SẼ TRÌNH UBTVQH CHO Ý KIẾN VIỆC SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KĨ THUẬT NGHIỆP VỤ ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THỦY SẢN

30/03/2023

Chiều 30/3, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 13, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

 

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm và các ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Về phía cơ quan trình có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thủy sản, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã giao Bộ chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (Nghị định số 42/2019/NĐ-CP). Tại dự thảo Nghị định có quy định về việc phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Do vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép Chính phủ quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại Nghị định này.

Theo Tờ trình, việc cho phép Chính phủ quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản sẽ giúp phát hiện nhanh hành vi vi phạm trong lĩnh vực này; cung cấp bằng chứng, chứng cứ để tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU). Mặt khác, để bảo đảm việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trình bày Tờ trình

Tại Tờ trình của Chính phủ cũng gửi kèm dự kiến Danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản gồm 9 loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Cụ thể: Phương tiện đo độ dài; Thiết bị ghi âm và ghi hình; Phương tiện đo nhanh nước thải, mặt nước; Phương tiện phân tích mẫu thủy sản, sản phẩm thủy sản; Thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình; máy chủ lưu trữ hành trình tàu cá từ thiết bị giám sát tàu cá; Thiết bị phân tích mẫu thức ăn thủy sản; Thiết bị phân tích mẫu Chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; Thiết bị quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản; Máy vi tính, máy tính bảng lưu trữ kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. 

Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết phải có quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang trao đổi ý kiến nghiên cứu ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Nhiều ý kiến lưu ý, tại Luật Thủy sản năm 2017 quy định hoạt động thủy sản bao gồm các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản. Như vậy, nếu quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong “lĩnh vực thủy sản” như đề xuất tại Tờ trình của Chính phủ là rất rộng, cần phải đánh giá kỹ về tác động, cũng như điều kiện bảo đảm thi hành.

Một số ý kiến lưu ý, khi xác định các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì phải đi đôi với quy định về cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để có thể xác định áp dụng. Do vậy, Chính phủ cần sớm báo cáo phương án sửa đổi luật, nghị định liên quan để tạo điều kiện sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong  khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, việc áp dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nhằm phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là rất cần thiết nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tế, cũng như yêu cầu trong quản lý, phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm hành chính trong khai thác đánh bắt trên biển, qua đó thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU, góp phần sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, phát huy hơn nữa lợi thế kinh tế biển của nước ta.

Việc việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là bảo đảm cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền theo quy định của luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần báo cáo Chính phủ có ý kiến chính thức bằng văn bản về việc giới hạn phạm vi áp dụng quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong “khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản” khác với phạm vi trong “lĩnh vực thủy sản” đã được nêu tại Tờ trình số 60/TTr-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu và cân nhắc mở rộng cho phép áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính trong chế biến thủy sản, rộng hơn đề xuất tại Báo cáo gửi Ủy ban Pháp luật.

Đây là nội dung sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 22 (tháng 4/2023) tới.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tại phiên họp

Ủy viên Uỷ ban Pháp luật, Phó Trưởng chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long 

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đỗ Thị Việt Hà

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Tống Văn Băng

Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương phát biểu

Bảo Yến - Nghĩa Đức