ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NÊU QUAN ĐIỂM VỀ MỨC GIÁ ''0 ĐỒNG'' CỦA CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG

23/05/2023

Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau được ĐBQH cho ý kiến tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) là quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Có ý kiến tán thành giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, nhưng cũng có ý kiến đề nghị bỏ cả giá trần và giá sàn.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

Tờn cảnh Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Xem xét điều chỉnh thuật ngữ "mức giá 0 đồng" trong vận chuyển hành khách hàng không.

Theo dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và giao Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa.

Cho ý kiến về quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế nhất trí với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Tuy nhiên, đối với mức giá 0 đồng của hãng hàng không, đại biểu khẳng định thực chất không có vé máy bay giá 0 đồng; mức giá 0 đồng là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thời gian qua, một số hãng áp dụng giá vé 0 đồng như một hình thức ưu đãi, chỉ áp dụng trong một số ít ghế trong một chuyến bay và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng, rất cần xem xét điều chỉnh thuật ngữ "mức giá 0 đồng" bằng những thuật ngữ phù hợp như "giá ưu đãi" hoặc "giá khuyến mại", nhằm tránh ngộ nhận, lợi dụng, lạm dụng và cũng thể hiện được tính minh bạch trong Luật Cạnh tranh và Luật Giá.

Quy định rõ hạng dịch vụ hàng không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là của nhiều đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không. Qua đó giảm chi phí xã hội cho các nhu cầu vận chuyển của người dân cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cần thiết có sự điều tiết của Nhà nước về dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, vẫn bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh, không gây tác động xấu đến các doanh nghiệp hàng không.

Trong dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa có nhiều hạng dịch vụ khác nhau nhằm phục vụ nhu cầu của các đối tượng có thu nhập khác nhau. Do đó, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị xác định trong dự thảo luật hạng dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa nào cần điều tiết để đảm bảo nguyên tắc hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 21 của dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ.

“Ban soạn thảo cần quy định rõ trong dự thảo luật chỉ có dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá. Còn đối với hạng thương gia, phổ thông đặc biệt thì để các doanh nghiệp hàng không tự định giá theo cơ chế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu cao hơn một bộ phận người dân”, đại biểu Nguyễn Thành Nam kiến nghị.

Đồng tình với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bỏ giá sàn, nhưng giữ giá trần, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm, nếu không giữ được giá trần thì chức năng quản lý nhà nước không còn trong việc định giá. Khi đó các cơ quan, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quyết định giá dịch vụ, các cảng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra những giá dịch vụ, giá vé máy bay ở mức rất cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến xã hội.

Về lo ngại của một số đại biểu, nếu quy định giá trần sẽ không mang tính cạnh tranh đối với dịch vụ hàng không và các hãng hàng không nước ngoài, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định sẽ không xảy ra vấn đề này, bởi hiện vẫn có nhà đầu tư nước ngoài mong muốn đầu tư dịch vụ hàng không ở Việt Nam. Vì vậy, quy định giá trần giúp người dân được hưởng giá không quá cao mà cũng không quá thấp.

Đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò định giá của các cơ quan, nhất là vai trò định giá của Bộ Tài chính, bởi đây là cơ quan chuyên ngành cần tham gia định giá và chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định đề xuất giá đối với các lĩnh vực thiết yếu như hàng không, giá dịch vụ y tế, giáo dục…

Cân nhắc không quy định giá trần, giá sàn.

Nêu quan điểm về việc có nên áp giá trần, giá sàn hay khung giá đối với vận chuyển hành khách hàng không nội địa, qua nghiên cứu dự thảo luật, trao đổi với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp hàng không, chuyên gia kinh tế, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam ủng hộ ý kiến nên bỏ khung giá, bỏ giá trần và giá sàn.

Phân tích về vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết, về cơ sở pháp lý, đặt giá trần, giá sàn như hiện nay là không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11 tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nêu: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ các quy luật của kinh tế thị trường; thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường. Bên cạnh đó, quy định như dự thảo luật cũng không phù hợp với Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Luật Cạnh tranh hiện hành.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Cụ thể, Điều 5 mục 3 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định nguyên tắc hoạt động hàng không dân dụng là cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng.

Tại Điều 6 mục 5 về chính sách phát triển hàng không dân dụng, quy định Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân Việt Nam, những người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động hàng không dân dụng.

Điều 6 mục 2 Luật Cạnh tranh cũng nêu rõ hành vi cấm đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cấm phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp (giữa các doanh nghiệp hàng không nhà nước với tư nhân, giữa các doanh nghiệp hàng không với các loại hình vận tải khác).

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng cho rằng, hiện nay có tới 6 hãng hàng không và cũng không có tuyến hàng không độc quyền, nên để đảm bảo cạnh tranh giữa vận tải hàng không và giữa các loại hình vận tải khác; hàng không phải cạnh tranh không chỉ trong lĩnh vực hàng không mà còn phải cạnh tranh với cả vận tải đường bộ, vận tải đường sắt, để đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

Hơn nữa, các quy định trong dự thảo luật còn mâu thuẫn, theo đó khoản 1 Điều 21 quy định những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải đáp ứng được một trong bốn tiêu chuẩn, gồm: Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về thương mại và các luật khác; Tài nguyên quan trọng theo quy định của pháp luật về tài nguyên; Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu, bởi tỷ trọng vận tải hàng không nội địa thấp hơn rất nhiều so với vận tải đường bộ hiện nay. “Nếu nói đến yếu tố độc quyền thì trong luật vận tải đường sắt là một ngành chỉ có duy nhất một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, nhưng dự thảo hiện nay cũng không quy định giá trần, giá sàn đối với dịch vụ đường sắt. Đấy là vấn đề chưa hợp lý”.

Vì vậy, theo đại biểu, việc không quy định giá trần, giá sàn không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá, mà ngược lại sẽ tạo điều kiện để các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách giá phù hợp, tăng cường các mức giá rẻ nhằm kích khuyến khích kích cầu cũng như khuyến khích khách hàng tham gia giao thông ở lĩnh vực đường hàng không.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình vấn đề đại biểu nêu.

Giải trình về vấn đề đại biểu nêu liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc giữ giá trần để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và những người có thu nhập thấp cũng được tiếp cận với các hãng hàng không, từ đó giảm chi phí xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, có 6 hãng hàng không nội địa, việc cạnh tranh của các hãng hàng không nội địa cần phải quy định giá trần để đảm bảo quản lý của Nhà nước. Hơn nữa, để chia sẻ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng, dầu trong hàng không, thời gian qua Nhà nước đã giảm 70% giá thuế môi trường trong xăng dầu cho các hãng bay để hạ giá thành và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, với quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng cần giữ giá trần trong dự thảo luật.

Đối với giá sàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn, như ở Trung Quốc và Ấn Độ đã bỏ giá sàn năm 2013. Hay ở Mỹ áp dụng từ năm 1938 cho đến năm 1978, hiện nay cũng đã bỏ giá sàn. Hơn nữa, các hãng hàng không cũng có dải giá rất rộng, tức là từ 10 đến 15 bậc. Vì vậy, không phải giá nào cũng đưa xuống dưới giá sàn.

Lan Hương