TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật
Thảo luận tại Phiên họp toàn thể ở Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, về tình hình lập, triển khai thực hiện chương trình từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, đại biểu cơ bản nhất trí với các đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những kết quả đạt được và một số bất cập, hạn chế trong bối cảnh tình hình từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, có một số yếu tố đặc thù tác động lớn đến công tác lập và thực hiện chương trình.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, dành nhiều sự quan tâm hơn cho công tác xây dựng thể chế và có nhiều đề xuất thiết thực trong việc đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội để kịp thời đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội. Cùng với đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác lập pháp, chú trọng chất lượng, hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn trong việc xem xét, đề nghị thẩm tra cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý thông qua các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Đồng thời đã chủ động, tích cực đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, phối hợp xác định các vấn đề cấp bách thực tiễn đòi hỏi để đề xuất, yêu cầu các cơ quan nghiên cứu lập đề nghị xây dựng luật đưa vào chương trình.
Về đề nghị xây dựng chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, đại biểu sự nhất trí cao với một số quan điểm, định hướng cơ bản, đồng thời tán thành với việc điều chỉnh chương trình năm 2023 và dự kiến chương trình năm 2024 mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo. Trong thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức khác đã thích ứng linh hoạt với tình hình, vượt qua khó khó khăn, tích cực, chủ động trong công tác lập và thực hiện chương trình, cơ bản bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
Trong thời gian tới, đại biểu cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục phát huy các kết quả này, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật cần được chuẩn bị từ sớm, từ xa. Các chính sách được đề xuất phải nhằm kịp thời triển khai thực hiện Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, những chính sách này cần được bảo đảm, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn nhưng vẫn bảo đảm được tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Với tinh thần đó, qua nghiên cứu các tài liệu của Chính phủ, đại biểu cho rằng việc Chính phủ tiếp tục đề xuất xây dựng dự án Luật Đường bộ với 3 nhóm chính sách và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với 6 nhóm chính sách là phù hợp với Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc nghiên cứu, xây dựng các dự án luật này. Đồng thời, việc xây dựng các dự án luật nói trên cũng là đòi hỏi khách quan của thực tiễn, phù hợp với sự thay đổi, vận động, phát triển của xã hội, phù hợp với xu thế xây dựng pháp luật trong điều kiện xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Cụ thể, chúng ta tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp, phù hợp với kinh nghiệm lập pháp quốc tế. Hai dự án luật này cũng đã có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị tương đối dài. Cùng với đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ có liên quan nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý nội dung chi tiết của các dự thảo luật theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm hạn chế tối đa nội dung chồng chéo giữa 2 luật và phân định rành mạch phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của các luật đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Đồng thời, các dự án luật này đã được Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến nhiều lần. Xuất phát từ những nghiên cứu này, đại biểu nhất trí với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung 2 dự án luật này vào chương trình năm 2023, đồng thời đề nghị 2 dự án luật này cần trình song song để Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại cùng một thời điểm.
Bổ sung dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào chương trình năm 2023
Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu nhấn mạnh đây cũng là dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 10 xem xét, cho ý kiến tại Tờ trình số 476. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho bổ sung dự án luật này vào chương trình năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ thứ 5 và thông qua tại kỳ thứ 6. Vấn đề này, qua nghiên cứu các tài liệu có liên quan, đại biểu cho rằng việc Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đưa dự án luật này vào chương trình năm 2023 là có cơ sở.
Theo đó, dự án luật cần thiết được xây dựng nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là nội dung tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách về xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được nêu tại Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị, phù hợp với Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc nghiên cứu, xây dựng dự án luật này, đồng thời lực lượng này được thành lập theo hướng sắp xếp, kiện toàn thống nhất 2 lực lượng là bảo vệ dân phố ở khu vực đô thị, công an xã bán chuyên trách khu vực nông thôn và các chức danh đội trưởng, đội phó, dân phòng sẽ bảo đảm sự tinh gọn, đúng yêu cầu của Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Toàn cảnh phiên họp
Việc xây dựng luật cũng phù hợp với các quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có quy định tại Điều 47, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở trong tình hình mới.
Trong thời gian vừa qua, dự án luật này đã được Chính phủ tích cực, nghiêm túc và cầu thị trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị để chỉnh lý, hoàn thiện, chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật đảm bảo theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án luật cũng đã được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội xem xét cho ý kiến nhiều lần.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, hiện nay lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở là lực lượng đang có, được xây dựng và hoạt động có bề dày lịch sử, là lực lượng gần dân, sát dân và cũng cần thiết phải có một luật để điều chỉnh kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để lực lượng này tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.
Với những lý do nêu trên, đại biểu cho rằng dự án luật đã được các cơ quan chuẩn bị kỹ lưỡng, có đầy đủ cơ sở chính trị, có căn cứ pháp lý khoa học, rõ ràng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào chương trình năm 2023, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.