ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM 1943- “SỢI CHỈ ĐỎ” ĐỊNH HƯỚNG VÀ PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HÓA MỚI VIỆT NAM

28/02/2023

Trải qua 80 năm triển khai và kiểm nghiệm trong thực tiễn, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn xa, tư duy lý luận sắc bén, khả năng đúc kết thực tiễn của Đảng. Nhiều ý kiến cho rằng, Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 không chỉ giải quyết tình thế cấp bách khi đó, mà còn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các văn kiện sau này của Đảng về văn hóa, văn nghệ, góp phần định hướng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.

PGS.TS-ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM 1943 VÀ BƯỚC CHUYỂN MÌNH CỦA VĂN HÓA DÂN TỘC

ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM - SỨC SỐNG TRONG DÒNG CHẢY CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG

GS.TS. TỪ THỊ LOAN: ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM 1943 – NGỌN ĐUỐC DẪN ĐẠO VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG CÁC GIAI ĐOẠN CÁCH MẠNG

Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943

Đảng đoàn Quốc hội vừa ban hành Kế hoạch số 1401-KH/ĐĐQH15 về Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương văn hóa Việt Nam” (1943-2023). Các hoạt động kỷ niệm nhằm tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; sự phát triển các nội dung cốt lõi của Đề cương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới hiện nay; qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt của văn hóa – văn nghệ, đề cao nghĩa vụ và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển con người Việt Nam thời đại mới và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đây là văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam. Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 gồm 05 phần: Phần (I): “Cách đặt vấn đề”; Phần (II): “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; Phần (III): “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phátxít Nhật, Pháp”; Phần (IV): “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam” và Phần (V): “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam”. Đề cương trình bày một cách ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đảm bảo hệ thống các quan niệm, phạm trù, các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc, với phương pháp tiếp cận khoa học; nổi bật là những luận điểm sau:

Tầm nhìn chiến lược của Đảng về văn hóa

Ra đời trong bối cảnh đặc biệt, ngay từ khi cách mạng Việt Nam đang còn trong thời kỳ trứng nước, trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng của cuộc cách mạng sinh tử giải phóng dân tộc, Đề cương văn hóa Việt Nam đã thể hiện một tầm nhìn xa, tư duy lý luận sắc bén, sự đúc kết thực tiễn sâu sắc về văn hóa và cách mạng văn hóa.

Với khoảng 1.500 chữ, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đề cập nhiều vấn đề hệ trọng, liên quan mật thiết đến vận mệnh quốc gia, dân tộc và công cuộc kiến thiết nền văn hóa mới theo nguyên tắc: Dân tộc, Khoa học và Đại chúng.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Tròn 80 năm ra đời, đến nay các giá trị và sức sống của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn vẹn nguyên.  Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chúng ta đã trải qua 80 năm kể từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943. Nhìn lại chặng đường lịch sử ấy, chúng ta nhận thấy rằng, những tư tưởng sâu sắc, mang tính dẫn đường về xây dựng một nền văn hóa cách mạng với những nguyên tắc như dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa đã thực sự “soi đường cho quốc dân đi”, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho quốc gia, để dẫn dắt đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Rõ ràng, trong mỗi một thời kỳ lịch sử của cách mạng Việt Nam, ba nguyên tắc quan trọng này đã có những nội hàm cụ thể để thể hiện được tính thời đại, định hướng cho sự phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu của bối cảnh xã hội lúc đó. Nếu như văn hóa kháng chiến là sự kết tinh của tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm giải phóng dân tộc, diệt giặc ngoại xâm, diệt giặc đói, giặc dốt, thì trong thời bình, hội nhập quốc tế, đó lại là khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, văn hóa làm nên sức mạnh mềm, bản lĩnh và sự tự tin Việt Nam. Kết tinh thành các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, dẫn dắt sự phát triển của mỗi con người và toàn dân tộc, lan tỏa niềm tin và sự tự hào Việt Nam, đó là những gì được bắt đầu từ cương lĩnh đầu tiên của Đảng: Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943. 

Trải qua thời gian, 3 nguyên tắc phát triển văn hóa trong Đề cương đã chứng minh được tính đúng đắn, đồng thời định hướng cho sự phát triển văn hóa. Ý nghĩa quan trọng của Đề cương là đặt văn hóa ở vị trí hàng đầu, “văn hóa soi đường quốc dân đi”. Trong bối cảnh hiện nay, khi đạo đức xã hội gặp nhiều vấn đề, nhiều hiện tượng văn hóa phiền phức, mê tín dị đoan phát triển trở lại, những tư tưởng sáng suốt của Đề cương một lần nữa cho thấy tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng. Từ 3 nguyên tắc dân tộc hóa – khoa học hóa – đại chúng hóa, giờ đây, văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, và là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhìn nhận Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 trong dòng chảy chính sách của Đảng, chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự vận động của văn hóa, từ đó, có đánh giá đúng và chính xác hơn về sự phát triển chung của đất nước.

“Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các văn kiện của Đảng về văn hóa, văn nghệ

Theo GS.TS. Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Đề cương văn hóa Việt nam 1943 đã đặt nền móng lý luận căn bản cho nhiều vấn đề văn hóa Việt Nam, từ đó góp phần thống nhất nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng, định hướng học thuật cho những người làm văn hóa nghệ thuật. Đó trước hết là những vấn đề căn cốt như: quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng; chức năng của văn hóa nghệ thuật (nghệ thuật vị nhân sinh); sự ưu thắng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; nguyên tắc và cách thức đấu tranh cho một nền văn hóa độc lập, tự chủ, khoa học, đại chúng, tiến bộ... 

Bên cạnh đó, Đề cương có giá trị thực tiễn quan trọng ở chỗ đã xác lập đúng đắn ba nguyên tắc cơ bản của cuộc vận động văn hóa Việt Nam là: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Thực tế đã chứng minh, ba nguyên tắc trên có tác dụng to lớn biến nền văn hóa Việt Nam từ một nền văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phong kiến, thực dân, nô dịch trở thành một nền văn hóa độc lập, tự cường, vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. 

GS.TS. Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

GS.TS. Từ Thị Loan khẳng định, cho đến hôm nay, không ai có thể phủ nhận giá trị lịch sử to lớn của bản Đề cương cũng như vai trò tiên phong mở đường, đặt nền móng lý luận cho công cuộc phát triển văn hóa Việt Nam .Tinh thần chung của bản Đề cương vẫn là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt các văn kiện sau này của Đảng ta về văn hóa, văn nghệ, góp phần định hướng và dẫn đạo nền văn hóa Việt Nam cất cánh lên những tầm cao mới.

Trong suốt 80 qua, Đảng ta luôn quán triệt tinh thần chính của bản Đề cương, đồng thời có sự điều chỉnh, bổ sung, vận dụng sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn cách mạng. Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I (11/1946) đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ II (7/1948) cho đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, tinh thần, giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam luôn hiện hữu, chi phối nội dung các tham luận trung tâm và kết luận quan trọng.

Sau khi Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời, tùy tình hình thực tiễn đặt ra Đảng ta đã ban hành các văn kiện có tính chuyên biệt về văn hóa. Trong đó, từ quan điểm, mục tiêu đến nhiệm vụ, giải pháp đều toát lên tinh thần 3 nguyên tắc: dân tộc, đại chúng, khoa học. Những nội dung văn kiện trên đã được các cơ quan của Nhà nước thể chế hóa kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn góp phần vào công cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc. 

Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, trên thực tế, kể từ sau năm 1943, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận nhằm phát triển văn hóa, đáng lưu ý nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII), Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành Trung ương Khóa XI), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Các văn kiện này đã cụ thể hóa 3 nguyên tắc phát triển văn hóa Việt Nam của Đề cương. Qua các lần bổ sung ấy, những nội dung mới như nguyên tắc dân tộc hóa đã được bổ sung những giá trị của thế giới để trở thành nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ở đó, “Cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản vǎn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa vǎn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng vǎn hóa để thực hiện "diễn biến hòa bình".

Bên cạnh đó, không chỉ trong các nghị quyết của Đảng mà còn trong các văn kiện, chiến lược, văn bản khác của Nhà nước, những nguyên tắc dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng hoá trong xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Điều đó chứng tỏ sức sống lâu bền của Đề cương văn hoá 1943 với sự phát triển đất nước trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Góp phần định hướng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam

Theo PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 80 năm là quãng thời gian đủ dài để đo đếm tính phù hợp của lý luận, đủ dài để thấm, ngấm lý luận vào cuộc sống. Đất nước ta đã có nhiều thay đổi vượt bậc, nhưng tinh thần và những nội dung cốt lõi của Đề cương văn hóa Việt Nam vẫn còn giá trị. 3 nguyên tắc, ba tính chất cơ bản của nền văn hóa Việt Nam được khẳng định trong bản Đề cương vẫn mang tính thời sự và là mục tiêu đặt ra để xây dựng, phát triển văn hóa theo hướng bền vững, dù hiện nay quan niệm về 3 tính chất ấy đã được mở rộng cho phù hợp với thực tiễn. 

Nếu ở giai đoạn trước, đưa ra nguyên tắc Dân tộc hóa là để văn hóa Việt Nam có thể phát triển độc lập, thoát khỏi sự phụ thuộc của văn hóa phát xít, thực dân… thì ngày nay, tính dân tộc được hiểu là việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong dòng hợp lưu văn hóa đang chảy vô cùng mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, bản sắc văn hóa dân tộc chính là vũ khí để bảo vệ sự độc lập của văn hóa Việt Nam, dân tộc Việt Nam; do đó, cần tăng cường khả năng tự vệ, khả năng đề kháng của văn hóa dân tộc để bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 

Bảo vệ và đề cao văn hóa dân tộc là việc làm vô cùng cần thiết nhưng không có nghĩa là cố giữ những yếu tố không còn phù hợp với sự phát triển hay đóng cửa với các giá trị văn hóa bên ngoài, với những tiến bộ của nhân loại. Chính vì vậy, nguyên tắc khoa học hóa ngày nay không chỉ còn là chống lại những cái lạc hậu, phản khoa học, phản tiến bộ mà còn phải tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tiếp thu những thành tựu khoa học mới để sử dụng và ứng dụng trong hoạt động văn hóa, bởi không có một lĩnh vực nào của văn hóa hiện nay có thể đứng ngoài mà không cần đến các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ để phát triển, từ bảo tồn di sản văn hóa đến điện ảnh, quảng cáo, nghệ thuật trình diễn, mỹ thuật… 

Tương tự như vậy, tính đại chúng của văn hóa ngày nay được mở rộng hơn, đó là quần chúng phải là nguồn cảm hứng cho các sáng tạo văn hóa, là người sáng tạo và cũng là người thụ hưởng những sáng tạo đó. Hơn thế nữa, văn hóa không chỉ phục vụ cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà còn phải được người dân các nước trên thế giới hiểu biết và yêu thích, thông qua các hoạt động trao đổi và giao lưu văn hóa...

Nhấn mạnh giá trị của nguyên tắc dân tộc hóa đã góp phần xây dựng một nền văn hóa độc lập, tự cường, mang đậm bản sắc dân tộc, thúc đẩy cuộc đấu tranh về tiếng nói, chữ viết, thống nhất làm giàu tiếng nói dân tộc, GS,TS. Từ Thị Loan cho biết, đây là một trong ba nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam được đề ra từ Đề cương về văn hóa đang được Đảng ta kế thừa và phát huy, đồng thời có sự mở rộng và phát triển phù hợp với sự thay đổi của thời đại và hội nhập quốc tế. Cụ thể:

Một là, bên cạnh việc "chống mọi sự nô dịch, đồng hóa của văn hóa bên ngoài", dân tộc hóa hiện nay còn là đề cao khả năng tiếp biến, "Việt hóa" những ảnh hưởng tốt đẹp của văn hóa thế giới, bồi bổ, làm giàu và nâng tầm cho văn hóa dân tộc. Chúng ta không chỉ "chống" mà còn "thu nạp", "thâu hóa" tinh hoa văn hóa nhân loại. Sự điều chỉnh, bổ sung này được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII: "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" cũng như trong các văn kiện về văn hóa, văn nghệ sau này.

Hai là, với ý nghĩa "chống văn hóa phong kiến thoái hóa", dân tộc hóa không có nghĩa là phủ định sạch trơn, đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ. Đảng ta đã kiên quyết chấn chỉnh những biểu hiện quá khích, ứng xử cực đoan với văn hóa truyền thống (phá bỏ đình chùa, cấm đoán lễ hội, chụp mũ mê tín dị đoan, coi nhẹ y, dược học cổ truyền...). Hiện nay, di sản văn hóa đã trở thành nguồn tài nguyên nhân văn to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố sức mạnh nội sinh của đất nước.

Ba là, dân tộc hóa không có nghĩa là độc tôn văn hóa, sa vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đả phá các tông phái, khuynh hướng văn học nghệ thuật "khác mình". Hiện nay, Đảng ta luôn cởi mở để mọi trường phái, trào lưu văn hóa, nghệ thuật tự do phát triển. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển phong phú, đa dạng, tiếp cận được với tất cả các khuynh hướng, trường phái văn hóa, nghệ thuật của thế giới.

Bốn là, dân tộc hóa phải có chỗ dựa vững chắc là bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc dân tộc được kết tinh trong ý thức dân tộc, tâm hồn dân tộc, tính cách dân tộc, tâm lý dân tộc, di sản văn hóa dân tộc... Bản sắc dân tộc sẽ đảm bảo sự trưởng tồn của dân tộc, tạo nên bản lĩnh, nội lực, giúp chúng ta "hòa nhập mà không hòa tan" để đứng vững trong cơn lốc toàn cầu hóa, tạo sức đề kháng và đối trọng chống lại sự xâm lăng văn hóa.

Năm là, dân tộc hóa phải đi đôi với quốc tế hóa, tức là mang các giá trị văn hóa của dân tộc quảng bá ra thế giới, thâm nhập vào các nền văn hóa khác. Có như vậy, chúng ta mới không chỉ "nhận" mà còn "cho", có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển của văn hóa nhân loại.

Đặc biệt, theo GS,TS. Từ Thị Loan, xác định rõ những nguy cơ trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, đó là sự tiềm ẩn của yếu tố lạc hậu, mê tín trong tín ngưỡng dân gian, Đảng ta luôn có sự xem xét để bổ sung, phát triển các nguyên tắc khác trong vận động văn hóa, trong đó có nguyên tắc khoa học hóa để củng cố và làm bền vững yếu tố dân tộc trong văn hóa.

Theo đó, khoa học hóa là đấu tranh chống lại mọi hình thức lạc hậu, thần bí, phản khoa học, cản trở sự phát triển của văn hóa. Khoa học hóa cũng là đặt mọi vấn đề của văn hóa trên cơ sở khoa học, đề cao tư tưởng, học thuật, phát triển các ngành khoa học.

GS,TS. Từ Thị Loan nhấn mạnh, đây là nguyên tắc cực kỳ cần thiết và chính xác, góp phần đấu tranh về nhận thức và tư tưởng, đả phá những học thuyết sai trái, trang bị cho giới trí thức, văn nghệ sĩ công cụ lý luận chống lại văn hóa bảo thủ, thần bí, duy tâm, phong kiến… bảo vệ sự đúng đắn của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, văn hóa Việt Nam sẽ không thể phát triển nếu không nhanh chóng tiếp thu những tư tưởng mới, những thành tựu mới của khoa học - công nghệ. Hay nói cách khác, khoa học sẽ giúp cho yếu tố dân tộc trong văn hóa được củng cố, phát huy bền vững và hội nhập quốc tế./.

Thu Phương