Theo dự kiến công tác 6 tháng cuối năm 2023, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 - 2023
Theo dự kiến, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; tổ chức đoàn khảo sát làm việc với một số cơ sở văn hoá, thể thao, địa phương; chuẩn bị nội dung, các điều kiện đảm bảo để tổ chức phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023” vào đầu tháng 12/2023.
Vấn đề này được nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm khi thời gian qua các thiết chế văn hóa, thể thao chưa được quản lý và sử dụng hiệu quả, từ quy mô lớn như sân vận động quốc gia Mỹ Đình hay một số bảo tàng tỉnh, thành phố (dự án Bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2, 8 năm vẫn chưa hoàn thành) đến quy mô nhỏ là nhà văn hóa thôn/tổ dân phố…
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Sân Mỹ Đình là công trình thể thao mang tính biểu tượng của quốc gia. Khi có trận bóng lớn diễn ra ở đây là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, từ đó hình thành sức mạnh mềm của dân tộc. Thế nhưng chúng ta lại phải chứng kiến sự thật hoàn toàn ngược lại với những nỗ lực trong việc xây dựng hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam. Điều đó cũng hoàn toàn không phù hợp với những nỗ lực thúc đẩy nền thể thao của Việt Nam vươn tầm đẳng cấp quốc tế.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
“Thực tế, không riêng sân vận động Mỹ Đình mà nhiều thiết chế văn hóa khác cũng đang trong tình cảnh tương tự. Do vậy, chúng ta phải giải quyết rốt ráo chuyện này đối với tất cả các thiết chế văn hóa, chứ không chỉ là câu chuyện riêng của sân vận động Mỹ Đình”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc Quốc hội nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, phiên giải trình về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 - 2023 là rất cần thiết. Bởi thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại cơ sở; góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, nhiều công trình văn hóa đã ra đời từ cấp trung ương đến cấp cơ sở; các thiết chế văn hóa ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, song vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Ngân sách Nhà nước hằng năm cấp cho các thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế. Kinh phí hoạt động ít, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp; nhân lực quản lý, khai thác, vận hành các thiết chế này còn thiếu và yếu về chuyên môn, thiếu chủ động, sáng tạo.
Bên cạnh đó, thiết chế văn hóa ở một số địa phương xây dựng có quy mô lớn, nhưng việc khai thác hiệu quả thấp, ít người biết đến hoặc không quan tâm, dẫn đến nguồn thu hàng năm đạt thấp.
Ngoài ra, nhu cầu và thị hiếu của người dân đã và đang thay đổi, trong khi thiết chế văn hóa, thể thao các cấp chưa bắt nhịp kịp để đổi mới phương thức hoạt động, chưa thu hút được sự tham gia tích cực của người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các khu đô thị chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao một số nơi chưa được quan tâm quy hoạch…
Đặc biệt, trong Chương trình xây dựng nông thôn mới đang có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao. Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, về cơ sở vật chất văn hóa, điều kiện để được công nhận xã nông thôn mới phải có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã; có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định. 100% thôn, bản, ấp có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, có tình trạng nợ tiêu chí này do nguồn lực đầu tư hạn chế. Nhưng cũng có tình trạng xây dựng xong mà không được sử dụng thường xuyên, kém hiệu quả. Nhiều nơi chỉ xây dựng được cái vỏ, không có trang thiết bị, lại ở xa khu dân cư, nên nhà văn hóa chủ yếu đóng cửa, gây lãng phí.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 có Dự án số 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, trong đó có hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn thực hiện, nhưng các địa phương đang bị vướng trong quá trình triển khai do một số nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; một số nội dung chưa thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật…
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, để phục vụ phiên giải trình về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 - 2023 trong thời gian sắp tới, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ làm việc với các cơ quan, tổ chức các đoàn khảo sát làm việc với một số cơ sở văn hóa, thể thao và địa phương: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Sơn La, Bình Dương, Đồng Nai…
Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 - 2023” dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu tháng 12/2023./.