THỐNG NHẤT QUY TẮC ÁP DỤNG LUẬT, TRÁNH CHỒNG CHÉO GIỮA LUẬT ĐẤT ĐAI VÀ LUẬT ĐẤU THẦU

30/05/2023

Tham gia đóng góp ý kiến thẩm tra dự án luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng cần thống nhất quy tắc áp dụng Luật tại Điều 4 Dự thảo Luật, theo đó, trình tự, thủ tục đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu; về điều kiện, tiêu chí đối với dự án có sử dụng đất và tổ chức tham gia đấu thầu sẽ thực hiện theo Luật Đất đai.

HỘI THẢO “BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT”

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri, nhân dân cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trên phạm vi cả nước về dự án Luật này. Công tác tổng hợp, tiếp thu thông tin, phản hồi, ý kiến, kiến nghị của nhân dân về dự án luật đang được triển khai tích cực.

Tham gia thẩm tra dự án luật này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, văn bản pháp luật về đất đai quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với “đất sạch” (đã được giải phóng mặt bằng); đối với “đất chưa sạch” nếu có dự án đầu tư thì sẽ phải thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thực chất của việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án sử dụng đất chưa được giải phóng mặt bằng (“đất chưa sạch”) chính là việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư, không phải lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh trên phần diện tích đất đã “làm sạch”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai 

Việc “đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư” trong trường hợp này là “đấu giá quyền sử dụng đất có điều kiện”, với điều kiện là người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất “chưa sạch” phải có thêm năng lực thực hiện cả khâu đền bù giải phóng mặt bằng bên cạnh khả năng tổ chức kinh doanh trên phần diện tích sau khi đã được làm sạch, như nhà thầu trúng đấu giá “đất sạch”.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cách tiếp cận phù hợp và triệt để hơn để xử lý các tồn tại vướng mắc này một cách tổng thể trong cả Luật Đất đai (đang trong quá trình sửa đổi), Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư, trong đó luật gốc là luật Đất đai.

Cụ thể, sửa đổi luật Đất đai theo hướng mở rộng phạm vi đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư áp dụng cả đối với các trường hợp là đất chưa được làm sạch, với yêu cầu đặt ra với các nhà thầu phải có thêm năng lực thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, dự thảo Luật Đấu thầu đang được sửa đổi và Luật Đầu tư sẽ cần được sửa đổi tương ứng ở các điều khoản liên quan đến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Các nội dung sửa đổi của Luật Đầu tư sẽ cần được quy định rõ trong Luật Đất đai sửa đổi (khi được ban hành).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Tương tự như với đấu giá, Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách đề nghị thống nhất quy tắc áp dụng Luật đã được nêu tại Điều 4 Dự thảo Luật, theo đó, trình tự, thủ tục đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu; về điều kiện, tiêu chí đối với dự án có sử dụng đất và tổ chức tham gia đấu thầu sẽ thực hiện theo Luật đất đai. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị quy định chi tiết khoản 3, 4 Điều 122, không dẫn chiếu: “điều kiện khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu” để đảm bảo rõ ràng, chặt chẽ, tránh chồng chéo.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí về quy mô dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 5 ha trở lên tại khu vực đô thị; phương án giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với các dự án có quy mô dưới 10 ha tại khu vực nông thôn và dưới 5 ha tại khu vực đô thị. Các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ việc xử lý đối với đất chưa giải phóng mặt bằng, không được 100% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì giao đất, cho thuê đất theo hình thức nào.

Điểm a khoản 6 Điều 122 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “hàng năm phải công bố danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của Luật này”: danh mục này có tính chất như danh mục dự án đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 47 về Công bố dự án đầu tư kinh doanh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) (dự thảo đang xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội). Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cân nhắc quy định giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), tránh chồng lấn, trùng lặp và phát sinh thêm thủ tục không cần thiết.

Các đại biểu tại phiên họp

Có ý kiến cho rằng, việc liệt kê các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất như Dự thảo Luật dễ dẫn đến vừa thiếu hoặc vừa thừa. Do đó để bảo đảm đầy đủ, các đại biểu đề nghị quy định tất cả các trường hợp ngoài quy định tại Điều 121 và Điều 122 của Luật này đều phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Có ý kiến cho rằng Quỹ đất để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất quy định tại điểm a khoản 2 Điều 122 bao gồm: “Đất thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 75 của Luật này”. Tuy nhiên, Điều 75 của Dự thảo Luật quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì có trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá, đấu thầu. Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần làm rõ trường hợp nào qua đấu giá, đấu thầu, trường hợp nào không đấu giá, đấu thầu.

Cùng tham gia thẩm tra dự án luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, về bãi bỏ các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm, theo Tờ trình của Chính phủ, trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã tiến hành tổng kết Nghị quyết Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội nhưng thời gian thực hiện Nghị quyết bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên còn nhiều nội dung chưa kịp triển khai, cần có thời gian để tiếp tục xử lý những tồn đọng. Đối với việc tổng kết các nghị quyết thí điểm khác thì chưa được nêu trong Tờ trình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên

Để bảo đảm các quy định được đưa vào luật khả thi, hiệu quả, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị triển khai việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết thí điểm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, về thủ tục hành chính trong quản lý đất đai, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính về đất đai đã được nêu rõ tại Nghị quyết 18-NQ/TW, là một quan điểm trong xây dựng Luật theo Tờ trình của Chính phủ. Những hạn chế, tồn tại trong thủ tục hành chính về đất đai là vấn đề gây trở ngại rất lớn đến việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, là nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm, khiếu kiện.

Tuy nhiên, nhiều nội dung về trình tự, thủ tục, các vấn đề liên quan đến công khai, minh bạch thông tin đều không quy định rõ trong dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định; một số nội dung liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền đối với đất của tổ chức, cá nhân nhưng giao Chính phủ quy định.

Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo Luật những quy định tạo nền tảng thực sự cho cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hạn chế việc phát sinh tiêu cực, tranh chấp, khiếu kiện, góp phần khắc phục một nhược điểm lớn trong quản lý đất đai thời gian qua.

Minh Hùng