Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dành 1 chương (chương VI từ Điều 73 đến Điều 109) quy định về chính sách nhà ở xã hội. So với Luật Nhà ở hiện hành, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới, như: sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về: Đối tượng, hình thức và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Loại hình dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Loại nhà ở xã hội; Đất để xây dựng nhà ở xã hội; Lựa chọn và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; Xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; Nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.
Bổ sung thêm các quy định về: Hình thức phát triển nhà ở xã hội; Yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Xác định giá bán nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư; Thời điểm thẩm định giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; Trách nhiệm của Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương. Bổ sung mới các quy định về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.
Cho ý kiến về chính sách nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định của Luật này. Đại biểu đề nghị cân nhắc các khái niệm (Nhà ở xã hội); “Nhà ở tái định cư” thay vào đó là sử dụng các khái niệm “Nhà ở theo Chương trình phát triển đô thị” hoặc “Nhà ở theo chương trình phát triển kinh tế - xã hội”.
Cho ý kiến về chính sách nhà ở xã hội, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, đối với quy định về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội (Điều 80), dự thảo luật quy định việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh; khoản 3 Điều 80 bổ sung quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo HĐND cùng cấp việc dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính minh bạch, khả thi và nâng cao trách nhiệm thực thi của chính quyền địa phương, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị bổ sung quy định tỷ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mà ngân sách địa phương được hưởng phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội.
Về quy định của Luật Nhà ở hiện hành, ngoài việc bố trí 20% quỹ đất thì chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho khu đất xây dựng nhà ở xã hội, nếu chỉ trích phần tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì thực chất vẫn là lấy từ tiền ngân sách nhà nước. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định bổ sung trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình khẳng định, chính sách nhà ở xã hội được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng khi cụ thể hóa quan điểm, chính sách pháp luật vào thực tiễn cuộc sống không đạt được kết quả như mong muốn, số người mua chưa lớn vì đối tượng được thụ hưởng chính sách này không có đủ tiền để mua nhà.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.
Đại biểu kiến nghị, đối với quy định các dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội, không nên quy định cứng mỗi dự án phải dành 20% phát triển nhà ở xã hội. Bởi có khu vực giá trị quyền sử dụng đất rất lớn, vì vậy đại biểu cho rằng với dự án có vị trí đắc địa không xây dựng nhà ở xã hội ở khu vực này, nên quy thành tiền để nhà nước xây ở khu vực khác phù hợp hơn với mức sống và điều kiện của người lao động có thu nhập thấp. Nếu quy định tất cả khu nhà ở thương mại đều dành 20% quỹ đất xây nhà xã hội dễ dẫn đến tiêu cực, tình trạng đầu cơ, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đánh giá cao ban soạn thảo đã dành một mục riêng tại Chương VI về chính sác nhà ở cho lực lượng vũ trang. Việc bổ sung quy định này phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, tháo gỡ tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đang gặp phải; cũng như đảm bảo tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ với các luật: Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, Luật Cảnh sát biển, Luật Cơ yếu… Quy định này cũng thể hiện rõ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định cũng đề nghị ban soạn thảo bổ sung đối tượng là công chức, công nhân viên chức, lao động hợp đồng tại các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vào Điều 47 của dự thảo luật được hưởng chính sách ưu tiên hỗ trợ về nhà ở xã hội, thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật./.