THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP.HỒ CHÍ MINH: TỔNG KẾT ĐÁNH GIÁ KỸ LƯỠNG, KHÔNG ĐỂ LÃNG PHÍ CHÍNH SÁCH

31/05/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 30/5, thảo luận tại Tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh, các đại biểu nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành các cơ chế chính sách đồng thời cần chú trọng việc tổng kết, rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai thí điểm Nghị quyết 54/2017/QH14 trước đây.

THÍ ĐIỂM CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP.HỒ CHÍ MINH: TRÁNH LỢI DỤNG CHÍNH SÁCH GÂY THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ

THẢO LUẬN TỔ 04: BƯỚC TIẾN QUAN TRỌNG TRONG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ XUẤT NHẬP CẢNH

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 04 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng 

Thảo luận tại Tổ các đại biểu Quốc hội tập trung làm rõ sự cần thiết, thời điểm xem xét thông qua, tính hợp lý khả thi của các chính sách mới. Các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất toàn quốc, điều tiết số thu về ngân sách trung ương cao nhất, hiện đang đóng góp khoảng 27%. Vì vậy, việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tình Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được ví là Hòn ngọc Viễn Đông, nhưng nay hòn ngọc đó đã bớt chói sáng. Trong đó có nguyên nhân đến từ cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ triệt để, chưa tạo được điều kiện thuận lợi phát triển tốt hơn. Đại biểu ghi nhận tự thân Thành phố và các Bộ ngành đã có rà soát để có đề xuất cơ chế chính sách thực sự phù hợp. Đai biểu kỳ vọng với cơ chế chính sách mới Thành phố sẽ phát triển đúng với vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước. Đầu tàu có mạnh, có tốt thì mới có thể kéo các toa sau đi nhanh đi xa hơn, đại biểu Nguyễn Quốc Hận nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tình Cà Mau

Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau bày tỏ hoàn toàn nhất trí với các nhóm chính sách với tổng cộng 44 nội dung cụ thể, gồm các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54/2017/QH14 và các Nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng các địa phương khác hoặc đang quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội; các chính sách mới lần đầu tiên được quy định về đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy. Các quy định bám sát quan điểm mang tính thiết thực, góp phần tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật đã và đang cản trở tiến trình phát triển; khơi thông nguồn lực, giải quyết các điểm nghẽn, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ trong thực hiện các định hướng phát triển thời gian qua. Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết các chính sách cụ thể đã được thẩm tra một cách kỹ lưỡng

Song cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân, dù có trao cho Thành phố nhiều thẩm quyền tích cực hơn, nhiều cơ chế, chính sách hơn nhưng bộ máy không đủ năng lực không tương xứng thì các chính sách ưu đãi cũng không phát huy được hiệu quả. Do đó, bàn thêm về nhóm chính sách cho tổ chức bộ máy, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cần trao cho Thành phố thẩm quyền được chủ động thiết kế tổ chức bộ máy Sở ban ngành trên cơ sở khung chung để vận hành, quy định chức năng nhiệm vụ phù hợp. Đại biểu dẫn chứng, chức năng nhiệm vụ cụ thể của sở nông nghiệp của Thành phố sẽ không thể giống như sở nông nghiệp của một tỉnh thuần nông. Đại biểu đề nghị cần phân cấp mạnh hơn nữa trong quản lý nhân sự; ban hành cơ chế chính sách nổi trội thu hút nhân tài.

Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau 

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng đang có xu hướng cá biệt hóa quy định pháp luật để tạo năng lực cho các địa phương có điều kiện khác nhau phát triển. Theo đại biểu, Chính phủ cần phân loại các địa phương theo nhóm đặc điểm, tình hình, quy mô, định hướng phát triển…để có các nhóm cơ chế, chính sách theo nhóm một cách phù hợp để tránh tình trạng xin – cho cơ chế, chính sách.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết phạm vi chính sách được đề xuất là khá rộng, trên nhiều lĩnh vực, một số chính sách mới, có tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, đến đời sống, xã hội, quan hệ đối ngoại; chứa đựng nhiều quy định khác với pháp luật hiện hành. Vì vậy, để có căn cứ vững chắc cho việc xem xét, quyết định, đề nghị Báo cáo đánh giá tác động cần cụ thể cả về mặt tích cực và cả những thách thức, tác động không thuận nếu triển khai thực hiện; chi tiết hơn về kết quả đầu ra; nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách. Báo cáo rõ hơn với phạm vi chính sách như trong Dự thảo Nghị quyết thì đã đủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật, đang cản trở tiến trình phát triển của Thành phố hay chưa?

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu làm rõ, trước đây Nghị quyết số 54/2017/QH14 có số chính sách đặc thù không nhiều nhưng qua tổng kết cho thấy vẫn còn có những chính sách chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa hiệu quả nên cần đánh giá kĩ lưỡng những chính sách chưa thực hiện được để rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu lưu ý dự thảo Nghị quyết lần này có đến 27 chính sách cụ thể là những chính sách mới cần được quy định giao trách nhiệm cụ thể; xác định lộ trình thực hiện cụ thể để bảo đảm hiệu quả thiết thực, tránh tình trạng ban hành xong Nghị quyết nhưng không thể vận hành, tránh lãng phí chính sách, lãng phí cả thời gian bàn thảo của Quốc hội.

Chia sẻ có nhiều kỳ vọng đối với Nghị quyết lần này cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng việc thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách cho Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa với Thành phố mà còn là bài học cho các đô thị khác trong cả nước. Đại biểu bày tỏ lấy làm tiếc khi việc tổng kết thực hiện thí điểm các chính sách trong Nghị quyết 54/2017/QH14 chưa chỉ rõ những bài học này, trong đó mổ xẻ nguyên nhân là điều quan trọng.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Dẫn chứng việc thực hiện không hiệu quả các chính sách về thu hút nhân tài trong Nghị quyết 54/2017/QH14, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng cần đánh giá nguyên nhân từ việc nhận diên nhân tài hay do cơ chế chính sách. Do đó, cần đánh giá làm rõ tính khả thi của chính sách thu hút nhân tài trong nghị quyết lần này. Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nêu rõ nếu Thành phố lấy nhân tài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để làm việc chuyên môn có thể phát huy được năng lực nhưng nếu sử dụng làm giám đốc sở, dùng không đúng vị trí thì sẽ không phát huy mà còn làm thui chột nhân tài. Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh, thất bại hay thành công đều là những bài học đáng quý. Do đó, cần thảo luận kĩ lưỡng, phân tích thấu đáo thông tin đầu vào.

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh vào ngày 8/6/2023.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ: 

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu điều hành thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng phát biểu

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề phiên họp

Bảo Yến - Phạm Thắng