SẼ LẤY Ý KIẾN CỦA ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT LÀ CÁC DOANH NGHIỆP KINH DOANH DỊCH VỤ TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ TRỰC TUYẾN

28/03/2023

Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những điểm mới của dự án Luật này là Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ này.

VĂN BẢN HỢP NHẤT SỐ 08/VBHN-VPQH LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

ĐẠI BIỂU DÂN CỬ VỚI CHÍNH SÁCH THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI THUỐC LÁ, RƯỢU BIA VÀ ĐỒ UỐNG CÓ ĐƯỜNG

Hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của những đối tượng chịu tác động về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2009 thay thế cho Luật thuế TTĐB năm 1999, Luật sửa đổi một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế GTGT năm 2005. Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần (Luật số 70/2014/QH13, Luật số 71/2014/QH13, Luật số 106/2016/QH13, Luật số 03/2022/QH15) để giải quyết phát sinh vướng mắc, phù hợp cam kết hội nhập. Việc sửa đổi bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã góp phần vào sự thành công củaChiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020.

Thực tế thực hiện cho thấy, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, đã đạt được một số kết quả nhất định tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn còn những hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như mục tiêu đề ra của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030.


Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất hợp lý (ảnh minh họa: Internet).

Một trong những điểm mới của dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài chính soạn thảo là đề nghị đưa dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết, trò chơi điện tử trên mạng (game online) là một loại hình giải trí gắn liền với sự phát triển của Internet, có sự tương tác giữa những người chơi với nhau và giữa người chơi với máy chủ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trựctuyến thông qua các thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, máy chơi game, các thiết bị di động.

Tại Điều 31 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng quy định: Trò chơi điện tử trên mạng được phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ, bao gồm: Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (trò chơi G1); Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (trò chơi G2); Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (trò chơi G3); Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (trò chơi G4).

Dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng là việc cung cấp cho người chơi khả năng truy cập vào mạng và chơi các trò chơi điện tử trên mạng. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng là doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử thông qua các việc thiết lập hệ thống thiết bị và sử dụng hợp pháp phần mềm trò chơi. Doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khi có giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử hoặc khi có giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tùy thuộc loại hình cung cấp dịch vụ trò chơi (G1, G2, G3 quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP).

Ngoài việc sử dụng phần mềm trò chơi do doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng (Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật của Việt Nam) thì người chơi còn có thể chơi các trò chơi do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cung cấp qua biên giới vào lãnh thổ Việt Nam và thanh toán tiền thông qua các hình thức như: Thanh toán thông qua cổng thanh toán của google, facebook; Thanh toán bằng thẻ cào điện thoại; Thanh toán trực tiếp qua ngân hàng; Thanh toán bằng thẻ tín dụng; Thanh toán bằng SMS; Thanh toán bằng các cổng thanh toán như ngân lượng;...

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Nhằm góp phần định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và góp phần tăng cường quản lý hoạt động này, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ này.

Để cập nhật những nội dung được bổ sung trong việc xây dựng dự án Luật dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các tổ chức, liên quan  tổ chức lấy ý kiến, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến là nhóm đối tượng chịu tác động mới của Luật này./.

Bích Lan