HOÀN THIỆN NGUYÊN TẮC, TIÊU CHUẨN THẨM ĐỊNH GIÁ VÀ QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH GIÁ NHÀ NƯỚC

18/03/2023

Cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 21, các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chuẩn thẩm định giá; quyền hạn, trách nhiệm của thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá, hội đồng thẩm định giá của Nhà nước cũng như số lượng, tiêu chuẩn thành viên Hội đồng để đảm bảo chặt chẽ, khả thi, gắn trách nhiệm với quyền hạn.

XÂY DỰNG LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI): CẦN QUY ĐỊNH NGUYÊN TẮC, ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP QUỸ BÌNH ỔN GIÁ

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu tại phiên họp

Dự án Luật Giá (sửa đổi) đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo đã thống nhất bỏ 02 Điều; bổ sung 05 Điều; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung 07 nội dung của các Luật có liên quan; bổ sung thêm Phụ lục số 2 để làm rõ Danh mục các hàng hóa, dịch vụ đưa ra khỏi phạm vi Nhà nước định giá.

Tại Phiên họp thứ 21 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá; chỉnh lý quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức liên quan trong đào tạo, thi, cấp, quản lý, thu hồi chứng chỉ và thẻ thẩm định viên về giá, đăng ký hành nghề thẩm định giá, bảo đảm cơ sở pháp lý, tính bao quát. Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách cũng đã chỉnh lý quy định về dịch vụ thẩm định giá nhằm bảo đảm chặt chẽ, khả thi trong thực hiện. Chỉnh sửa điều kiện được thi thẩm định viên về giá; quy định về đăng ký hành nghề thẩm định giá; quy định về quyền, nghĩa vụ của thẩm định viên về giá; quy định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá, người chịu trách nhiệm về doanh nghiệp thẩm định giá ...

Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ nguyên tắc và cơ chế thực hiện thẩm định giá nhà nước. Đối với các trường hợp cụ thể phải thẩm định giá của Nhà nước, để bảo đảm tính hợp lý, đầy đủ, do đó, các đạo luật chuyên ngành sẽ xác định cụ thể; đồng thời quy định tăng cường phân cấp, phân quyền cho các Bộ, ngành, địa phương. Dự thảo Luật xây dựng theo nguyên tắc từng cá nhân, tổ chức, cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với công việc mà mình thực hiện.

Để tiếp tục cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã bổ sung 02 Điều về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập Hội đồng thẩm định giá  và quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá; chỉnh lý làm rõ quy định về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước; bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định giá; bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thẩm định giá... Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường nêu rõ, những quy định trên nhằm vừa tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, vừa bảo đảm tính khả thi, giúp các cá nhân, tổ chức liên quan yên tâm thực hiện đúng chức trách được giao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến chỉ đạo tại phiên họp

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung khá chặt chẽ về thẩm định giá; đề nghị tiếp tục rà soát lại tính phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đang có hiệu lực. Theo Chủ tịch Quốc hội, khoản 1 Điều 43 dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam là những quy định và hướng dẫn về nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thẩm định giá. Nhưng Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quy định tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa,… Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng dùng thuật ngữ “tiêu chuẩn thẩm định giá” là chưa phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, vì vậy cần nghiên cứu cách dùng từ để đảm bảo phù hợp, tương thích giữa các luật.

Đối với đăng ký hành nghề thẩm định giá, Điều 36 dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn là có thời gian thực tế làm việc tại các doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý Nhà nước về giá và thẩm định giá đủ 36 tháng trở lên. Cho rằng nếu quy định cụ thể sẽ khó vận hành và dễ tuỳ tiện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định rõ hơn về tiêu chuẩn 36 tháng như tính từ thời điểm nào, tính thời gian liên tục hay cộng dồn,…; đồng thời cần xem xét thêm điều kiện hành nghề đối với những trường hợp bị cấm. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nên có quy định để khuyến khích phát triển lĩnh vực tư vấn thẩm định giá và có cơ sở pháp lý để các đơn vị, cá nhân hành nghề hoạt động. Đồng thời cần có quy định phù hợp hơn đối với tên gọi các công ty thẩm định giá.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Cùng với đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận thấy, dự thảo Luật đã chỉnh lý, hoàn thiện và quy định chặt chẽ hơn đối với thẩm định giá. Theo đó, vấn đề thẩm định giá trong thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vi phạm. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng yêu cầu phải rà soát chặt chẽ các quy định về thẩm định giá, đặc biệt là vấn đề kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý đối với vấn đề thẩm định giá. Đồng tình việc phải quy định chặt chẽ nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp thẩm định giá, tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho rằng nếu quy định chặt quá mà cản trở hoạt động thì không phục vụ tốt cho hoạt động này.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Điều 42 của Luật hiện hành quy định, doanh nghiệp thẩm định giá có thể thỏa thuận mức thù lao dịch vụ thẩm định giá trong hợp đồng thẩm định giá. Quá trình rà soát để phát hiện, khắc phục những sơ hở, bất cập tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ đã rà soát quy định này và nhận thấy đây là một quy định sơ hở có thể dẫn đến thỏa thuận ngầm để tác động vào kết quả thẩm định giá. Điều 55 dự thảo Luật đã tiếp thu và bỏ quy định này.

Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không quy định về việc thực hiện cơ chế thù lao cho doanh nghiệp thẩm định giá. Do đó, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần làm rõ hơn về cơ chế thù lao cho doanh nghiệp; đồng thời nhấn mạnh, bỏ quy định trên là đúng nhưng chưa đủ, nếu không khắc phục được sơ hở này sẽ dẫn đến một vướng mắc khác,.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chuẩn, thẩm định giá, quyền hạn, trách nhiệm của thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá, hội đồng thẩm định giá của Nhà nước cũng như số lượng, tiêu chuẩn thành viên Hội đồng để đảm bảo chặt chẽ, khả thi, gắn trách nhiệm với quyền hạn.

Đồng thời đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật, chuẩn bị hồ sơ báo cáo ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc chịu trách nhiệm đến cùng với dự thảo Luật./.

Minh Thành

Các bài viết khác