ĐBQH TRẦN THỊ HỒNG AN: HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT, TẠO ĐIỀU KIỆN HƠN NỮA CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI XUẤT NHẬP CẢNH VIỆT NAM

29/05/2023

Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị nghiên cứu đánh giá tác động chính sách về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử, nghiên cứu cải tiến thủ tục cấp thị thực truyền thống thông thoáng và hiệu quả hơn chứ không chỉ sử dụng một loại visa điện tử.

KỊP THỜI KHẮC PHỤC NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP TRONG THỰC TIỄN THI HÀNH CÁC LUẬT VỀ XUẤT NHẬP CẢNH

Đề nghị đánh giá tác động chính sách về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử

Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành các dự án Luật này nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc được nêu trong Tờ trình của dự án Luật, Báo cáo tổng kết thi hành Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Về báo cáo đánh giá tác động chính sách, đại biểu Trần Thị Hồng An cho biết, về cơ bản, dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách đã trình bày được các nội dung đánh giá đối với từng chính sách, tuy nhiên cách đánh giá tác động của phương án lựa chọn khá đơn giản, chủ yếu mang tính chất định tính, thiếu định lượng.

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi 

Bên cạnh đó, việc đánh giá tác động về mặt xã hội của các chính sách cũng mới chỉ dừng lại ở việc nêu nội dung, việc phân tích, đánh giá chưa cụ thể, mới chỉ tập trung nêu lên những mặt ưu điểm của chính sách, còn mặt hạn chế chưa được tập trung phân tích cụ thể.

Đối với chính sách về cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử, đại biểu Trần Thị Hồng An cho rằng, khi thực hiện chính sách này sẽ tạo thuận lợi cho đối tượng người dân ở đô thị, có trình độ hiểu biết, tiếp cận công nghệ thông tin cao, giúp giảm thời gian, thủ tục cho người dân.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo chưa đánh giá được tác động của chính sách đối với những đối tượng trình độ còn thấp, đối với người dân tộc, người thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và những người già mà chưa tiếp cận được công chưa tiếp cận được công nghệ thông tin. Đối với những đối tượng này thì thủ tục hành chính thực hiện trên môi trường điện tử đôi khi sẽ trở thành rào cản, hạn chế. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung đánh giá tác động đối với những đối tượng này.

Mặt khác, mặc dù thời gian tới, visa điện tử sẽ được mở rộng, tuy nhiên, cũng vẫn sẽ có những người lựa chọn xin thị thực truyền thống mà không xin visa điện tử, ví dụ như người cao tuổi, người không thông thạo công nghệ, không thông thạo tiếng Anh hoặc có những trường hợp quan ngại về bảo mật thông tin cá nhân. Do đó, song song với việc cải tiến visa điện tử, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cải tiến thủ tục cấp thị thực truyền thống thông thoáng và hiệu quả hơn chứ không chỉ sử dụng một loại visa điện tử.

Đối với chính sách về hoàn thiện quy định của pháp luật, tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cũng như thu hút người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, đại biểu Trần Thị Hồng An thống nhất cao với quy định của chính sách này. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị Ban soạn thảo vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách đối với việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi mở rộng thêm đối tượng cũng như tăng thời gian lưu trú đối với các đối tượng khi xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam.

Ngày 27/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bổ sung đánh giá tác động về giới để bảo đảm tính bao quát của dự án Luật

Về Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật, đại biểu Trần Thị Hồng An nhận thấy, trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh vẫn có những yếu tố liên quan đến giới như: tác động của các chính sách mới đến các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội (phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số...); bảo đảm bảo mật thông tin của người dân. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động về giới để bảo đảm tính bao quát của dự án Luật.

Góp ý cụ thể về đề xuất chuyển thẩm quyền chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến nhận trở lại công dân từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an, sửa đổi, bổ sung Khoản 10, Điều 45 và Khoản 7, Điều 46 về trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao quy định tại khoản 12 và khoảng 13 của Điều 1 dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị Ban soạn thảo vẫn phải trân trọng tiếp thu, nghiên cứu, giải trình thấu đáo ý kiến của Bộ Ngoại giao đã đề cập.

Với quan điểm chỉ đạo trong xây dựng dự án Luật này (trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành phù hợp với thực tiễn và chỉ giải quyết những vấn đề cần điều chỉnh để đóng góp thực hiện tốt hơn đường lối đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội), đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công, đảm bảo các hoạt động đối ngoại được thông suốt, không ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế mà Bộ Ngoại giao đã được thay mặt cho Nhà nước Việt Nam ký kết.

Rà soát để đảm bảo tính thống nhất của các quy định trong dự thảo Luật với các luật hiện hành

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung Khoản 5, Điều 10 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam về điều kiện cấp thị thực theo hướng là thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài có hộ chiếu, trừ những người mang hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao và không thuộc diện quy định tại các khoản 1,2,3 và 4 của Điều 8 Luật này. Bởi vì, theo đại biểu, người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ là đối tượng cần được quản lý thông qua các cơ quan, tổ chức mời, đón. Việc cấp thị thực cho đối tượng này trong một số trường hợp phụ thuộc vào chủ trương đón tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Trường hợp lãnh đạo Đảng, Nhà nước chưa có ý kiến chấp nhận đón nhưng các đối tượng này được cấp qua hộ chiếu điện tử sẽ tạo sự thiếu đồng bộ về mặt đối ngoại. Ngoài ra, việc loại trừ được những người mang hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao thì tạo sự bình đẳng.

Đại biểu Trần Thị Hồng An cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất của các quy định trong dự thảo Luật với các luật hiện hành, tính thống nhất của dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực có liên quan đến nội dung dự thảo và đặc biệt là tính tương thích với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên./.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh