TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN VÀO NĂM 2024

03/04/2023

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để thẩm tra về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh chương trình năm 2023, Tòa án nhân dân tối cao đã có Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên để trình Quốc hội vào năm 2024 với mục tiêu mục tiêu đổi mới, cải cách mạnh mẽ chính sách pháp luật áp dụng đối với người chưa thành niên về tư pháp hình sự theo đúng các cam kết, thông lệ quốc tế.

ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 13: THẨM TRA CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2023

CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT HOÀNG THANH TÙNG: XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN

Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến, những chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng. Để thể chế hóa những yêu cầu, nhiệm vụ đó thì việc đề xuất xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên là giải pháp khả thi và phù hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023

Việt Nam hiện đang có 07 Bộ luật, Luật điều chỉnh trực tiếp về tư pháp người chưa thành niên và nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đang tồn tại các hạn chế như thủ tục tố tụng hình sự, thi hành án hình sự chưa thực sự thân thiện, chưa đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Hệ thống hình phạt đang áp dụng chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất, hành vi phạm tội của người chưa thành niên; chưa coi trọng đúng mức việc áp dụng biện pháp “xử lý chuyển hướng” để thay thế các hình phạt trong Bộ luật Hình sự bằng biện pháp nhân văn, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc và tính nghiêm minh của pháp luật.

Còn thiếu thiết chế, cơ chế đặc thù riêng biệt để bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích chính đáng của người chưa thành niên tại các giai đoạn tố tụng. Hệ thống pháp luật về tư pháp người chưa thành niên còn tản mạn, nhiều tầng nấc; chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn. Còn cam kết trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên chưa được nội luật hóa đầy đủ; một số quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thực tiễn thi hành pháp luật đối với người chưa thành niên có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ, nghiêm túc; nhận thức, quan niệm về việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật vẫn còn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt, chưa chú trọng nhiều đến việc tạo cơ hội cho người chưa thành niên sửa chữa, cải thiện hành vi.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về các đề nghị xây dựng luật

Xu hướng chung của các quốc gia hiện nay là xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên thay vì quy định rải rác ở nhiều đạo luật khác nhau. Các quốc gia đều xác định người chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có nhiều kinh nghiệm sống nên chưa thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Hầu hết người chưa thành niên khi tham gia vào quy trình tố tụng tư pháp hình sự phức tạp đều cảm thấy lo sợ, dễ bị tổn thương, bị tác động tiêu cực. Do đó, việc bảo vệ người chưa thành niên cần có cách tiếp cận riêng biệt, có cơ chế pháp lý đặc thù thông qua một đạo luật chuyên biệt quy định toàn diện, đầy đủ các vấn đề về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên.

Việc xây dựng Luật có mục tiêu đổi mới, cải cách mạnh mẽ chính sách pháp luật áp dụng đối với người chưa thành niên về tư pháp hình sự theo đúng các cam kết, thông lệ quốc tế. Đề cao việc giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ để người chưa thành niên tự sửa chữa, cải thiện hành vi. Hoàn thiện pháp luật về hệ thống hình phạt áp dụng với người chưa thành niên.

Luật Tư pháp người chưa thành niên điều chỉnh trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện đối với người chưa thành niên; Xử lý trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên; Trình tự, thủ tục thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng; thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên. Luật này điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự mà không điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp về dân sự, hành chính đối với người chưa thành niên.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết có 6 nhóm chính sách được đề xuất xây dựng trong dự án luật này gồm: Đổi mới, xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện; Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về hình phạt đối với người chưa thành niên; Xây dựng, hoàn thiện quy định của pháp luật về biện pháp xử lý chuyển hướng; Quy định cơ chế điều phối quốc gia về tư pháp người chưa thành niên; Quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của người làm công tác xã hội trong tư pháp hình sự người chưa thành niên; Đổi mới cơ chế thi hành án và tái hoà nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên.

Tòa án nhân dân tối cao dự kiến trình Quốc hội xem xét dự án Luật này tại Kỳ họp tháng 5 năm 2024, thông qua tại Kỳ họp tháng 10 năm 2024.

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, về cơ bản Ủy ban Tư pháp nhất trí đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với những lý do đã nêu trong tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời bày tỏ nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án luật chỉ điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, không điều chỉnh sang các lĩnh vực khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết thêm về phạm vi điều chỉnh cụ thể của dự án luật hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến đa số nhất trí với đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao là luật này điều chỉnh toàn bộ, chuyên biệt về hệ thống tư pháp hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên. Theo đó, luật này sẽ thu hút rất nhiều nội dung của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự vào trong luật này. Điều này rõ ràng phải đặt ra vấn đề phải sửa đổi những luật có liên quan.

Bên cạnh đó, một số ý kiến lại cho rằng Luật Tư pháp người chưa thành niên chỉ nên quy định những nội dung mang tính chất nguyên tắc, còn những nội dung cần sửa đổi tốt nhất cho người chưa thành niên liên quan đến tư pháp người chưa thành niên thì phải sửa đổi trong các luật có liên quan như Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự. Truyền thống pháp luật hình sự của nước ta đến nay thì tội phạm, hình phạt chỉ được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nếu tách riêng những quy định về tội phạm và hình phạt đối với người chưa thành niên từ Bộ luật Hình sự sang Luật Tư pháp người chưa thành niên thì nó sẽ phá vỡ tính đồng bộ, tính thống nhất và nguyên tắc cơ bản, nguyên lý cơ bản của pháp luật hình sự của nước ta từ trước đến nay. Tương tự như vậy đối với tố tụng hình sự. Tố tụng hình sự có Điều 7 liên quan đến nguyên tắc là mọi hoạt động tố tụng hình sự chỉ được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Như vậy, khi xây dựng dự án luật này phải rất cân nhắc để đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là lĩnh vực tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa lưu ý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu

Có cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho rằng, các dự án đề nghị đưa vào chương trình đều hết sức cần thiết nhưng cần cân nhắc, điều chỉnh một số giải pháp cụ thể trong các chính sách được nêu để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, nâng cao tính khả thi, bảo đảm tính đồng bộ trong tổ chức hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp nói chung.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy, việc sửa đổi và ban hành 2 luật mà Tòa án nhân dân tối cao đề xuất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ có ảnh hưởng, tác động rất nhiều đến hệ thống pháp luật, cụ thể là các pháp luật về tố tụng, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thi hành án và một số luật khác có liên quan. Tuy nhiên, trong đề nghị cũng như trong dự kiến chương trình mà các cơ quan đề xuất chưa thấy có đề nghị về sửa đổi, bổ sung các luật này để đồng bộ với 2 luật mà Tòa án đề nghị. Do đó đề nghị Bộ Tư pháp cũng là cơ quan chủ trì đầu mối giúp Chính phủ yêu cầu các cơ quan hữu quan tiến hành rà soát để có những đề xuất bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Báo cáo làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu, tiếp thu và đã xác định phạm vi điều chỉnh đối với dự án luật chỉ có 3 vấn đề. Một là trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện đối với người chưa thành niên. Hai là xử lý trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên. Ba là trình tự, thủ tục thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng, thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên. Trong quá trình hoàn thiện pháp luật về xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính của Chính phủ thì Tòa án nhân dân tối cao sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Luật Xử phạt vi phạm hành chính.

Bảo Yến - Nghĩa Đức