NÂNG CAO HIỆU QUẢ BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

14/02/2023

Tại Phiên họp thứ 20 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là vấn đề quan trọng, đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh phát triển bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP THỨ 20 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Tại Phiên họp thứ 20 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là vấn đề quan trọng, đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh phát triển bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ. Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 4, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vấn đề này trong nội dung câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an. 

Cụ thể, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho biết, hiện nay các thông tin cá nhân đang được rao bán trên các hội, nhóm, trên nền tảng mạng xã hội và không khó để truy cập vào các hội, nhóm này. Thời gian qua, công an các địa phương cũng đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội song vẫn còn rất nhiều đối tượng đang hoạt động nhưng chưa bị phát hiện, xử lý. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, những giải pháp mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả vấn đề này, giúp người dân có thể yên tâm những thông tin cá nhân sẽ không bị trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đặt câu hỏi chất vấn

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Siu Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đặt vấn đề về việc bảo vệ thông tin cá nhân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định nhưng hiện nay tình trạng vi phạm rất phổ biến. Đơn cử như các thông tin quảng bá sản phẩm đều dựa trên thông tin cá nhân, đại biểu Quốc hội Siu Hương cho rằng, nhìn về quy mô, đó chỉ là của một chủ thể, nhưng xét về tổng thể thì sự vi phạm là rất lớn. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì đối với tình trạng này?

Trả lời các chất vấn của các đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, thực trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân nói chung hiện nay trên thế giới và nước ta đang trong tình trạng rất đáng báo động. Trong khi đó, hành lang pháp lý về vấn đề này chưa hoàn thiện, ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân cũng chưa cao… Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đây là những nguyên nhân gây ra lộ, lọt dữ liệu cá nhân. Để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an định hướng triển khai xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó đặc biệt là Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việc ban hành Nghị định này sẽ có căn cứ pháp lý để tiến hành các biện pháp để bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tiếp theo lộ trình, Bộ dự kiến năm 2024 sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để trình ra Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trên thế giới đã có rất nhiều nước đã ban hành luật này còn với nước ta, khuôn khổ pháp lý cao nhất về vấn đề này hiện nay đang được thực hiện theo Luật An ninh mạng.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm 

Sau Kỳ họp thứ 4, Bộ Công an đã tích cực triển khai các công tác đã báo cáo, từng bước hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Quốc phòng, An ninh thẩm tra nội dung dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các đại biểu Quốc hội đánh giá, Pháp luật hiện hành đã có quy định về thông tin cá nhân, bảo vệ thông tin cá nhân trong một số văn bản luật nhưng mới chỉ dừng lại ở quy định chung chung về quyền, chế tài, chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ các loại thông tin này và chưa có quy định về khái niệm dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Do đó, việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh, thống nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Có ý kiến cho rằng đây là vấn đề mới, trong khi nhu cầu bảo vệ Dữ liệu cá nhân là cấp thiết, trong điều kiện chưa thể xây dựng thành Luật, việc ban hành Nghị định là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban Quốc phòng, An ninh thẩm tra dự thảo Nghị dịnh Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ đồng tình việc với sự cần thiết việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, khi pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở quy định chung chung về quyền, chế tài, chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ các loại thông tin cá nhân và chưa có quy định riêng về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các đại biểu nhấn mạnh, trước mắt để tạo hành lang pháp lý điều chỉnh về vấn đề này thì cần thiết xây dựng Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng đề nghị Chính phủ làm rõ thêm lý do chưa đủ điều kiện xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời điểm hiện nay; đồng thời khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để sớm đề xuất xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân vào thời điểm thích hợp./.

Minh Hùng