Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu mở đầu phiên thảo luận về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)
Phát biểu khai mạc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự án luật Viễn thông (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, với 92 ý kiến phát biểu. Các đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật nhằm phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, tháo gỡ những vướng mắc bất cập, sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn và bổ sung các chính sách mới để hoàn thiện giúp phát triển dịch vụ viễn thông, hạ tầng viễn thông, mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đối với từng nhóm chính sách...
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luật vào các nội dung đã nêu trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, gợi ý 7 nội dung lớn cần tập trung thảo luận.
Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết sửa đổi luật và đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, các hành vi bị cấm, chính sách nhà nước về viễn thông, giấy phép viễn thông, dịch vụ OTT, dịch vụ điện toán đám mây, đánh giá tác động của dự án luật…
Về tính khả thi của dự án luật, một số ý kiến cho rằng, có nhiều nội dung vẫn quy định mang tính nguyên tắc, theo đó có tới 20 điều khoản giao Chính phủ, 4 nội dung giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết. Với thiết kế như vậy, đại biểu cho rằng có thể ảnh hưởng lớn đến tính khả thi của các quy định khi luật có hiệu lực thi hành, đồng thời tạo sức ép lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, các nội dung chủ yếu của luật chủ yếu tập trung vào điều chỉnh hoạt động viễn thông như luật hiện hành. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ nội hàm hoạt động viễn thông là bổ sung các quy định phù hợp với dự thảo luật. Hoạt động viễn thông bao gồm quyền tham gia hoạt động viễn thông, quyền được đảm bảo an toàn viễn thông cả bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài…
Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng
Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng đánh giá, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã mở rộng đáng kể phạm vi điều chỉnh một số ngành, lĩnh vực không phải là hoạt động và dịch vụ viễn thông truyền thống, nay đang là các dịch vụ trở nên phổ biến và ngày càng có xu hướng thay đổi các dịch vụ viễn thông truyền thống. Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát mức độ áp dụng các quy định quản lý đối với các loại hình dịch vụ này trong dự thảo luật đến đâu để đảm bảo vẫn thông thoáng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động kinh doanh dịch vụ hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, nhưng vẫn đảm bảo có các hành lang pháp lý để quản lý.
Đại biểu cho rằng, dự thảo luật có tới 22 lần nhắc tới thuật ngữ “cơ quan có thẩm quyền” trong việc quyết định, yêu cầu, cho phép kiểm tra, kiểm soát, giám sát… Đây là khái niệm khá rộng, khiến các đối tượng chịu tác động của luật rất khó khăn và có thể hiểu không thống nhất, lúng túng trong quá trình thực hiện luật, đặc biệt có thể phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp tham gia hoạt động viễn thông, do vậy, cần cụ thể hóa ngay trong luật, từng điều khoản cụ thể.
Về đối tượng áp dụng tại Điều 2 quy định: Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động viễn thông tại Việt Nam. Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu quan điểm, quy định như vậy khó khả thi, nhất là với các pháp nhân không có sự hiện diện tại Việt Nam. Đại biểu đề nghị giới hạn phạm vi áp dụng của luật đối với những cá nhân và tổ chức được thành lập tại Việt Nam theo pháp luật của Việt Nam.
Tại phiên thảo luận, quy định về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích tại Điều 33 của dự thảo luật cũng nhận được sự quan tâm góp ý của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng, mục tiêu quỹ là hỗ trợ cho người nghèo ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, xây dựng một số công trình hạ tầng viễn thông, nhằm giảm bớt sự chênh lệch về khoảng cách giữa các vùng miề,n đáp ứng cam kết của Việt Nam về quản lý nhà nước dịch vụ viễn thông công ích khi tham gia Tổ chức thương mại thế giới, phù hợp với xu hướng của các nước, vì vậy cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.
Để đảm bảo tính hiệu quả của Quỹ, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo luật hoá các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai thực hiện trong thời gian qua liên quan đến các nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, tăng tính hiệu quả của Quỹ, phân định rõ ràng dịch từng dịch vụ viễn thông công ích, bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc sử dụng và quản lý quỹ, phù hợp với quy định của pháp luật; đồng thời xem xét mở rộng phạm vi của Quỹ thay vì sử dụng vì mục tiêu hỗ trợ như hiện nay.
Đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai
Cũng quan tâm đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, qua thảo luận tổ còn nhiều ý kiến khác nhau về tiếp tục duy trì, có ý kiến đề nghị bỏ quỹ này. Đại biểu cho rằng, cần đánh giá rõ ràng về hoạt động của quỹ thời gian qua nêu rõ ưu điểm và hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó có cơ sở điều chỉnh và sửa đổi. Đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông giải trình thêm về nội dung này để đại biểu Quốc hội nắm được thông tin về hoạt động của quỹ.
Tờ trình của Chính phủ đã nêu sẽ khắc phục những bất cập của việc triển khai hoạt động của quỹ trong giai đoạn trước, các chương trình trong giai đoạn sau sẽ xác định rõ mục tiêu hỗ trợ, quy định về đóng góp và giải ngân thực hiện theo nguyên tắc thu và chi tương ứng, chưa có nhiệm vụ chi thì không thu để tránh tổn thương quỹ. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nam, cho rằng đây chưa phải là giải pháp khả thi. Hơn nữa, quy định về Quỹ còn quá chung chung, vì vậy trước khi xác định việc có nên tiếp tục duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam hay không và quy định cụ thể trong luật như thế nào, đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, báo cáo giải trình rõ hơn về hoạt động của Quỹ thời gian qua, để đại biểu Quốc hội được rõ và đóng góp ý kiến cụ thể, rõ ràng hơn.
Góp ý quy định về Giấy phép viễn thông tại khoản 4 Điều 34 và Điều 38 của dự thảo luật, đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, chỉnh lý, tránh có sự trùng lặp về nội dung. Đại biểu nêu rõ, tại khoản 4 Điều 34 quy định: "Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền, điều kiện, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép viễn thông, yêu cầu chấm dứt hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông". Tuy nhiên, tại khoản 1, 2 và 3 Điều 38 của dự thảo Luật đã có quy định cụ thể về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông; hơn nữa, tại khoản 4 của Điều 38 lại quy định: "Chính phủ quy định chi tiết Điều này".
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH Đắc Nông cho biết, khoản 25, Điều 3 của dự thảo Luật quy định: Phương tiện thiết yếu là bộ phận quan trọng của cơ sở hạ tầng viễn thông do một hoặc một số doanh nghiệp viễn thông sở hữu hoặc sở hữu phần lớn trên thị trường viễn thông và việc thiết lập mới bộ phận cơ sở hạ tầng này để thay thế. Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Nông cho rằng quy định như vậy là không khả thi về kinh tế, kỹ thuật là không khả thi về kinh tế và kỹ thuật; đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu hơn đối với những nội dung sở hữu hoặc sở hữu phần lớn việc thiết lập mỗi bộ phận cơ sở hạ tầng này để thay thế là không khả thi về kinh tế kỹ thuật.
Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ nội dung Chính phủ quy định việc xác định danh mục thị trường dịch vụ viễn thông nhà nước quản lý vì nội dung này đã được quy định tại Luật Canh tranh. Nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát quy định của dự thảo luật với các luật khác để đảm bảo cho tính đồng bộ của hệ thống pháp luật như Luật Công nghệ thông tin, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng, Luật giá…
Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu đề nghị có quy định chặt chẽ việc bảo mật thông tin cá nhân, ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông trong việc thu thập, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, tránh xảy ra lạm quyền.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình một số vấn đề đại biểu nêu.
Phát biểu giải trình, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn các ý kiến đóng góp sâu sắc, nhiều chiều, có tính xây dựng cao của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.
Bộ trưởng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát cân đối giữa quy định cứng nguyên tắc của luật và sự linh hoạt ở tầm Nghị định đối những vấn đề mới công nghệ mới, dịch vụ mới có sự thay đổi nhanh chóng, cân đối giữa quản lý và phát triển, giữa phát triển và bền vững, cũng như hài hòa lợi ích của ba nhà: nhà dân, nhà cung cấp dịch vụ và nhà nước; quản lý ở mức tối thiểu nhưng thực thi nghiêm minh; vấn đề giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và chi phí thực thi pháp luật của nhà nước; vấn đề hội tụ của viễn thông công nghệ thông tin và công nghệ số..
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng giải trình một số nội dung cụ thể đại biểu nêu liên quan đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Theo đó, quỹ này thực chất là quỹ phổ cập, quốc gia nào cũng phải đặt mục tiêu phổ cập viễn thông, phổ cập internet, phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Nếu nhà nước nhận trách nhiệm phổ cập từ ngân sách nhà nước, các nhà mạng có xu thế chỉ đầu tư ở những nơi đông dân và có lãi cao, vì thế nhà nước phải đầu tư rất nhiều nên đa số các quốc gia chọn cách yêu cầu nhà mạng có trách nhiệm.
Ở Việt Nam, quỹ này giao cho chính các nhà mạng thực hiện, phổ cập 2g, 3G, 4G và 5G, góp phần tích cực để Việt Nam có vùng phủ sóng rộng, người dân được sử dụng dịch vụ và phải có điện thoại vào nhóm đầu trên thế giới. Tuy nhiên, vừa qua vận hành của Quỹ có một số bất cập như giải ngân chậm, tồn quỹ, cần phải điều chỉnh các quy định trong dự thảo luật theo hướng xác định rõ mục tiêu cách thức thu để hiệu quả hơn… Bộ trưởng đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục duy trì Quỹ này, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, xin Quốc hội cho phép đổi tên Quỹ thành Quỹ dịch vụ phổ cập.
Luât Đầu tư đã xác định Trung tâm dữ liệu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể trong luật chuyên ngành. Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất Chính phủ chỉnh lý quy định theo hướng quản lý mềm giống như nhiều quốc gia khác để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ của hạ tầng và dịch vụ này nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về quản lý dịch vụ OTT viễn thông, quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là không quản lý không phụ thuộc vào công nghệ. Bộ Thông tin và Truyền thống nhận thấy, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng, quản lý cần mềm hơn, nhẹ tay hơn, không phát sinh thêm nhiều chi phí tuân thủ cho nhà cung cấp dịch vụ. Bộ Thông tin và Truyền thông xin báo cáo Chính phủ nghiên cứu tiếp thu theo hướng quản lý ở mức tối thiểu nhưng xử phạt thì nghiêm minh; quản dựa trên những gì nhà cung cấp dịch vụ đã có để tránh phát sinh thêm chi phí tuân thủ; quản lý sẽ không phân biệt nhà cung cấp dịch vụ lớn hay nhỏ, thu tiền hay không thu tiền; yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ minh bạch thông tin đối với khách hàng; yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ bảo mật thông tin của khách hàng; cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận có 21 đại biểu phát biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm.
Qua thảo luận các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Viễn thông để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thể chế hóa xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số; bổ sung các chính sách mới, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông và các dịch vụ viễn thông; mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số và nền kinh tế số.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến xác đáng vào các điều khoản cụ thể, đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật: phạm vi, đối tượng điều chỉnh, đặc biệt là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các lĩnh vực mới như dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet, OTT, dịch vụ trung tâm, dịch vụ điện toán đám mây, chính trách điều kiện kinh doanh, quản lý đối với các dịch vụ mới này. Tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, tính tương thích phù hợp với các điều ước quốc tế. Quyền tham gia hoạt động viễn thông, quyền được đảm bảo an toàn viễn thông cho cả bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ; cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động viễn thông… Đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến cơ sở, căn cứ, mục đích thành lập Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, hiệu quả, nguyên tắc hoạt động của quỹ…
Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến thảo luận tại Tổ và tại Hội trường tiếp thu hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Một số hình ảnh tại phiên thảo luận:
Toàn cảnh Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Nông
Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp