THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: ĐỀ XUẤT TIẾP TỤC DUY TRÌ QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH

10/06/2023

Thảo luận tại Tổ 1 về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đa số các ĐBQH Tp.Hà Nội thống nhất với việc tiếp tục duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, tuy nhiên các đại biểu cho rằng cần có sự đảm bảo nguồn thu, chi để quỹ hoạt động hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng...

THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: LÀM THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN CHO ĐỐI TƯỢNG DƯỚI 14 TUỔI GÓP PHẦN GIẢM BỚT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, CÁC LOẠI GIẤY TỜ

THẢO LUẬN Ở TỔ 1: CẦN CÓ CƠ CHẾ KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ VIỆC LỢI DỤNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA ĐỂ ĐẦU CƠ ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Tại phiên thảo luận ở Tổ 1, đa số các ĐBQH Tp.Hà Nội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1 về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Việc sửa đổi Luật Viễn thông cũng nhằm thể chế hóa kịp thời những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện các cam kết quốc tế; góp phần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực viễn thông, thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Viễn thông thời gian qua.

Đại biểu Tạ Đình Thi nhất trí với việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 29 ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định hạ tầng số và bảo đảm an toàn thông tin mạng là yếu tố then chốt. Ngoài ra, nước ta cũng đặt mục tiêu phát triển kinh tế số để đến năm 2025, tỷ trọng của kinh tế số trong tổng GDP cả nước là khoảng 20%.

Đại biểu Tạ Đình Thi khẳng định về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Viễn thông nhằm thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng. Trong đó, thúc đẩy hạ tầng số; từ nay đến năm 2025 phát triển kinh tế số đóng góp vào GDP vào khoảng 20%.

Đề cập về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu Tạ Đình Thi khẳng định, đây là điều khoản đã được quy định trong Luật Viễn thông hiện hành. Qua tổng kết đánh giá cho thấy, quỹ này vận hành cũng rất khó khăn. Trong quá trình thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, những kết quả tích cực trong thời gian vừa qua thì cần thiết phải duy trì quỹ. Còn loại ý kiến thứ hai là cần phải đánh giá kỹ hơn về sự đóng góp của quỹ.

Theo đại biểu Tạ Đình Thi, cần thiết phải duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Điều quan trọng là chúng ta phải huy động được nguồn lực và các cơ chế để chi tiêu cho quỹ này đáp ứng được yêu cầu thực sự hiệu quả. Vì thế, cần bổ sung vào trong dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) các nội dung quy định để đảm bảo nuôi dưỡng và huy động được nguồn thu cho quỹ cũng như cơ chế chi tiêu của quỹ đạt hiệu quả.

Đưa ra quan điểm về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhất trí với quan điểm của Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường là tiếp tục duy trì Quỹ này. Việc làm này nhằm góp phần đảm bảo dịch vụ viễn thông ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo xa xôi. Vấn đề đặt ra là cần đảm bảo quỹ hoạt động đúng mục đích là hỗ trợ cho những khu vực khó khăn, khu vực phi lợi nhuận.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu quan điểm về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích tại Phiên thảo luận.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, hiện nay có một số ý kiến cho rằng, quỹ này sử dụng chưa hiệu quả và còn đang tồn dư rất nhiều. Vì thế, trong lần sửa đổi Luật Viễn thông này, cần đặt thêm các chế định sử dụng hiệu quả Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích dành cho đối tượng nào. Ngoài ra, cũng cần chú ý những hạng mục hạ tầng nào có thể dùng chung được thì sử dụng, còn không thì nghiên cứu sử dụng quỹ có thể dùng để hỗ trợ các doanh nghiệp hạ tầng viễn thông để thực hiện hạ cáp ngầm, các dịch vụ viễn thông dùng chung, chỉnh trang đô thị, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh...

Đồng thuận với quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nêu quan điểm là tiếp tục duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Tuy nhiên, cần rà soát về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy để làm sao cho hiệu quả và thiết thực.

Phát biểu kết luận về nội dung trên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai ghi nhận những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận.

Đa số các ĐBQH thống nhất với việc sửa đổi Luật Viễn thông và đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc cần thiết duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Tuy vậy, phải có những bổ sung về các chế định cũng như cơ chế chính sách để phát huy được cao nhất hiệu quả sử dụng quỹ này; đảm bảo tính khả thi trong một số các quy định của dự án luật và lưu ý về các hạ tầng dùng chung cũng như cân nhắc bổ sung quy định chi tiết, bảo đảm tính phù hợp với Luật Quy hoạch trong yêu cầu phát triển về viễn thông. Thông qua những ý kiến, đề xuất, Tổ Thư ký của Đoàn sẽ tổng hợp, rà soát lại trước khi Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến về các dự án Luật này tại Hội trường./.

Bích Lan