QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)
Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến. Đây là dự án Luật quan trọng, liên quan đến lợi ích của mọi người dân, nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Tổng kết quá trình thực hiện Luật Nhà ở năm 2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, về phát triển nhà ở công vụ, luật hiện hành còn một số bất cập, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Cụ thể, việc quy định đối tượng thuê nhà ở công vụ tại Trung ương có hệ số phụ cấp 1,3 trở lên và địa phương là 0,9 trở lên như quy định của Luật Nhà ở dẫn đến tình trạng quỹ nhà ở công vụ tại một số Bộ ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương bị dư dôi trong khi nhu cầu thực tế về nhà ở công vụ đối với nhóm đối tượng cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển đến công tác tại cơ quan Trung ương có hệ số phụ cấp dưới 1,3 và cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển ở địa phương có phụ cấp chức vụ dưới 0,9 là không nhỏ, vì vậy, các cán bộ này sẽ phải thuê nhà thương mại nên sẽ gặp nhiều khó khăn, việc điều động, luân chuyển cán bộ gặp nhiều bất cập.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 07/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, bố trí cho thuê nhà ở công vụ, đối tượng thuê nhà ở công vụ của các cơ quan Trung ương được điều động, luân chuyển và có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,1 trở lên. Tuy nhiên, Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có sự điều chỉnh theo hướng thu hẹp nhóm đối tượng thuê nhà ở công vụ, tại các cơ quan ở trung ương giữ chức vụ từ cấp Thứ trưởng có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên; tại địa phương cán bộ giữ chức vụ Giám đốc Sở có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên, việc quy định đối tượng thuê nhà ở công vụ như quy định của Luật Nhà ở dẫn đến tình trạng quỹ nhà ở công vụ tại một số Bộ ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương bị dư dôi trong khi nhu cầu thực tế về nhà ở công vụ đối với nhóm đối tượng cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển đến công tác tại cơ quan Trung ương có hệ số phụ cấp dưới 1,3 (Phó Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Đại biểu chuyên trách của Quốc hội, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương...) và cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển ở địa phương có phụ cấp chức vụ dưới 0,9 là không nhỏ lại không tiếp cận được nhà ở công vụ.
Cùng với đó, số lượng các căn hộ công vụ hiện chưa bố trí cho thuê tại Trung ương và địa phương còn khá nhiều, do tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ bị thu hẹp so với trước đây (tại Trung ương: cán bộ có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên; tại địa phương: cán bộ có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên). Theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, các căn hộ đã bàn giao (kể cả căn hộ chưa bố trí cho thuê) phải đóng kinh phí quản lý vận hành cho đơn vị quản lý vận hành. Do đó, hàng năm ngân sách nhà nước vẫn phải cấp bù kinh phí quản lý vận hành cho các căn hộ công vụ đã bàn giao nhưng chưa bố trí cho thuê.
Thêm vào đó, giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế được điều động, luân chuyển về công tác tại các vùng sâu, vùng xa thuộc đối tượng quản lý ngành dọc của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và đào tạo. Khi lập Đề án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ cho các đối tượng này thì Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ phối hợp với địa phương để lập Đề án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đối với quỹ nhà ở công vụ này còn chưa đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Ngân sách Trung ương và địa phương còn gặp nhiều khó khăn, do đó, việc đầu tư xây dựng quỹ nhà ở công vụ để đáp ứng đầy đủ cho các đối tượng thuộc diện thuê nhà ở công vụ còn hạn chế. Mặt khác, hiện nay một số Bộ, ngành và địa phương khi đầu tư xây dựng trụ sở mới hoặc khu hành chính tập trung, thì trụ sở cơ quan cũ có thể được chuyển đổi để bố trí làm nhà ở công vụ, do đó, ngoài hình thức phát triển nhà ở công vụ là đầu tư xây dựng dự án nhà ở công vụ, mua nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ thì cần đề xuất bổ sung hình thức phát triển nhà ở công vụ là chuyển đổi mục đích sử dụng trụ sở làm việc cũ của các cơ quan đơn vị không còn nhu cầu sử dụng, không phù hợp với quy hoạch để làm nhà ở công vụ.
Toàn cảnh phiên họp
Phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế này, đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng, Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có sự điều chỉnh theo hướng thu hẹp nhóm đối tượng được bố trí cho thuê nhà ở công vụ so với trước đây, đồng thời chưa có quy định về chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Nguồn vốn đầu tư xây dựng và trang bị nội thất nhà ở công vụ từ ngân sách trung ương và địa phương còn rất hạn chế. Chính quyền địa phương còn chưa quan tâm đúng mức trong việc phát triển và quản lý nhà ở công vụ dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu nhà ở công vụ, một số nơi tiêu chuẩn và chất lượng nhà ở công vụ chưa đúng quy định.
Ngoài ra, nhà ở công vụ trước đây do không được trang bị nội thất đồng bộ, người thuê nhà ở công vụ phải tự bỏ kinh phí để đầu tư các trang thiết bị nội thất và duy tu, bảo dưỡng quỹ nhà này nên khi hết tiêu chuẩn thuê nhà công vụ, nghỉ hưu và chưa được nhà nước hỗ trợ về nhà ở xã hội trên địa bàn nên thường chưa trả lại nhà ở công vụ theo quy định dẫn đến việc thu hồi nhà ở công vụ gặp nhiều khó khăn.