NGHỊ QUYẾT SỐ 81/2023/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Quản lý diện tích đất trồng lúa 3,5 triệu ha
Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển của đất nước ta thời kỳ 2021 – 2030. Theo đó, phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Phát huy tối đa lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển; mọi chính sách đều phải hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của người dân; coi văn hóa là trụ cột trong phát triển bền vững, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia để tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá;
Để đảm bảo được mục tiêu trên, việc quản lý tốt diện tích đất trồng lúa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nghị quyết quy định: Quản lý diện tích đất trồng lúa 3,5 triệu ha. Trong phạm vi diện tích phù hợp, cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đi đôi với việc bảo đảm lợi ích của người trồng lúa và địa phương trồng lúa.
Đảm bảo người nông dân sống được bằng nghề trồng lúa
Quan tâm đến diện tích đất trồng lúa, tại các diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị cần giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa. Đại biểu Trần Thị Thanh Lam chỉ ra rằng, trước khi có thể kiểm soát chặt chẽ đất nông nghiệp thì điều đầu tiên là phải có quy hoạch chặt chẽ, chính xác, khoa học. Quy hoạch về đất đai thì phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, điều kiện phát triển hạ tầng, phát triển xã hội, đặc biệt là cập nhật quy hoạch theo thực tế đô thị hóa của từng vùng, từng địa phương và kết nối liên vùng cần được tính toán cho phù hợp.
Theo đại biểu, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Điều này thể hiện rõ qua các Nghị quyết như Nghị quyết 16, hiện nay là Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chương trình, đề án về an ninh lương thực quốc gia đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống của người dân có bước cải thiện nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn.
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam nhấn mạnh, dân có giàu thì nước mới mạnh, người nông dân trồng lúa, làm nông nghiệp mà khá giả thì an ninh lương thực mới đảm bảo. Thực tế thời gian qua vì sao người nông dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa dù biết là chưa đúng với chính sách pháp luật của Nhà nước? Liệu chính sách của Nhà nước đối với người trồng lúa hiện nay có phù hợp hay chưa? Nếu chúng ta không hoặc chưa giải quyết được câu hỏi này thì trong định hướng quy hoạch hiện nay cũng như là Luật Đất đai cũng khó có thể thực hiện nghiêm và quy hoạch quốc gia có ban hành mục tiêu 3,5 triệu đất lúa liệu có đạt được hay không?
Từ phân tích trên, đại biểu Trần Thị Thanh Lam kiến nghị, thời gian tới cần quy định rõ về giải pháp và cơ chế chính sách theo hướng có lợi trực tiếp và phù hợp với từng vùng miền cho người trồng lúa thì người nông dân không bỏ cây lúa, thậm chí diện tích đất lúa có thể tăng lên trong tương lai.
Ngoài ra, bàn về vấn đề này, một số chuyên gia cũng cho rằng, đất nông nghiệp nói riêng là tư liệu sản xuất quan trọng đối với quốc gia. Vì vậy, việc giữ gìn đất đai, đặc biệt giữ được đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa có ý nghĩa rất quan trọng. Với Việt Nam, là một đất nước nông nghiệp, chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu, thì việc giữ được đất lúa, giữ được 3,5 triệu ha là đồng nghĩa với việc đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia cả về trước mắt và lâu dài. Do đó chúng ta phải có nhiều giải pháp đồng bộ thì mới hạn chế được việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.
Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng trước tiên là phải hạn chế được tối đa được việc chuyển mục đích sử dụng đất. Việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp đòi hỏi phải được kiểm soát chặt chẽ, phải làm đúng theo Luật Đất đai và phải theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Giải pháp tiếp theo là làm sao để các địa phương được giao nhiều đất lúa, các hộ nông dân được giao sử dụng đất nông nghiệp phải sống được bằng nghề trồng lúa, có như vậy, địa phương đó, người nông dân đó mới yên tâm sản xuất để phục vụ cho an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, phải đảm bảo người trồng lúa sống được bằng nghề trồng lúa, Việt Nam có lợi thế để phát triển nông nghiệp song hiện nay người nông dân, đặc biệt là người trồng lúa lại có thu nhập rất thấp, vì vậy phải hỗ trợ để họ có thể sống được bằng nghề.
Áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-BTC sửa đổi Thông tư 18/2016/TT-BTC về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2023.
Theo đó, về sử dụng kinh phí hỗ trợ, Ủy ban nhân dân các cấp sử dụng kinh phí do cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước nộp và nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện các việc sau:
Đối với hỗ trợ cho người trồng lúa, sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đối với phần kinh phí còn lại, sẽ để thực hiện các việc sau: Phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp: Căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, các đơn vị lập dự toán chi trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa trong từng thời kỳ được cấp có thẩm quyền phê duyệt của địa phương, chất lượng đất chuyên trồng lúa nước trên địa bàn và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện lập phương án cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại cho cả thời kỳ và từng năm, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Căn cứ phương án cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa được duyệt và định mức kinh tế kỹ thuật, các đơn vị lập dự toán chi cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa (tăng độ dày tầng canh tác; tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng; thau chua, rửa mặn đối với đất nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác) trình cấp có thẩm quyền quyết định để làm cơ sở thực hiện;
Đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa; Khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: Mức chi theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trong lúa.
Về lập dự toán, Thông tư 02/2023/TT-BTC quy định, hàng năm, căn cứ vào kế hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trên địa bàn để xác định nguồn kinh phí phải nộp của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước và nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa trong dự toán chi cân đối ngân sách địa phương, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan có liên quan xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên để trình cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo các nội dung chi tại khoản 4, Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP.