PHIÊN HỌP THỨ 23 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh đảm bảo phù hợp thực tiễn
Tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng xác định công tác cải cách hành chính phải được tiến hành một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; trong đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp kiến tạo thể chế xác định cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, dự án luật được xây dựng nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệan ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.
Cho ý kiến về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như trong Tờ trình, đồng thời đánh giá cao Chính phủ đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu có trong hồ sơ cơ bản đầy đủ, nhiều tài liệu được chuẩn bị công phu, chi tiết, có chất lượng; đủ điều kiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh hiện hành góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh cho rằng, cơ quan soạn thảo xây dựng dự thảo Luật đã cơ bản bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng; các quy định của dự thảo Luật phù hợp quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng các yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật có liên quan đến quy định của Luật Điều ước quốc tế, Luật Quốc phòng, Luật Biên phòng Việt Nam. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính khả thi.
Đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan
Tham gia đóng góp ý kiến về dự án luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề, về phạm vi sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, có ý kiến là dự án Luật Căn cước công dân đang chuẩn bị trình đối với đối tượng người gốc Việt nhưng chưa được xác định cố định. Để đồng bộ, thống nhất với Luật Căn cước công dân, có cần bổ sung vào dự án luật này để điều chỉnh việc quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của đối tượng người gốc Việt hay không?
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
Dự thảo luật có quy định về việc bổ sung quy định giấy tờ khác tại điểm đ khoản 1 Điều 6 và việc bổ sung quy định nơi sinh tại khoản 3 điều này; việc sửa khoản 2 Điều 15 về trực tiếp đến nộp các loại giấy tờ chứng minh cũng như cấp hộ chiếu phổ thông qua môi trường điện tử. Việc cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn được quy định tại khoản 2 Điều 17 và khoản 2 Điều 18 theo hướng mở rộng các đối tượng; việc bổ sung, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu khi còn thời hạn bị mất hoặc đối với trường hợp quá 12 tháng từ ngày cơ quan chức năng hẹn nhưng người được cấp không đến nhận được quy định tại khoản 1 Điều 27. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu quy định như tại Điều 27 trong dự thảo Luật thì cần phải bổ sung một khoản vào Điều 28 về thủ tục này.
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, trong dự thảo luật có nói là tất cả các giấy tờ đó có thể nộp một cách bình thường theo kiểu truyền thống, nhưng cũng có thể nộp trên môi trường mạng, môi trường điện tử, môi trường số. Trong dự thảo luật có dùng khái niệm “bản chụp”, ví dụ như căn Cước công dân, Chứng minh nhân dân, v.v., bản chụp.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Hiện nay, Quốc hội đang xem xét và chuẩn bị thông qua Luật Giao dịch điện tử. Trong quá trình thẩm tra dự án luật này và tiếp thu, chỉnh lý để giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công an. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng bản chụp, bản sao là các kỹ thuật xử lý văn bản, nên nghiên cứu và đưa thêm một cụm từ “thực hiện theo pháp luật về giao dịch điện tử” để đảm bảo tính chặt chẽ. Bởi vì, trong Luật Giao dịch điện tử sẽ có quy định những bản chụp hoặc bản số có giá trị tương đương với văn bản giấy, và cũng đưa ra những điều kiện, tiêu chí nhất định về vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà
Cùng tham gia ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà bày tỏ nhất trí với nội dung tờ trình cũng như báo cáo thẩm tra, đồng thời đóng góp thêm ý kiến về thẩm quyền đề nghị sửa đổi cấp hộ chiếu ngoại giao cho đồng chí Phó tùy viên quốc phòng. Trong Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thì không có chức danh Phó tùy viên. Nếu thống nhất trong dự án luật này quy định cấp hộ chiếu ngoại giao cho đồng chí Phó tùy viên quốc phòng thì sắp tới cần sửa Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài cho phù hợp.