ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH LÀM VIỆC VỚI TỈNH ĐỒNG NAI VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ
Toàn cảnh buổi làm việc
Làm việc với Đoàn khảo sát, về phía tỉnh Bình Dương có ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Nguyễn Hoàng Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành và một số địa phương có liên quan.
Bình Dương là địa phương có vị trí chiến lược trong khu vực phòng thủ Quân khu nên được bố trí nhiều khu quân sự, công trình quốc phòng. Đây là tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao. Nhiều khu quân sự xen kẽ trong khu dân cư, khu đô thị. Vì vậy công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự gặp khó khăn. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh là phát triển bền vững, không vì lợi ích kinh tế làm ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh. Hiện nay, các công trình quốc phòng và khu quân sự trên địa bàn tỉnh, nhìn chung đều được cắm mốc, có biển bảng cấm xâm nhập, quy định chặt chẽ việc đi lại, quay phim, chụp hình. Các khu quân sự được xây tường bao quanh và có lực lượng canh gác, bảo vệ đúng theo quy định.
Đại tá Nguyễn Hoàng Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương báo cáo với Đoàn Khảo sát
Trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch, xây dựng hệ thống các công trình quốc phòng và khu quân sự bảo đảm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Cùng với việc đầu tư, xây dựng, sửa chữa, Ủy ban nhân dân tỉnh còn giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh theo chức năng, quyền hạn, tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh.
Đối với các công trình đơn lẻ nằm rải rác các địa bàn, tỉnh giao trực tiếp cho cơ quan quân sự cấp huyện, xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lấn chiếm khoảng không, hành lang an toàn hoặc phá hoại công trình.
Các thành viên Đoàn Khảo sát
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát đề nghị tỉnh cho biết vấn đề phân loại các công trình quốc phòng thực tế tại địa phương, chính sách lưỡng dụng đối với các công trình. Với nhiều Khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn, Đoàn khảo sát cũng tìm hiểu về vấn đề quy hoạch, quản lý đất đai, đất Quốc phòng theo quy định của Luật Đất đai và các luật có liên quan.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, các thành viên Đoàn khảo sát cũng quan tâm đến trách nhiệm của Cơ quan tham mưu và chính quyền các cấp; chính sách đối với lực lượng bảo vệ; sự phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng đóng quân trên địa bàn.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến tại buổi khảo sát
Nhằm phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Đoàn khảo sát cũng đề nghị tỉnh Bình Dương báo cáo rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện chính sách pháp luật hiện hành; đồng thời có những kiến nghị, đề xuất đối với dự thảo Luật. Ý kiến khác cho rằng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật như hiện nay, việc bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự không chỉ triển khai đơn thuần theo địa giới hành chính, vì vậy cần nghiên cứu các chính sách phát triển hạ tầng số trong dự thảo Luật này.
Thay mặt Đoàn khảo sát, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Bình Dương cũng như việc tham mưu, triển khai thực hiện của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh trong công tác quản lý, xây dựng và bảo vệ CTQP và KQS; quy hoạch đất đai phục vụ nhiệm vụ quân sự quốc phòng, khu vực phòng thủ gắn với phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Đoàn khảo sát tìm hiểu thực tế tại Căn cứ Hậu cần - Kỹ thuật khu vực phòng thủ tỉnh Bình Dương
Với tính chất quan trọng, vị trí chiến lược của tỉnh trong khu vực phòng thủ Quân khu và đối với phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Bộ, Trưởng đoàn Khảo sát cũng đề nghị tỉnh Bình Dương tiếp tục làm tốt công tác quản lý, bảo vệ CTQP và KQS. Trên cơ sở thực tiễn của địa phương, tỉnh có những đóng góp, đề xuất, kiến nghị và cung cấp thông tin cho Đoàn khảo sát, làm cơ sở cả về lý luận và thực tiễn để Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bảo đảm luật sát với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và phục vụ nhu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã khảo sát thực tế Căn cứ Hậu cần - Kỹ thuật khu vực phòng thủ tỉnh Bình Dương để có cơ sở dữ liệu, thông tin hữu ích phục vụ hoạt động thẩm tra trong thời gian tới./.