GIÁM SÁT ĐỂ ĐẨY NHANH VIỆC THỰC HIỆN GIÁ ĐIỆN THEO CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG

24/07/2023

Chính sách giá điện, thị trường điện sẽ theo hướng nào là vấn đề cốt lõi đối với sự phát triển ngành điện, có mối quan hệ mật thiết với thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tác động trực tiếp đến kinh doanh sản xuất, đời sống người dân, việc thu hút đầu tư và phát triển bền vững của Việt Nam. Đây cũng là vấn đề trọng tâm việc mà chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 hướng đến để tháo gỡ vướng mắc về chính sách giá điện và thị trường điện tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, cần nghiên cứu để luật hoá quy định về cơ chế điều chỉnh giá điện phù hợp.

HỘI THẢO CHÍNH SÁCH GIÁ ĐIỆN, THỊ TRƯỜNG ĐIỆN VIỆT NAM: MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP

Vì sao EVN lỗ nặng vì thu không đủ bù chi?

Bộ Công Thương cho biết việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, ‎Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm 2021 là hơn 419.031 tỷ đồng, năm 2022 là 493.265 tỷ đồng, bao gồm: Chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối-bán lẻ điện và phụ trợ-quản lý ngành. Theo đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Cụ thể, trong năm 2022, tổng chi phí khâu phát điện là hơn 412.243 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.698,45 đồng/kWh. So với năm 2021, chi phí khâu phát điện năm 2022 tăng hơn 72.855 tỷ đồng. Tổng chi phí khâu truyền tải điện là hơn 16.854 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 69,44 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu phân phối-bán lẻ điện là 62.543 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối-bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 257,68 đồng/kWh.

Tổng chi phí khâu phụ trợ-quản lý ngành là hơn 1.623 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ-quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,69 đồng/kWh. Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 387,55 tỷ đồng.

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ hơn 36.294 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng, lãi tiền gửi…) năm 2022 của EVN lỗ 26.235 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Theo kết quả kiểm tra, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 bao gồm: Phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng hơn 3.015 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện năm 2020 với số tiền khoảng 4.566 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện năm 2021 khoảng 3.702 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện phát sinh năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, với khoản lỗ lớn như vậy, việc cân đối tài chính của tập đoàn rất khó khăn. Vì thế EVN đã đề xuất, trình Bộ Công Thương, các cấp có thẩm quyền, Chính phủ điều chỉnh giá bán lẻ điện, vì năm 2022, chi phí đầu vào sản xuất điện tăng khá cao. Chỉ số giá than, khí, dầu, đặc biệt than tăng hơn 3 lần, có thời điểm tăng 4-5 lần, trong khi giá dầu tăng 2 lần… Đó là nguyên nhân lớn nhất khiến chi phí sản xuất điện tăng cao.  Tuy nhiên điều chỉnh giá điện ở ngưỡng bao nhiều để không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô đang là vấn đề nan gỉải với cả EVN và các cơ quan quản lý nhà nước

Đề xuất ban hành Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện

Để EVN phải đối mặt nguy cơ khó khăn về tài chính cho thấy bất cập trong Tuy nhiên, chính sách giá điện, thị trường điện bởi điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và bảo đảm lợi nhuận hợp lý; việc hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh triển khai chậm; cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện.

Ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương

Ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, cho rằng từ khi cơ chế điều chỉnh giá điện theo thị trường được ban hành, giá bán lẻ điện được điều chỉnh không những đảm bảo tài chính bền vững cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư, vận hành hệ thống mà còn đảm bảo tài chính cho các nhà đầu tư nguồn điện ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh điện. Tuy nhiên, do giá điện là mặt hàng nhạy cảm, việc thay đổi có thể ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đời sống của người dân nên trong một số năm giá điện đã được giữ ổn định.

Nêu quan điểm của Bộ Công Thương, ông Trần Tuệ Quang cho rằng cần nghiên cứu để luật hóa quy định về cơ chế điều chỉnh giá điện phù hợp. Trong đó, rất cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo sự phát triển của thị trường điện theo mục tiêu là thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, công bằng, điều hành giá điện qua hoạt động mua bán điện. Ông Trần Tuệ Quang cũng đề xuất ban hành Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện với thẩm quyền thuộc Chính phủ và đơn vị điện lực. Đồng thời bổ sung chính sách giá điện theo vùng miền, phản ánh chi phí bán lẻ điện cho nhóm khách hàng.

TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường CĐ Điện lực miền Bắc

Cùng quan điển, TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường CĐ Điện lực miền Bắc cho rằng, đợt điều chỉnh giá điện gần đây nhất vào tháng 5-2023. Sau bốn năm không điều chỉnh giá điện là không phải điều tiết giá theo tín hiệu của thị trường. Việc không điều chỉnh quá lâu sẽ dẫn tới giá điện không phản ánh tín hiệu của thị trường và nguy cơ lỗ lớn có thể xảy ra. Hệ lụy là EVN không có khả năng tái đầu tư mở rộng hệ thống điện và không có khả năng thanh toán cho các đơn vị bán điện, từ đó dẫn tới nguy cơ không đảm bảo an ninh năng lượng, dẫn đến việc cung cấp điện không được đảm bảo. Thêm nữa, việc không điều chỉnh giá sẽ gây áp lực lớn cho nền kinh tế, các hộ tiêu dùng cũng như thực thi lộ trình tái cấu trúc ngành điện.

Từ phân tích trên, TS Bùi Xuân Hồi cho rằng các quyết định pháp lý về lộ trình tái cấu trúc ngành điện cần điều chỉnh thực tế và khả thi hơn chưa không thể mãi hô khẩu hiệu là phải làm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, phá bỏ thế độc quyền của EVN nhưng các điều kiện tiên quyết lại không thể thực hiện.

Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn EVN

Làm gì để thực hiện mục tiêu số 1 là phải đủ điện?

Để đảm bảo mục tiêu đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt, Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn EVN nhấn mạnh quan điểm việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước vẫn phải tiếp tục, dù chúng ta có hình thành thị trường bán lẻ điện đi nữa thì Nhà nước vẫn phải kiểm soát theo Nghị quyết 55 của Trung ương. Cũng theo ông Đặng Hoàng An, câu chuyện giá điện gắn chặt với chuyện quản lý của ngành điện dù là nhà nước hay tư nhân. Theo ông An, hiện Luật Điện lực, Luật Giá là hai luật quan trọng, tạo nền tảng cho quản lý các chi phí của ngành điện. Do vậy, thời gian tới cần nghiên cứu sửa đổi Luật Điện lực, trong đó luật hóa điều hành giá điện, không để ở mức “quyết định của Thủ tướng”, cũng như luật hóa các quy định về thị trường điện. Ông Đặng Hoàng An cũng đề xuất xây dựng Luật Năng lượng tái tạo và sửa đổi, bổ sung Luật Tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Cũng đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thừa nhận hiện cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện; chưa dự báo tốt và tính toán đầy đủ những yếu tố ảnh hưởng từ thị trường năng lượng khu vực và thế giới. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện, ngành năng lượng và sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu quan điểm rất cần có cách làm mới, giải pháp đột phá tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân với giá cả hợp lý trong một thị trường lành mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là mục tiêu của Đoàn giám sát chuyên đề được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện.

Còn nhiều tồn tại bất cập, việc vận hành thị trường bán lẻ điện ( ảnh minh hoạ)

Sự chậm nhịp của các dự án đầu tư nguồn mới ảnh hưởng đến phát triển thị trường bán lẻ điện

Các chuyên gia đánh giá, dù còn nhiều tồn tại bất cập, việc vận hành thị trường điện trong các năm qua đã mang lại một số kết quả tích cực. trong đó thay đổi căn bản nhất là Quá trình điều độ các nhà máy điện do các chủ đầu tư khác nhau sở hữu được thực hiện một cách minh bạch thông qua việc chào giá và lập lịch huy động theo giá chào..Cạnh tranh khi đưa vào khâu phát điện đã tạo động lực cho chủ sở hữu các nhà máy điện tiết giảm chi phí, duy tu bảo dưỡng tổ máy tốt hơn nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng và hiệu suất của nhà máy điện, góp phần nâng cao độ tin cậy, độ sẵn sàng của hệ thống điện. Các tổng công ty điện lực có điều kiện làm quen với môi trường và hoạt động của thị trường điện, ngày càng chủ động hơn và nâng cao chất lượng trong công tác dự báo và quản lý phụ tải trong phạm vi đơn vị; đã hình thành được một hệ thống pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực ngày càng chuyên nghiệp về thị trường điện, tạo điều kiện cho việc đáp ứng các giai đoạn phát triển cao hơn của thị trường điện. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng do sự khác biệt lớn về nội dung và tiến độ thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển thị trường điện lực như nêu tại Luật Điện lực 2004 và Luật Điện lực năm 2012 và các kế hoạch thị trường điện của Bộ Công Thương và Chính phủ, dẫn đến nhiều dự án bị trượt tiến độ chậm 2 - 3 năm so với lộ trình phát triển thị trường điện do Chính phủ và Bộ Công Thương quy định, Bất cập đối với vai trò của cơ quan điều độ và các đơn vị tham gia thị trường điện trong việc kiểm soát công suất công bố; Điều chỉnh Qc trong trường hợp thiếu nhiên liệu và sự cố; Quy định lập lịch vận hành và điều độ thời gian thực hiện nay chưa tính đến các ràng buộc bao tiêu trong các hợp đồng PPA của nhà máy điện BOT (mà EVN thay mặt Chính phủ để ký kết với các chủ đầu tư). Đây là những vấn đề cần được đoàn giám sát nhìn nhận và điều chỉnh thời gian tới.

Hải Yến

Các bài viết khác