GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA: ĐỒNG BỘ CHÍNH SÁCH CHO GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN

09/03/2023

Sáng 09/3, Đoàn Giám sát chuyên đề ''Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông'' đã làm việc với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Ba Vì, Hà Nội.

CÒN HẠN CHẾ, THIẾU SÓT TRONG TỔ CHỨC LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA Ở MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG

Thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng

Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Ba Vì được thành lập 11/1993 đến ngày 28/9/2016 đổi tên thành Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì theo Quyết định số 5399/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội. Hiện nay Trung tâm đảm nhiệm 3 chức năng: thực hiện chương trình GDTX cấp lớp; tổ chức hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông cho học sinh lớp 8 khối THCS và học sinh lớp 11 khối THPT trên địa bàn huyện Ba Vì; tổ chức bồi dưỡng và dạy nghề ngắn hạn.

PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phát biểu tại cuộc làm việc

Báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì Hoàng Trọng Tài cho biết: Chương trình GDTX cấp THPT đã tạo cơ hội học tập cho người học có nhu cầu để đạt trình độ giáo dục THPT theo hình thức GDTX, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực của địa phương và nhu cầu học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Trong quá trình thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT đối với lớp 10 trong học kỳ 1, Trung tâm đã chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của tổ chuyên môn, của giáo viên. Các thầy cô dạy khối 10 cơ bản đã biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học viên.

Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì Hoàng Trọng Tài cho biết Trung tâm còn có nhiều khó khăn trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới

Tuy nhiên khi triển khai thực hiện Trung tâm nhận thấy cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc. Về đội ngũ nhà giáo, Trung tâm hiện có 8 giáo viên biên chế (7 giáo viên văn hóa và 1 giáo viên nghề phổ thông), 6 giáo viên hợp đồng trường và 19 giáo viên hợp đồng thỉnh giảng. Theo Thông tư số 12/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông thì hiện tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì đang thiếu 3 giáo viên biên chế (2 giáo viên toán và 1 giáo viên Văn), do môn Toán chưa có giáo viên biên chế và môn Ngữ văn hiện có 1 giáo viên biên chế.

Về cơ sở vật chất, từ khi sáp nhập năm 2016 đến nay, Trung tâm chưa được đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất; trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học chưa được bổ sung nhiều, vì vậy cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ. Với cơ sở vật chất hiện tại Trung tâm chưa đáp ứng được đầu đủ yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng bộ chính sách để GDTX có vị trí xứng đáng

Tổ trưởng Tổ Giáo dục Thường xuyên, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì Nguyễn Thị Lý cho biết đã gắn bó với Trung tâm từ 1996 đến nay, được thực hiện cả 3 chương trình Giáo dục phổ thông. Chuẩn bị thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới, giáo viên đã được tham dự các lớp tập huấn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Cụm GDTX (gồm 10 trường) và Trung tâm, có các chương trình sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm theo cụm và theo đơn vị. Trong việc lựa chọn sách giáo khoa, Ban giám đốc đã giao giáo viên nghiên cứu cả 3 bộ sách và cho ý kiến bộ nào hợp lý, phù hợp với tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đội ngũ học sinh của Trung tâm.

Tổ trưởng Tổ Giáo dục Thường xuyên, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì Nguyễn Thị Lý chia sẻ tại cuộc làm việc

Theo cô giáo Nguyễn Thị Lý, Trung tâm hiện nay có khó khăn là đội ngũ giáo viên hợp đồng nhiều, nên khó sắp xếp tiết dạy. Mặt khác, do khó khăn về tài chính nên một số giáo viên khó gắn bó, ảnh hưởng đến bố trí về chuyên môn. Trong thời gian tới, cần có chính sách lương hợp lý cho giáo viên.

Cô Lê Thị Huệ, giáo viên bộ môn Ngữ văn của Trung tâm cho biết: “Là giáo viên hợp đồng, may mắn được Ban giám đốc tạo điều kiện đóng bảo hiểm tại Trung tâm, chúng tôi muốn thể hiện bằng việc làm của mình, bằng tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao, nhiều học sinh thi học sinh giỏi đạt giải. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn được tăng lương, và để gắn bó lâu dài, mong muốn có cơ chế thi, xét tuyển viên chức tại Trung tâm…”

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo Vũ Thị Tú Anh cho rằng: GDTX Hà Nội là nơi duy nhất trong cả nước có kinh phí cấp trên đầu học viên. Chúng tôi đánh giá cao, và mong muốn nhân rộng mô hình này trong cả nước. Tuy nhiên, GDTX Hà Nội cũng có cái khó so với các địa phương khác, bởi thành phố có nhiều trường dân lập, tư thục, đầu vào GDTX là đầu vào cuối cùng, và thường học sinh nghèo nhất, thiếu các điều kiện, để bảo đảm chất lượng là bài toán vô cùng nan giải…

Tại cuộc làm việc, Trung tâm GDNN-GDTX xuyên huyện Ba Vì kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành chính sách về chế độ đặc thù lương, phụ cấp đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức làm việc trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất với Bộ Nội vụ xem xét ban hành cơ cấu định mức giáo viên theo bộ môn của GDTX để các Trung tâm ổn định về đội ngũ cho việc tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Đoàn giám sát thăm cơ sở vật chất của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì

Trung tâm cũng đề xuất Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện tăng cường đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất và cung cấp đủ trang thiết bị cho các Trung tâm GDNN-GDTX bảo đảm để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi hoặc xét thăng hạng đối với đội ngũ nhà giáo dạy ở các Trung tâm GDNN-GDTX của thành phố Hà Nội. Xem xét việc tăng kinh phí cấp trên đầu học viên của GDTX trên năm học. Vì thực tế số tiền được cấp hiện nay trên đầu học viên của GDTX bằng 50% số tiền được cấp trên đầu học sinh của THPT (4,5 triệu đồng/ 9 triệu đồng), trong khi đó số tiết giảng dạy của chương trình GDTX lớp 10 hiện nay bằng trên 75% số tiết giảng dạy của chương trình lớp 10 THPT (752 tiết/1015 tiết)…

Thay mặt Đoàn giám sát, PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, ghi nhận nỗ lực và chia sẻ áp lực, khó khăn về cơ sở vật chất, giáo viên, kinh phí, nhưng Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì đã bảo đảm thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới; tin tưởng Trung tâm sẽ nỗ lực hơn để khắc phục những khó khăn trước mắt. PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, cần đồng bộ chính sách để thực hiện tốt Chương trình, sách giáo khoa trong những năm tới, để GDTX có vị trí xứng đáng, đáp ứng yêu cầu của xã hội học tập, học tập suốt đời.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác