XEM XÉT KỸ LƯỠNG DỊCH VỤ KHÔNG PHẢI LÀ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÓ BẤT CẬP THÌ MỚI ĐIỀU CHỈNH
VIỆC SỬ DỤNG QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH CÒN CHƯA HỢP LÝ, HIỆU QUẢ CHƯA CAO
Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010, có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay và trước những yêu cầu đổi mới của nền kinh tế, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tế. Chính vì thế, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) đang lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến trong Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.
PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.
Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương, 73 điều, trong đó có 01 điều quy định mang tính chuyển tiếp. Một trong những nội dung chú ý trong dự án Luật là các quy định về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông cũng như thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia.
Nhận định về vấn đề trên, PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nêu quan điểm: Luật Viễn thông hiện hành đã quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động bán buôn và trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc điều tiết thị trường này. Còn trong dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng đã quy định việc cung cấp các dịch vụ viễn thông theo hình thức bán buôn với giá cước, điều khoản và điều kiện công bằng, hợp lý, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp mua lại dịch vụ; công khai, minh bạch thông tin giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông. Xây dựng hợp đồng mẫu và báo cáo cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông...
Những quy định này hy vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, tiết kiệm chi phí và thời gian của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thực thi quản lý cấp phép, tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi với người sử dụng dịch vụ. Qua đó sẽ nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên viễn thông, thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển và xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác ttrong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, nền hành chính số.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, cần xem xét kỹ và cân nhắc một số quy định chưa hoàn toàn phù hợp, có thể gây khó khăn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và các doanh nghiệp hoạt động ngoài lĩnh vực viễn thông. Theo đó, cần xem lại các quy định có liên quan các lĩnh vực dịch vụ không thuộc dịch vụ viễn thông tại các điều 23, 24 của dự của Luật; đồng thời xem lại các thông lệ quốc tế về các dịch vụ này.
Ngoài ra, có một số quy định về giấy phép viễn thông cho các loại hình dịch vụ tại các điều quy định trong chương IV cần được cân nhắc kỹ vì có thể ảnh hưởng đến thu hút đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là thu hút đầu tư từ nước ngoài vào lĩnh vực điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu. Đây là những dịch vụ quan trọng đối với phát triển nền kinh tế số.
Ông Nguyễn Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam.
Đề cập về cơ chế đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông quan trọng, ông Nguyễn Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật Viễn thông là phải thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) chưa quy định về cơ chế đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông quan trọng như hạ tầng trạm cáp quang cập bờ, hạ tầng trung tâm dữ liệu quốc gia, khu vực, hạ tầng trung tâm tính toán hiệu năng cao.
Do đó, ông Nguyễn Long đề nghị bổ sung và quy định rõ Nhà nước có trách nhiệm đầu tư vào những nội dung gì, doanh nghiệp trong nước được đầu tư những hạng mục nào, doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư vào những đâu. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) rà soát và quy định rõ hạ tầng viễn thông được Nhà nước đầu tư là tài sản kết cấu hạ tầng nào theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 để bảo đảm hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng và khai thác. Ngoài ra, cần quy định rõ việc đầu tư, xây dựng, phát triển công trình viễn thông trên các loại tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó cho phép và ưu tiên công trình viễn thông được khai thác các tài sản công khác để phục vụ phát triển mạng lưới viễn thông.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn.
Trước những ý kiến trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn khẳng định, với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay và một số bất cập trong thực hiện Luật Viễn thông hiện hành thì cần thiết phải sửa đổi Luật này; đồng thời đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu tối đa những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, xem xét kỹ lưỡng đối với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) trong quá trình hoàn thiện án thảo Luật, trước tiên là trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp Pháp luật tháng 4 này./.