáo, nhân tài được phát huy sức sáng tạo, cống hiến các thành tựu, kết quả cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đơn cử; tại Điều 61, Hiến pháp đã thể hiện rõ nội dung về phát triển, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; …. ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài;…”. Hay tại Điều 62 quy định: “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu KH&CN; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; …

Các quy định của Hiến pháp năm 2013 về đội ngũ trí thức có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở pháp lý cho việc cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành nhằm thể chế chủ trương của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Tiếp đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội hàng năm cũng như cả nhiệm kỳ đã kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật liên quan trực tiếp đến xây dựng đội ngũ trí thức như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Bộ Luật lao động, Luật Việc làm, Luật Cán bộ, công chức, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thi đua, khen thưởng và các luật có liên quan khác để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức trong tình hình mới.

Đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước

Cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành

Đặc biệt, trong những năm đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, triển khai Kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 trong đó đã xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần rà soát, nghiên cứu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất xây dựng mới luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Một số nhiệm vụ lập pháp cần rà soát để đề xuất tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới trong thời gian tới có nội dung liên quan trực tiếp đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức như: Luật Khoa học và công nghệ, Luật Giáo dục đại học, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, dự án Luật điều chỉnh về nhà giáo, Luật Việc làm…

Hiện nay, hệ thống các quy định đã được ban hành tương đối đầy đủ, hình thành hành lang pháp lý từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ (Luật Khoa học và công nghệ), chuyển giao công nghệ kết quả nghiên cứu và thương mại hóa (Luật Chuyển giao công nghệ), các nhà khoa học được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu, bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm (Luật Sở hữu trí tuệ) và các sản phẩm khoa học được chuẩn hóa các thông số kỹ thuật để đưa vào sản xuất hàng hóa (Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật)…

Ngoài ra, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, Quốc hội còn ban hành các luật chuyên ngành như: Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Công nghệ cao để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đội ngũ trí thức có điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, phát huy năng lực.

Liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, đề cao trách nhiệm của trí thức, trên cơ sở Nghị quyết số 27-NQ/TW, Quốc hội, UBTVQH thể chế hóa chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, phát triển đội ngũ trí thức, tài năng thành các quy định cụ thể trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết. Cụ thể: Trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có một số quy định mang tính nguyên tắc, làm cơ sở cho việc cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn thi hành về trí thức là những người có tài năng. Tại Điều 6 Luật này quy định rõ “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng”; khoản 4, Điều 38 quy định “Ưu tiên tuyển chọn người có tài năng”. Hay tại Luật Viên chức năm 2010 đã quy định tại Khoản 4 Điều 10 về “Phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân”. Điều 21 Luật này quy định chính sách ưu tiên tuyển dụng người có tài năng;...

Tiếp đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 quy định nguyên tắc trọng dụng, đãi ngộ người tài: “Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ”.

Về tôn vinh trí thức, Quốc hội đã ban hành Luật Thi đua, khen thưởng trong đó thể chế hóa nhiều cơ chế, chính sách để tôn vinh trí thức. Ngoài các hình thức khen thưởng như huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước, bằng khen… Luật đã quy định về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”.

Như vậy, các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đã góp phần tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, tạo cơ chế cho hoạt động tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng đội ngũ trí thức. Đồng thời tạo động lực thúc đẩy đội ngũ trí thức sáng tạo, cống hiến, tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội./.

Lê Anh