ĐBQH LÝ THỊ LAN: CẦN THỰC HIỆN NGHIÊM QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

02/06/2023

Thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần thực hiện và chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 1/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN PHÊ CHUẨN QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC; CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang bày tỏ đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian qua đã thể hiện rõ nét sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong công tác xây dựng hoàn thiện thể chế chất lượng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.

Đại biểu Lý Thị Lan nêu rõ, hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh, cùng với đó là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, chế độ, định mức là thước đo và cơ sở quan trọng nhất để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, năm 2022 được đánh giá là năm Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt việc này. 602 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều quy định liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được ban hành. Ban hành mới gần 10.000 văn bản; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trên 2.600 văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

Cần đánh giá rõ hơn về lãng phí xuất phát từ việc ban hành quy định pháp luật chưa kịp thời

Tuy nhiên, điều mà cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội quan tâm là Chính phủ cần báo cáo, đánh giá rõ hơn về những tồn tại, hạn chế, lãng phí, nhất là những lãng phí xuất phát từ việc ban hành các quy định pháp luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí, thậm chí tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công; trong triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong mua sắm, quản lý, sử dụng trụ sở, nhà đất của các cơ quan nhà nước quản lý; khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước; quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Đặc biệt là những lãng phí do đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thái độ thờ ơ, vô cảm kéo dài thực hiện các thủ tục hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng cho thấy, tình trạng chưa đảm bảo tiến độ trình các dự án luật, dự thảo các nghị định kèm theo không đảm bảo chất lượng, còn rất hình thức. Đơn cử như dự thảo nghị định kèm theo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh đang trình tại kỳ họp lần này còn sơ sài, chung chung, khó có thể triển khai thực hiện ngay, một số điều còn chưa quy định chi tiết như quy định tại dự thảo nghị quyết.

Cùng với đó, dự thảo Luật chuẩn bị chưa đảm bảo chất lượng như dự án sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế. Đây là dự án Luật đang được thực tiễn cuộc sống đặt ra yêu cầu đòi hỏi sớm được ban hành. Tình trạng nợ đọng, chậm văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục, có tới 44 điều, khoản của 37 luật, pháp lệnh chưa được Chính phủ và 15 bộ, ngành ban hành văn bản quy định chi tiết. Việc chậm, chưa ban hành các quy định pháp luật tất yếu dẫn tới việc chậm, chưa có cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1.

Các đại biểu tham dự

Cần coi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch hành động

Từ thực trạng trên, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần thực hiện và chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Sau mỗi hội nghị cần triển khai và giao cơ quan chức năng ban hành, tổ chức thực hiện ngay; đưa các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống. Qua đó, đề cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, nếu làm tốt sẽ là cơ sở, là gốc cho thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đại biểu, lãng phí trong sắp xếp, tổ chức bộ máy cũng có thể xảy ra nếu chỉ sắp xếp theo tỷ lệ cố định như hiện nay mà không dựa trên cơ sở đặc thù, điều kiện và yêu cầu cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu về việc này. Đại biểu Lý Thị Lan cũng nhấn mạnh, năm 2022 là năm Quốc hội tổ chức giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Điều có thể nhận thấy rõ nhất là sự chuyển biến về nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay trong quá trình giám sát.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53 để triển khai. Đại biểu cho rằng đã đến lúc các tổ chức, cá nhân liên quan cần nhận thức và coi đây là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch hành động, khắc phục những tồn tại, hạn chế, lãng phí đã được Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra. Trong đó, có nhiều nhiệm vụ rất cụ thể, rất khó và phải quyết tâm mới hoàn thành được, như việc rà soát, phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý các thất thoát, lãng phí liên quan đến 19 dự án chậm triển khai để đất đai hoang hóa, lãng phí và 880 dự án công trình không đưa đất vào sử dụng./.

Minh Thành