TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 16/3: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

16/03/2023

Theo chương trình Phiên họp thứ 21, 14h00 chiều 16/3/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 15/3: KHAI MẠC PHIÊN HỌP LẦN THỨ 21 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 15/3: UBTVQH XEM XÉT CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI) VÀ CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN THÁNG 02/2023

TỔNG THUẬT SÁNG 16/3: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành Phiên họp:

Phát biểu điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, theo chương trình, chiều ngày 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Dự phiên họp có lãnh đạo các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

14h01: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn liên quan đến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 - 11/2022), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và Hội trường, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Về tên gọi của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu đa số ý kiến các đại biểu, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản của dự án Luật và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự án Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật.

Đối với việc thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu nhiều ý kiến ĐBQH, rà soát và chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là thống nhất triển khai theo Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ, không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều chỉnh các nội dung về 08 chính sách từ 01 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 08 điều quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Về Liên đoàn hợp tác xã, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu chủ trương “nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực”. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn hợp tác xã tại dự thảo Luật. Để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành đánh giá tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn hợp tác xã.

Về tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh hợp tác xã (Chương X), Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy ý kiến các đại biểu là hoàn toàn xác đáng, việc quy định về hệ thống Liên minh hợp tác xã tại dự thảo Luật là cần thiết. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung tại Chương X quy định về tổ chức đại diện và hệ thống Liên minh hợp tác xã, giữ lại các nội dung quy định về hệ thống Liên minh hợp tác xã tại Luật Hợp tác xã năm 2012, đồng thời bổ sung một số nội dung khác như thể hiện tại Chương X theo chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Về Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia (Điều 83, Điều 85 và Điều 86), Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu ý kiến đại biểu và thể hiện tại Điều 83, Điều 85, Điều 86, Điều 99 và Điều 100 theo hướng phân định rõ các nguồn hình thành Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cũng như đưa ra các nguyên tắc xử lý Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia theo nguồn hình thành khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản.

14h18: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành, gợi ý nội dung thảo luận về một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Chủ tịch Quốc hội đã có buổi làm việc với các cơ quan nghe báo cáo về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau để làm căn cứ tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến và lưu ý một số vấn đề như sau một dự án Luật gồm việc đảm bảo quan điểm, mục tiêu định hướng chính sách lớn đặt ra khi sửa đổi luật và đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận xem xét thông qua. Thảo luận và cho biết quan điểm đối với một nội dung còn có ý kiến khác nhau về chuyển nhượng phần góp vốn của các thành viên trong hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; các quy định về tổ hợp tác, tổ chức đại diện hệ thống Liên minh hợp tác xã, quy định về thành viên hợp tác xã, tổ chức quản trị tài chính, tài sản, quỹ chung không chia, hoạt động tín dụng nội bộ, góp vốn mua cổ phần thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã viên, hợp tác xã. 

Quan điểm về việc cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội cho thí điểm thành lập Liên đoàn Hợp tác xã và chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV.

14h22: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ tán thành cao việc chuẩn bị hồ sơ Dự án Luật của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra; đánh giá cao việc tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  đánh giá cao các cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã giải trình đầy đủ, làm rõ nhiều vấn đề trong thực tiễn, thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng trong phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Về tên gọi, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thống nhất với tên gọi Luật Hợp tác xã, đảm bảo tính bao quát đối với các loại hình kinh tế tập thể, hơn nữa, đây cũng là tên gọi mang tính truyền thống.

Về số lượng thành viên hợp tác xã, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng tình tăng từ 5 đến 7 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, đề nghị quy định tăng số lượng thành viên hợp tác xã theo lộ trình hợp lý, khả thi để tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể. Việc khuyến khích các thành viên mới tham gia hợp tác xã là việc đúng đắn, tránh việc hộ gia đình trá hình hợp tác xã để trục lợi chính sách.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng thuận quy định Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã là quỹ hỗ trợ ngoài ngân sách, đồng thời cho rằng nên giao Liên minh hợp tác xã quản lý Quỹ này. Về chuyển nhượng phần góp vốn của thành viên hợp tác xã, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, không nên cho phép chuyển nhượng, tránh tạo điều kiện giao dịch để chuyển tài sản của mình thông qua Hợp tác xã cho người khác, phục vụ các mục đich khác, tránh việc mua bán cổ phần, dẫn đến tình trạng không phản ánh đúng ý nghĩa, bản chất của hợp tác xã, kinh tế hợp tác. 

Về Tổ hợp tác, khoản 2, Điều 105 của dự thảo Luật quy định, Tổ hợp tác phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi hợp đồng hợp tác không có thời hạn hoặc có thời gian hợp tác từ 06 tháng trở lên và có góp vốn; khuyến khích các tổ hợp tác khác đăng ký theo quy định của Chính phủ. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng có mâu thuẫn ngay trong chính quy định này, nên cần bỏ cụm từ “khuyến khích” trong khoản trên để đảm bảo tính chặt chẽ trong văn bản pháp luật. Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị nghiên cứu để quy định thời gian hoạt động của Tổ hợp tác cho đến khi được chuyển đổi thành hợp tác xã.

14h33: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường: Thống nhất với tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đồng thời bày tỏ thống nhất với tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đây cũng là ý kiến của đa số các ĐBQH.

Bày tỏ băn khoăn về việc chuyển đổi từ Tổ hợp tác lên Hợp tác xã, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, thành lập Tổ hợp tác chỉ cần ít nhất 2 thành viên còn Hợp tác xã phải cần ít nhất 5 thành viên. Do vậy cần phai quy định chặt chẽ hơn về thời gian và số thành viên khi chuyển đổi từ Tổ hợp tác lên Hợp tác xã

Về tổ chức đại diện liên minh hợp tác xã, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng chức năng nhiệm vụ của liên minh chưa rõ nên việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ của liên minh hợp tác xã là cần thiêt.

14h37: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Kỳ vọng cụ thể hóa các chính sách dành cho hợp tác xã"

Đến nay cơ quan soạn thảo và thẩm tra cơ bản thống nhất nhiều nội dung cơ bản của Luật và đủ điều kiện này trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ kỳ vọng của mình cũng như các hợp tác xã các chính sách hỗ trợ từ điều 17 đến 28, phải có các dự thảo Nghị định của Chính phủ kèm theo; đồng thời, đưa một số quy định cốt lõi trong nghị định vào Luật để Luật cụ thể hơn để bảo đảm khả thi.

Về chính sách tiếp cận vốn và bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Đây là chính sách cần thiết với hợp tác xã nhưng đang rất vướng. Thực tế cho thấy có thể thiết kế theo 3-4 nhóm nội dung cụ thể như về chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm, lưu ý tiếp cận vốn và bảo hiểm là những nội dung khác nhau.

Về chính sách tiếp cận vốn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên chăng trong luật này quy định rõ các ngân hàng thương mại cho các chủ thể tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã vay vốn tín dụng thương mại theo quy định pháp luật để xem xét trên cơ sở xem xét, đánh giá năng lực tài chính và hiệu quả dự án sản xuất kinh doanh kể cả về năng lực tài chính và hiệu quả của dự án, những tài sản hình thành sau đầu tư có thể dùng thế chấp vay vốn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định một số loại tài sản cụ thể có thể thế chấp vay vốn vào Luật.

Hoan nghênh điều 26 dự thảo Luật quy định về hỗ trợ đầu tư tài sản kết cấu hạ tầng, sau đó, hợp tác xã được dùng tài sản kết cấu hạ tầng này làm tài sản thế chấp để vay vốn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng  cần rà soát theo hướng không phải tất cả các tài sản ở điều 26 đều được dùng để thế chấp mà quy định một số tài sản.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng điều 26 là tiến bộ lớn khi quy định về hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trang thiết bị. v.v Đây là những tài sản được phép dùng để thế chấp vay vốn. Tuy nhiên chuyển giao một số công trình kết cấu hạ tầng nhà nước phục vụ lợi ích chung để quản lý vận hành, duy tu, bảo dưỡng thì không được thế chấp. Điều này giải quyết tình trạng thiếu vốn của hợp tác xã.

Đối với tiếp cận vốn về chính sách bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên nghiên cứu Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp hiện, lấy một số các quy định trong khi Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp này để đưa vào Luật; cùn với đó là bảo hiểm ngư nghiệp là rất cần thiết. 

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hiện nay qua tổng kết hợp tác xã cho thấy nguyện vọng thiết tha, cháy bỏng của những người quản lý, cán bộ của hợp tác xã và những nhân viên của hợp tác xã mong muốn khi nghỉ hưu được hưởng lương hưu. Đây cũng là nội dung chính là chính sách trong Nghị quyết về Bảo hiểm xã hội đa tầng của Việt Nam. Do đó cần nghiên cứu quy định trường hợp nào tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cách thức thành viên và người lao động làm việc thường xuyên có nhận tiền công, tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; quy định cách thức và chế độ hỗ trợ thành viên của các hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và quy định về cam kết của các thành viên hợp tác xã đối với những hỗ trợ chính sách này. 

Đối với chính sách tiếp thị và nghiên cứu thị trường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rõ hơn chính sách hỗ trợ tiếp cận thị trường là gì và chính sách hỗ trợ nghiên cứu thị trường là gì. Nên biên tập làm rõ nội hàm của chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro. 

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng góp ý về tổ chức quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, nên quy định trong luật trách nhiệm của giám đốc và tổng giám đốc trong hoạt động mua chung, bán chung các sản phẩm vật tư giống, phân bón, tức đầu vào, đầu ra; nhấn mạnh trách nhiệm trong các hoạt động mua chung, bán chung để các thành viên hợp tác xã thấy được lợi ích cụ thể.

14h59: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu:

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu tại Kỳ họp thứ 4. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga góp ý vào các nội dung liên quan đến dự thảo luật: tên gọi của dự thảo luật; quy định về Liên đoàn Hợp tác xã; quỹ chung không chia; tài sản chung không chia; hoạt động tín dụng nội bộ tại các tổ chức kinh tế tập thể có đủ điều kiện; góp vốn mua cổ phần thành lập doanh nghiệp; tài sản hợp tác xã; kiểm toán hợp tác xã… 

Về tên gọi của dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị giữ nguyên tên gọi của dự án luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi); đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản của dự án luật, thiết kế lại bố cục kết cấu của dự án luật để đảm bảo thống nhất với tên gọi.

Đối với quy định Liên đoàn Hợp tác xã, đại biểu cho rằng Nghị quyết số 20-NQ/TW nêu chủ trương nghiên cứu xây dựng thí điểm một số Liên đoàn Hợp tác xã hoạt động chuyên môn hóa cao trong một số ngành, lĩnh vực. Do đó, đại biểu đề nghị chưa nên luật hóa, nên thực hiện thí điểm một số Liên đoàn Hợp tác xã.

Khẳng định quy định về Tổ hợp tác như dự thảo luật là cần thiết để xác định địa vị pháp lý của Tổ hợp tác và phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 20-NQ/TW. Tuy nhiên, do nhiều nội dung liên quan đến Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác đã được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự nên đề nghị tiếp thu theo hướng: Luật này chỉ quy định một số nguyên tắc về tổ hợp tác và đề nghị rà lại với quy định của Bộ luật Dân sự để tránh chồng chéo.

 Đối với quy định về Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia tại Điều 83, Điều 85 và Điều 86, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng ý với cách tiếp thu theo hướng thể hiện tại Điều 83, Điều 85, Điều 86, Điều 99, Điều 100 theo hướng phân định rõ nguồn hình thành quỹ chung không chia, tài sản chung không chia của Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, cũng như đưa ra các nguyên tắc xử lý quỹ chung không chia, tài sản chung không chia theo nguồn hình thành khi Hợp tác xã và Liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản.

Về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại Điều 78, đại biểu đồng ý với phương án 2 , theo đó là giữ quy định như Luật hợp tác xã năm 2012. Theo đó không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, mà chỉ quy định thành viên được trả lại phần góp vốn khi ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của luật và các điều lệ. Quy định như vậy nhằm tránh hiện tượng mua bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn không phản ánh đúng bản chất hợp tác xã tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội…

15h05: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu
Đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến các đại biểu của cơ quan soạn thảo cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, việc thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW đã được đảm bảo trong dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, trong dự thảo Luật đang có nhiều điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, không đảm bảo tính rõ ràng, vì vậy, cần hạn chế những điều khoản chưa rõ ràng này, nghiên cứu quy định chi tiết ngay tại dự thảo Luật.

Đối với quy định tại Điều 78 của dự thảo Luật về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu kết hợp cả 2 phương án đang đặt ra, cụ thể là cho phép chuyển nhượng trong khuôn khổ quy định của pháp luật và theo điều lệ của Hợp tác xã, với nguyên tắc pháp luật đưa ra định hướng chung, quy định chi tiết tại điều lệ của Hợp tác xã để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế trong triển khai áp dụng.

15h11: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu bổ sung thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã

Phát biểu bổ sung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu bổ sung thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã. Bởi đây là nội dung vướng nhưng dự thảo Luật chưa đề cập đến. Thực tế thế giới và Việt Nam không chuyển đổi hợp tác xã nhưng thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã đã có và nhu cầu rất lớn. 
Chủ tịch Quốc hội gợi ý có thể nghiên cứu đưa ra những điều khoản mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để không để có khoảng trống pháp luật trong vấn đề này. 

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề áp dụng pháp luật trong thành lập doanh nghiệp đối với trường hợp hợp tác xã thành lập sẽ như thế nào…đề nghị quy định rõ để bảo đảm minh bạch.

15h16: Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu:

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá cao ý kiến thẩm tra của Ủy ban kinh, ý kiến chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến hóp ý của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về nội dung quy định liên quan đến vấn đề chuyển nhượng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị làm theo phương án 2 để đảm bảo nguyên tắc, bản chất hoạt động của Hợp tác xã, phù hợp với điều kiện thực tế.

Về khoản 4, Điều 9 về Hệ thống Liên minh hợp tác xã có quy định, Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện để hệ thống Liên minh hợp tác xã thực hiện các hoạt động được giao. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị chuyển cụm từ “Nhà nước hỗ trợ” thành “Nhà nước đảm bảo kinh phí” để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các hoạt động của Hệ thống Liên minh hợp tác xã.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cũng đề nghị bổ sung vào chương quy định chung một khoản về đánh giá hiệu quả, mức độ đóng góp vào nền kinh tế xã hội, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh của khu vực hợp tác xã, bao gồm hợp tác xã, liên minh hợp tác xã và các thành viên, tổ hợp tác và các thành viên để thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoạt động của hợp tác xã.

15h21: Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú:

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng nhà nước cơ bản thống nhất với các nội dung của Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Liên quan đến vấn đề tài chính nội bộ của Hợp tác xã, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng nên sử dụng cụm từ “cho vay nội bộ”.

Bởi Hợp tác xã không phải kinh doanh tiền tệ nên không thể hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng, và hoạt động cho vay của Hợp tác xã là hoạt động nội bộ, không có tính chất huy động. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất 2 hình thức: Hợp tác xã có thể vay vốn của các thành viên, nhưng không được đi vay để cho vay lại. Hai việc này không được thực hiện cùng một lúc. 

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề xuất cần nâng cao năng lực của Ngân hàng Hợp tác xã để phát huy tốt vai trò tín dụng nhân dân, hỗ trợ tốt hơn nữa cho các Hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

15h27: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu:

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau Kỳ họp thứ 4, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu, khảo sát để hoàn thiện theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiếp thu đầy đủ tất cả những ý kiến, đến nay cơ bản đã đạt được đồng thuận và thống nhất rất cao

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nội dung đã được thống nhất, như việc giữ nguyên tên luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi); không luật hóa Liên đoàn hợp tác xã; hệ thống Liên minh Hợp tác xã sẽ có một điều quy định chung về các tổ chức đại diện, còn nhiệm vụ của hệ thống liên minh hợp tác xã, có kế thừa và bổ sung theo Luật của Hợp tác xã năm 2012.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển nhượng vốn. Hiện nay có 2 phương án, Bộ trưởng đề nghị cân nhắc có thể lựa chọn phương án 1 kết hợp với phương án 2. Vì đây là quyền của các thành viên, nếu lo ngại làm méo mó bản chất của Hợp tác xã không cho phép chuyển nhượng là không phù hợp; đề nghị trong luật vẫn cho phép nhưng vẫn phải giữ nguyên tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hợp tác xã.

15h31: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung UBTVQH thảo luận một số vấn đề lớn liên quan đến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong hoàn thiện dự thảo luật, tuy nhiên, vì dự thảo Luật thay đổi tên, nên có thay đổi nhiều về bố cục, kết cấu, nên cơ quan thẩm tra cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, rà soát kỹ lưỡng từng điều, khoản trong dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan liên quan, rà soát để tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện nội dung dự án Luật xin ý kiến Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến một số Đoàn ĐBQH, các cơ quan hữu quan, đồng thời chủ trì cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để đảm bảo chất lượng của dự án Luật.


Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, ngoài ý kiến toàn diện về dự thảo Luật cần nêu rõ các nội dung lớn, quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần xin ý kiến, nêu rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo về các nội dung này. 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tập hợp đầy đủ các ý kiến tham gia tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới, hoàn thiện báo cáo giải trình, hồ sơ dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chịu trách nhiệm đến cùng với dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội