ĐBQH NGUYỄN THỊ NGỌC XUÂN: QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CHẬM BAN HÀNH VĂN BẢN DƯỚI LUẬT

06/06/2023

Thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương kiến nghị Quốc hội quy định rõ chế tài, trách nhiệm pháp lý cụ thể đối với những tổ chức, cá nhân ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật không thực tế, thiếu khả thi hoặc chậm ban hành, sửa đổi, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, doanh nghiệp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 1/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN PHÊ CHUẨN QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC; CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

Văn bản hướng dẫn chi tiết chậm ban hành gây cản trở sự phát triển của đất nước

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết, có rất nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết của luật đến nay vẫn chưa được ban hành. Điều này khiến luật không đi vào thực tế, gây cản trở sự phát triển của đất nước. Vì vậy, cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ lấy kết quả hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm căn cứ đánh giá hiệu quả của các bộ, ngành trung ương hàng năm và căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6. Đây là nhiệm vụ đột phá do Đảng đề ra nhưng hàng năm vẫn chậm, đại biểu đặt vấn đề, liệu có phải kỷ luật, kỷ cương trong hoàn thiện thể chế, chính sách chưa nghiêm?

Tại buổi tiếp xúc cử tri với doanh nghiệp, người dân tỉnh Bình Dương trước Kỳ họp thứ 5, cử tri yêu cầu cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất phải kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng việc sửa đổi thể chế pháp luật của Chính phủ và bộ, ngành, theo hướng ưu tiên cho kiến tạo phát triển hơn là quản lý. Trên cơ sở những lĩnh vực cử tri bức xúc nhất trước mỗi kỳ họp, đại biểu kiến nghị Quốc hội nghiên cứu bố trí thảo luận, phân tích sâu theo từng nhóm lĩnh vực, tránh dàn trải để đánh giá có cần thiết phải sửa thể chế hay không, hoặc cần có giải pháp như nào để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trách nhiệm này thuộc về ai. Đồng thời, đưa giải pháp vào các danh mục, những công việc cần làm ngay trong Nghị quyết của kỳ họp. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công giám sát chặt chẽ việc thực hiện và công khai kết quả cho cử tri được rõ.

Việc hoàn thiện thông tư, nghị định pháp luật càng lâu bao nhiêu thì doanh nghiệp, người dân thiệt hại bấy nhiêu, lãng phí nhiều cơ hội đầu tư và phát triển của đất nước. Với khối lượng thể chế cần hoàn thiện rất lớn, nhưng con người và nguồn lực hiện nay còn hạn chế, cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ kỹ thuật lập pháp tiên tiến, hiện đại để phát hiện nhanh các mâu thuẫn, chồng chéo và sửa đổi, bổ sung kịp thời các thể chế, chính sách, nhằm khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Đại biểu kiến nghị Quốc hội quy định rõ chế tài, trách nhiệm pháp lý cụ thể đối với những tổ chức, cá nhân ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật không thực tế, thiếu khả thi hoặc chậm ban hành, sửa đổi, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Cử tri đang rất kỳ vọng vào Quốc hội khóa XV hiệu lực, hiệu quả

Bên cạnh đó, việc mua sắm thường xuyên trang thiết bị, phương tiện làm việc cho cơ quan nhà nước hiện nay còn rất chậm. Các quy định hiện hành mới chú trọng về giá thấp nhất nhưng chưa quan tâm đến chất lượng tốt nhất, không kịp thời cho nền hành chính kiến tạo, phục vụ cho sự phát triển. Đại biểu cho rằng có tình trạng mua sắm trang thiết bị tập trung từ khâu đăng ký đến khi mua được hơn 2 năm mới có, mua giá thấp nhưng hiệu năng kém, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cao hơn. Có tình trạng mua máy in chi phí cho 2 lần thay mực bằng giá mua máy mới hoặc máy vi tính cấu hình kém thường xuyên xảy ra tình trạng treo máy, nhất là khi cùng lúc phải xử lý nhiều hồ sơ dịch vụ công cho người dân. Do đó, kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp tốt hơn cho vấn đề này. Cần giao quyền cho Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện.

Đồng thời, chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan quản lý tốt về giá và công bố định kỳ cơ sở về giá trên phạm vi cả nước đối với các hàng hóa thiết yếu trong từng lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Qua đó, các vấn đề về giá, thẩm định giá, mua sắm công không còn gây áp lực, rủi ro, mất nhiều thời gian, công sức của cán bộ, công chức để thời gian tập trung làm những việc lớn hơn cho nhân dân và đất nước. Đại biểu kiến nghị Chính phủ mẫu hóa, số hóa liên thông dữ liệu, xây dựng báo cáo hành chính dùng chung của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp để cung cấp thông tin cho lãnh đạo quản lý nhằm không gây lãng phí thời gian, nhân lực trong việc thống kê, tổng hợp.

Mặt khác, hiện nay, thủ tục hành chính trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước trong nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau, kéo dài thời gian giải quyết. Theo đó, tình trạng thẩm định cho ý kiến một nội dung quá lâu, không có ý kiến, trả lời chung chung không rõ ràng hoặc giải quyết quá chậm gây ách tắc cho nền hành chính nhà nước. Do đó, Chính phủ cần rà soát luật hóa, chuẩn hóa quy tắc, quy trình nội bộ đối với những nội dung chưa được pháp luật quy định. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhấn mạnh, cử tri cả nước đang rất kỳ vọng vào Quốc hội khóa XV hiệu lực, hiệu quả; một Chính phủ hành động, kiến tạo cho sự phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm nên năng lực dự báo, phản ứng chính sách của Nhà nước phải kịp thời và hiệu quả hơn./.

Minh Thành