XÂY DỰNG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): LÀM RÕ NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH ĐẤT SỬ DỤNG ĐA MỤC ĐÍCH

26/06/2023

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên tắc xác định đất sử dụng đa mục đích nhằm giúp dễ hiểu, dễ áp dụng; đồng thời đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch đối với đất sử dụng đa mục đích, bổ sung quy định đất đa mục đích là đất thương mại, dịch vụ kết hợp thể dục, thể thao.

QUY ĐỊNH RÕ HƠN VỀ ĐẤT SỬ DỤNG ĐA MỤC ĐÍCH PHẢI BẢO ĐẢM THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ NGHĨA VỤ TÀI CHÍNH

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ5

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Đây là dự án Luật quan trọng, tác động lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội và cuộc sống của các tầng lớp Nhân dân. Khi thảo luận về dự luật này, một trong những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm là quy định về đất sử dụng đa mục đích. Theo đó, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý theo hướng: Đất sử dụng đa mục đích là đất được xác định mục đích sử dụng đồng thời kết hợp sử dụng với một hoặc nhiều mục đích khác có thể phân định được ranh giới hoặc không phân định được ranh giới của từng mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất đối với các mục đích kết hợp theo quy định của Luật này nhưng không được vượt quá thời hạn của mục đích chính. Việc cấp Giấy chứng nhận chỉ được thực hiện đối với mục đích chính.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ các loại đất được sử dụng đa mục đích gồm: Đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu; đất sử dụng vào mục đích công cộng kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ và các mục đích khác;  đất có mặt nước kết hợp với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thương mại, dịch vụ và các mục đích phi nông nghiệp khác; đất tôn giáo, đất tín ngưỡng kết hợp với thương mại dịch vụ; đất sử dụng vào các mục đích được kết hợp để xây dựng điểm thu, phát sóng thông tin di động và các thiết bị phụ trợ; quảng cáo ngoài trời, điện mặt trời. Đối với đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất có mặt nước kết hợp thương mại, dịch vụ và các mục đích phi nông nghiệp khác thì phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ cách thức xác định nghĩa vụ tài chính đối với người sử dụng đất đa mục đích, nhất là trong trường hợp không phân định được ranh giới của từng mục đích sử dụng đất. Đồng thời đề nghị sửa cụm từ “mục đích sử dụng” tại khoản 1 thành “mục đích sử dụng chính” cho rõ nghĩa và thống nhất với các khoản khác của Điều 216. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về “mục đích sử dụng đất chính” trong việc sử dụng đất đa mục đích tại điểm a khoản 3; nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể nguyên tắc xác định nghĩa vụ tài chính đối với người sử dụng đất đa mục đích. Tiếp tục rà soát, quy định chi tiết, cụ thể hơn trong Nghị định về các trường hợp sử dụng đất đa mục đích.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định nêu thực tế, hiện nay đang đẩy nhanh phát triển đường cao tốc đến năm 2030 có khoảng 5.000 km, hành lang an toàn của đường cao tốc có chiều ngang 17 đến 20m mỗi bên, như vậy phần diện tích này sẽ là khoảng 20.000 hecta. Nếu trồng cây xanh trên diện tích này sẽ có khoảng 30 triệu cây xanh các loại, có tác dụng tương đương với 20.000 hecta rừng và ngày càng nhiều hơn khi phát triển đường cao tốc trong tương lai. Việc trồng cây xanh sẽ giúp chống chói nắng cho lái xe ban ngày, đảm bảo an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, hành lang an toàn cao tốc cũng đang được sử dụng đa mục đích trên nhiều diện tích khi Nhà nước chưa thu hồi, gồm đất thổ cư, đất rừng, đất nông nghiệp.... Do đó, đại biểu đề nghị đất hành lang an toàn đường cao tốc cũng là đất đa mục đích, vừa là đất giao thông, vừa là đất rừng trồng. Như vậy. có thể bù trừ phần hành lang an toàn sẽ trồng cây xanh với phần đất rừng cần phải thu hồi để làm đường cao tốc theo một tỷ lệ hợp lý, giúp giảm thủ tục chuyển đổi rừng, rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và sớm có hệ thống đường cao tốc xanh, đẹp.

Đề cập đến đất thương mại dịch vụ dành cho hoạt động thể dục, thể thao, đại biểu cho biết, Nhà nước luôn khuyến khích xã hội hóa hoạt động thể dục, thể thao, xây dựng các khu liên hợp thể thao, trung tâm thể dục cấp tỉnh cần đầu tư lớn. Việc hưởng ưu đãi đất dành cho thể thao cũng khó đem lại hiệu quả kinh tế. Thêm vào đó, yêu cầu phải có nguồn lực, đủ bằng cấp, chứng chỉ về thể thao cũng là một rào cản để doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Đất cho hoạt động thể dục, thể thao đang rất thiếu. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định đất đa mục đích là đất thương mại, dịch vụ kết hợp thể dục, thể thao. Qua đó, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển phong trào thể dục, thể thao. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về quy mô, loại hình thể dục, thể thao, điều kiện nhân lực để xây dựng trên đất đa mục đích.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Quan tâm tới quy định liên quan đến quản lý, sử dụng đất kết hợp đa mục đích, kết hợp với đất thương mại dịch vụ, đất nông nghiệp kết hợp với đất thương mại dịch vụ, đất quốc phòng kết hợp thương mại dịch vụ, đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế, đất du lịch có yếu tố tâm linh, đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đề nghị Ban soạn thảo bổ sung làm rõ nguyên tắc xác định đất sử dụng đa mục đích để dễ hiểu và dễ áp dụng.

Tại khoản 5 Điều 216 giao Chính phủ quy định chi tiết điều này, đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ nghiên cứu làm rõ, phân loại từng dự án cụ thể. Việc giao đất, cho thuê đất căn cứ theo dự thảo Luật sẽ vướng mắc về căn cứ pháp lý, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất. Nêu thực tế, đại biểu cho biết, có trường hợp các vị trí đề xuất thực hiện dự án thuộc các khu vực có di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và có tiềm năng về phát triển du lịch. Tuy nhiên, các vị trí này có thể trùng với các vị trí đã được cấp phép khai thác khoáng sản theo quy hoạch sử dụng đất thuộc đất cho hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, việc khai thác khoáng sản thuộc khai thác hầm lò không sử dụng đất mặt. Do vậy, việc xác định mục đích sử dụng đất chính được xác định theo quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất sẽ gặp vướng mắc. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch cho đất sử dụng đa mục đích để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.

Trước đó, khi thảo luận về nội dung này tại Tổ, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại về tính an toàn trong việc sử dụng đất đa mục đích; do đó đề nghị bên cạnh các yếu tố pháp lý, các quy định của pháp luật trong đấu thầu dự án hoặc kết hợp sử dụng dự án, cần phải bảo đảm yếu tố an toàn. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, khoản 2 Điều 216 quy định 7 trường hợp, nhưng không có trường hợp đất ở kết hợp với đất nông, lâm nghiệp. Theo đó, nếu đất ở kết hợp với đất nông, lâm nghiệp phát huy được tiềm năng của rừng, đất rừng thì sẽ quản lý rất tốt, vừa bảo đảm được sinh thái, vừa giúp chủ sử dụng đất có căn cứ chắc chắn để đầu tư nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa

Cũng có đại biểu cho rằng, quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 216 chưa phù hợp và đề nghị làm rõ hơn. Cụ thể, khoản 1 quy định “hoặc không phân định được ranh giới của từng mục đích sử dụng”, nhưng theo khoản 3, việc sử dụng đất đa mục đích phải đáp ứng yêu cầu sau, tức là không làm thay đổi mục đích sử dụng đất. Quy định này chưa phù hợp bởi mục đích sử dụng đất chính là căn cứ vào diện tích sử dụng hay căn cứ vào mức độ sử dụng thường xuyên của từng mục đích sử dụng để xác định được mục đích sử dụng đất. Việc xác định mục đích sử dụng chính là làm cơ sở để quy định tại khoản 6 Điều 172 “đối với thửa đất sử dụng cho nhiều mục đích thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của loại đất sử dụng vào mục đích chính”. Tuy nhiên, có những đất không phân định được ranh giới và từng mục đích sử dụng sẽ không biết căn cứ vào mục đích nào để xác định thời hạn sử dụng đất.

Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, các loại đất làm muối, đất xây dựng công trình ngầm, đất nghĩa trang, đất bồi ven biển, nói chung là đều được đưa vào nội dung đất sử dụng đa mục đích. Tuy nhiên, đối với đất dành cho trường học, bệnh viện, đại biểu đề nghị phải chế định quy định rõ về nội dung này để bảo đảm quỹ đất dành cho sự phát triển giáo dục và y tế.  Mặt khác, một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần quy định cụ thể hơn nội dung tại khoản 3 Điều 216 về đất sử dụng đa mục đích phải bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định, do hiện nay các điều quy định về chế độ tài chính đất đai chưa có quy định về nguyên tắc tài chính đối với đất sử dụng đa mục đích để làm căn cứ thực hiện hoặc làm căn cứ về mặt nguyên tắc để Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết đối với nội dung này.

Cho ý kiến về nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất trong trường hợp sử dụng đất đa mục đích, đối chiếu với những quan điểm chỉ đạo và mục tiêu của Nghị quyết 18-NQ/TW, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đánh giá, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn chưa giải quyết thỏa đáng hai vấn đề. Theo đó, vấn đề thuế sử dụng đất chưa quy định cụ thể, không thể hiện được quan điểm mới, chưa đáp ứng được yêu cầu là mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất và bỏ đất hoang. Những khoản thu nhằm điều tiết hiệu quả chênh lệch địa tô, nhất là phần giá trị tăng thêm không do người sử dụng đất đầu tư.

Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy định về thuế đất trống, vì đây là công cụ chống đầu cơ, thúc đẩy quá trình triển khai đất đai nhằm đầu tư vào sản xuất và tạo ra của cải vật chất. Loại thuế này góp phần xử lý hiệu quả hiện tượng đầu cơ đất nông nghiệp để phân lô, bán nền và tình trạng chiếm giữ đất những khu đất sản xuất, kinh doanh ở những vị trí đắc địa để trục lợi./.

Minh Thành