TỔ CÔNG TÁC ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA KHẢO SÁT TẠI ĐIỆN BIÊN
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên, Tổ trưởng Tổ công tác của Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên chủ trì cuộc làm việc
Báo cáo tại cuộc làm việc cho thấy, đối với chương trình giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2022 – 2025) trên địa bàn tỉnh còn hơn 15.100 hộ, đạt tỷ lệ 4,54%, trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 7.100 hộ, tỷ lệ hơn 7%; tổng số hộ cận nghèo hiện còn hơn 26.200 hộ, chiếm 7,8%, trong đó, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc Khmer hơn 10.150 hộ, chiếm 10%.
Thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, trong năm 2021, các ngành, các cấp tỉnh Sóc Trăng đã chủ động phối hợp để triển khai thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã kịp thời chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống của người lao động, người sử dụng lao động, các đối tượng gặp khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng báo cáo kết quả triển khai 3 Chương trình MTQG
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo cũng gặp một số khó khăn, hạn chế như: nguồn kinh phí thực hiện chương trình chưa được phân bổ kịp thời; tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tác động lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm hộ nghèo trong năm 2021 không đạt kế hoạch...
Về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, qua gần 10 năm triển khai, diện mạo nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã thật sự đổi mới với hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, kinh tế nông thôn có bước tiến mạnh mẽ với nhiều vùng sản xuất tập trung có giá trị kinh tế cao, chất lượng môi trường sống khu vực nông thôn từng bước cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng lên.
Tính đến cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận thị xã Ngã Năm hoàn thành xây dựng nông thôn mới và huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% so với mục tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy và đạt 200% so với mục tiêu Trung ương giao; toàn tỉnh có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 62,5%); các xã còn lại (30 xã) đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên; các xã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục nâng chất lượng tiêu chí, xã An Thạnh 1 (huyện Cù Lao Dung) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng báo cáo kết quả triển khai 3 Chương trình MTQG
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung do tình hình dịch bệnh Covid-19 và chuyển tiếp giai đoạn, Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Sóc Trăng chủ động ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch, bố trí nguồn lực tiếp tục triển khai quyết liệt các nội dung, mục tiêu xây dựng nông thôn mới ngay trong năm 2021, nhờ đó tiến độ và lộ trình thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo thông suốt, liên tục trong thời gian chờ phê duyệt Chương trình giai đoạn 2021 - 2025.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo ổn định. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc có nhiều tiến bộ, mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo được phát triển rộng khắp, cơ sở vật chất và năng lực đào tạo của các cơ sở từng bước được nâng cao. Công tác phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt...
3 Chương trình mục tiêu quốc gia cùng nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc khác tiếp tục được các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai thực hiện, đạt được kết quả tích cực. Đặc biệt, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thông qua các chương trình đã làm nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số phấn khởi, có chuyển biến tích cực trong việc học hỏi, phát triển bản thân để vươn lên khá giả.
Tuy nhiên, kết quả triển khai dự án hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa tốt do quy định về định mức cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đến tháng 3.2023 mới có hướng dẫn.
Tại cuộc làm việc, các thành viên Tổ công tác của Đoàn giám sát đã tập trung trao đổi, làm rõ hơn các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai 3 Chương trình MTQG, các văn bản từ Trung ương đến địa phương có gì chồng chéo không, nguồn vốn dành cho chuyển đổi nghề, các chính sách xây dựng nông thôn mới có phù hợp với địa phương không...
Báo cáo làm rõ các vấn đề này, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng cho biết, các bất cập đã được sở, ngành tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ, ngành Trung ương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ.
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên đánh giá cao nỗ lực của sở, ngành tỉnh Sóc Trăng trong việc thực hiện các Chương trình MTQG, đặc biệt là công tác giảm nghèo, thông qua các mô hình kinh doanh, sản xuất, các lớp đào tạo nghề để giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Thay mặt Tổ công tác, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu ghi nhận và cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của địa phương về công tác giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, nguồn vốn hỗ trợ các mô hình sản xuất cho bà con nông dân…