ĐOÀN ĐBQH TP.HCM LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Tăng trưởng thấp không phải do bộ máy đình trệ
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn ĐBQH TP cho biết, kết quả KT-XH TP.HCM những tháng đầu năm thấp hơn dự báo có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận có nguyên nhân chủ quan là tình trạng cán bộ công chức viên chức vì lo sợ, thiếu trách nhiệm dẫn đến chất lượng hiệu quả công vụ không cao, giải quyết vướng mắc của người dân và doanh nghiệp không kịp thời. Tuy nhiên đây chỉ là một bộ phận nhỏ chứ “không phải toàn bộ hệ thống lo sợ đến mức không làm gì dẫn đến đình trệ và dẫn đến kết quả như thế”.
Dự hội nghị có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên
Theo Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Văn Mãi, để thúc đẩy tăng trưởng, TP.HCM sẽ chú trọng vào các trụ cột thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư công. Giai đoạn đầu năm, đầu tư công thấp là do còn đang làm các thủ tục, chuẩn bị mặt bằng… TP.HCM đang tập trung rất cao độ để giải phóng mặt bằng Vành đai 3 và nếu đảm bảo tiến độ, trong quý II sẽ giải phóng 70% mặt bằng. Như vậy, đến hết quý II, TP.HCM sẽ nâng giải ngân đầu tư công từ 4% của quý I lên khoảng 35 – 40%. Thành ủy cũng đã phân công các đoàn để kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư để thúc đẩy giải ngân.
Ngoài ra, TP.HCM chú trọng lĩnh vực đầu tư tư nhân, tập trung kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tháo gỡ thủ tục đầu tư, tháo gỡ vướng mắc về bất động sản, thu hút các dự án FDI lớn. Ngoài việc tập trung các hoạt động kích cầu du lịch, kích cầu tiêu dùng, triển khai chương trình bình ổn thị trường..., TP.HCM cũng nỗ lực tìm các thị trường mới, thúc đẩy xuất khẩu, kết nối cung cầu.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi
"Ba trụ cột đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu trước mắt tập trung như thế. Việc này còn lệ thuộc khá nhiều vào tình hình cải thiện của kinh tế thế giới. Nếu không thì chúng ta nỗ lực nhưng không cộng hưởng diễn biến tích cực thì khó mang hiệu quả đồng bộ", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.
Trong thời gian còn lại của năm, TP.HCM đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi số. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, vừa qua các chỉ số của TP.HCM đều giảm, có nhiều ý kiến về chất lượng, hiệu quả công vụ nên TP.HCM sẽ tập trung hơn nữa thực hiện chủ đề năm; giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội trước tình hình sản xuất khó khăn, mất việc, thu nhập giảm và các vấn đề xã hội phát sinh.
Tận dụng cơ hội, biến nguy thành cơ
Tại hội nghị, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân cho rằng, con số tăng trưởng chỉ 0,7% là ở mức thấp so với mong muốn, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn cao hơn (quý I năm 2022 là 0,29%). Tuy nhiên so với con số tăng trưởng cả nước là 3,32% thì mức tăng trưởng của TP thấp hơn và cần phải lý giải vấn đề này.
PGS - TS Trần Hoàng Ngân
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đầu tư công tuy chỉ chiếm 12% trong tổng vốn đầu tư nhưng có hệ số đòn bẩy, mở đường để phát triển đầu tư tư nhân. Việc đầu tư công quý I thấp có yếu tố khách quan lẫn chủ quan và TP đang rất chú trọng giải quyết yếu tố “cán bộ”.
Đồng tình với việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhưng theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, "điểm rơi" của giải phóng mặt bằng sẽ vào cuối tháng 4 và tháng 5 này nên không cần quá đặt nặng vấn đề đầu tư công thấp trong quý I.
Quang cảnh buổi làm việc
Với đầu tư tư nhân, tình hình trái phiếu doanh nghiệp bất ổn dẫn đến ảnh hưởng thị trường bất động sản cần phải được kiểm soát. TP.HCM là trung tâm tài chính của quốc gia nên chịu tác động rất lớn, dịch vụ kinh doanh bất động sản âm 16%...
Tuy nhiên, PGS- TS Trần Hoàng Ngân cho rằng không phải tất cả các diễn biến đều bất lợi: "Bất động sản theo tôi phải chấn chỉnh, cho nên phải chấp nhận các tác động đó. Khi mà bất động sản được củng cố, kiểm soát để trở về giá trị thật phù hợp hơn thì sẽ giúp công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi hơn, việc thương thảo thuận lợi hơn. Cho nên trong cái rủi có cái may".