ĐẠI BIỂU THÁI QUỲNH MAI DUNG: QUỐC HỘI VIỆT NAM ĐÃ SẴN SÀNG CHÀO ĐÓN CÁC ĐẠI BIỂU DỰ HỘI NGHỊ AIPA CAUCUS 14

08/07/2023

Trao đổi trước thềm Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 14 (AIPA Caucus 14), Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung khẳng định, đến nay, công tác chuẩn bị Hội nghị AIPA Caucus 14 đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo tiến độ đề ra. Quốc hội Việt Nam đã sẵn sàng chào đón các đại biểu từ các Nghị viện thành viên AIPA, các tổ chức quốc tế và đại sứ các nước.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: TẬP TRUNG LÀM TỐT CÔNG TÁC CHUẨN BỊ HỘI NGHỊ AIPA CAUCUS 14

HỘI NGHỊ AIPA CAUCUS 14: ''THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, CHUYỂN GIAO, ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG''

Triển khai Chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2023, được sự đồng ý của Lãnh đạo Quốc hội, theo cơ chế luân phiên của Đại hội đồng liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA), Quốc hội Việt Nam sẽ chủ trì, đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 14 (AIPA Caucus 14) từ ngày 09-12/7/2023 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Trước thềm Hội nghị, chúng tôi có cuộc trao đổi với Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại, thành viên Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự Hội nghị về nội dung này.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung

Phóng viên: Xin đại biểu cho biết mục đích, ý nghĩa của việc Quốc hội Việt Nam chủ trì, đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 14?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung: Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA (AIPA Caucus) được thành lập tại Đại hội đồng liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) lần thứ 28 năm 2007 tại Malaysia với hai nhiệm vụ chính, đó là giúp Ban Chấp hành giám sát việc triển khai các Nghị quyết của AIPA ở các quốc gia thành viên và Tạo cơ hội để các quốc gia thành viên thường xuyên trao đổi quan điểm với nhau về các vấn đề khu vực cùng quan tâm.

Việc chủ trì tổ chức Hội nghị thực hiện theo nguyên tắc luân phiên giữa các Nghị viện thành viên AIPA; theo đó, Quốc hội Việt Nam sẽ chủ trì đăng cai tổ chức Hội nghị AIPA Caucus 14 năm 2023. Tiếp sau việc đăng cai thành công Hội nghị AIPA Caucus lần thứ 5 (năm 2013), việc đăng cai Hội nghị lần này góp phần khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Quốc hội Việt Nam trong AIPA - tổ chức liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Hội nghị góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 (Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII), tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới, đặc biệt là AIPA.

Đây là diễn đàn để các Nghị viện thành viên AIPA đánh giá về tình hình thực hiện các nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA 43 tại Campuchia vào năm 2022. Đồng thời trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với các nghị viện thành viên AIPA về các vấn đề quan tâm chung, trong đó tập trung vào việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững trong nội khối.

Hội nghị cũng là dịp để Việt Nam quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; đồng thời là cơ hội để xây dựng và củng cố các mối quan hệ với nghị sỹ các nước thành viên ASEAN, thể hiện tinh thần chủ động, sẵn sàng hợp tác vì tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, vì ổn định và thịnh vượng chung của Cộng đồng ASEAN và khu vực.

Phóng viên: Đại biểu có thể thông tin thêm về Chủ đề của Hội nghị AIPA Caucus 14?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung: Với vai trò chủ nhà, Quốc hội Việt Nam đã đưa ra chủ đề chung của Hội nghị là “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững”. Chủ đề này cũng nhận được sự quan tâm của các Nghị viện thành viên AIPA cũng như trên thế giới.

Quốc hội Việt Nam đã đưa ra chủ đề chung của Hội nghị là “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Nền kinh tế các nước trong khu vực và thế giới cũng đã có những bước phục hồi và phát triển sau nhiều năm bị đình trệ bởi đại dịch Covid-19. Cũng như Việt Nam, một trong những động lực giúp các nền kinh tế có thể thoát khỏi tác động của đại dịch Covid-19 là đóng góp quan trọng và ngày càng thể hiện rõ của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo đánh giá mới nhất, các nước ASEAN đã đạt nhiều tiến bộ trong các lĩnh vực đổi mới và trình độ công nghệ, tuy nhiên, mức độ phát triển không đồng đều và cách thức thực hiện khác nhau. Ở nhiều nước, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, trong đó công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, và vì vậy sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Trong khi đó, trên thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số, đang phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến nhiều thời cơ nhưng cũng đặt ra không ít thách thức với tất cả các nền kinh tế trong khu vực.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững, các quốc gia ASEAN cần nhận thức rõ thành tựu, hạn chế của khoa học - công nghệ; tiếp thu, làm chủ, ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến làm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đưa phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ trở thành nền tảng đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa vào tri thức, đổi mới, sáng tạo để tạo sự bứt phá, trở thành một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Các Nghị viện thành viên AIPA cần dành nhiều ưu tiên cho việc hoàn thiện môi trường pháp lý liên quan đến hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học - công nghệ, phát triển nguồn cung - cầu công nghệ và hạ tầng về kết nối cung - cầu công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, năm nay, Quốc hội Việt Nam cũng đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo” cùng 3 chuyên đề là: Chuyển đổi số; Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững. Đây là những vấn đề Quốc hội Việt Nam quan tâm, do đó đã đề cập tại các diễn đàn đa phương từ cấp khu vực đến quốc tế, tạo thành hệ thống xuyên suốt, thể hiện sự ưu tiên trong các chính sách cũng như vai trò của Quốc hội Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Quốc hội Việt Nam lựa chọn nội dung “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững” làm chủ đề của Hội nghị AIPA Caucus lần này. Nội dung này cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện mỗi nước hiện nay.

Quốc hội Việt Nam chủ trì, đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 14 (AIPA Caucus 14) từ ngày 09-12/7/2023 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Phóng viên: Xin đại biểu cho biết Công tác chuẩn bị Hội nghị cũng như sự kỳ vọng của đại biểu trong Hội nghị lần này?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung: Với vai trò tích cực và chủ động tại các diễn đàn đa phương, Lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan, trong đó Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội là đơn vị chủ trì đã chuẩn bị từ sớm, từ xa, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện nội dung, đề xuất chủ đề Hội nghị, xây dựng dự thảo Chương trình Nghị sự, Chương trình chi tiết và Đề án tổ chức Hội nghị, triển khai các công tác chuẩn bị Hội nghị. 

Đến nay, công tác chuẩn bị Hội nghị AIPA Caucus 14 đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo tiến độ đề ra theo Đề án tổ chức hội nghị. Quốc hội Việt Nam đã sẵn sàng chào đón các đại biểu từ các Nghị viện thành viên AIPA, các tổ chức quốc tế và đại sứ các nước.

Theo dự kiến chương trình, Hội nghị sẽ tiến hành các phiên khai mạc, 3 phiên toàn thể, phiên bế mạc, giao lưu văn hoá nghệ thuật và tham quan địa phương. Trong đó, tại phiên toàn thể thứ nhất, Nghị viện các nước thành viên sẽ trình bày báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Nghị quyết AIPA 43. Tại phiên toàn thể thứ hai, Nghị viện các nước thành viên sẽ trình bày báo cáo quốc gia về chủ đề của Hội nghị. Phiên họp toàn thể thứ ba sẽ thảo luận Báo cáo kết quả Hội nghị. Thông lệ, văn kiện cuối cùng của Hội nghị là Báo cáo kết quả Hội nghị điểm lại những thông tin chính của Hội nghị, các nội dung của chương trình nghị sự gồm: báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện các Nghị quyết AIPA 43, báo cáo quốc gia về chủ đề thảo luận của Hội nghị.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đề xuất tổ chức một sự kiện chung để ra mắt ấn phẩm "Thúc đẩy việc áp dụng Hướng dẫn của ASEAN về Đầu tư có trách nhiệm vào lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp: Cẩm nang thiết thực dành cho các nghị sĩ ASEAN".

Trên cơ sở nội dung của Hội nghị và sự chuẩn bị kỹ lưỡng các Nghị viện thành viên AIPA và Quốc hội Việt Nam với vai trò là nước chủ nhà đã đưa ra sáng kiến và kỳ vọng sẽ chuyển hóa Báo cáo kết quả Hội nghị thành Nghị quyết tại Đại hội đồng AIPA dự kiến được tổ chức vào tháng 8 tới đây tại Indonesia để các Nghị viện thành viên AIPA thực hiện.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu! Chúc Hội nghị AIPA Caucus 14 thành công tốt đẹp!

Trọng Quỳnh