PGS.TS – ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: QUY ĐỊNH NGHỆ SĨ PHẢI THẨM ĐỊNH SẢN PHẨM TRƯỚC KHI QUẢNG CÁO LẦ CẦN THIẾT

25/07/2023

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, theo đó, có quy định nghệ sĩ phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, quy định này là cần thiết và có nhiều điểm tích cực.

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CẦN TẠO DỰNG VĂN HOÁ THẦN TƯỢNG LÀNH MẠNH TRONG GIỚI TRẺ

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: PHẬT GIÁO TÔ BỒI ĐẠO ĐỨC CHO GIỚI TRẺ

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phóng viên: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Theo đó, Bộ này đề xuất bổ sung quy định hoạt động của người có ảnh hưởng như nghệ sĩ, KOLs khi quảng cáo sản phẩm, ông có đánh giá như thế nào về đề nghị này trong bối cảnh hiện nay?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Trong thời gian vừa qua, việc quảng cáo của các nghệ sĩ, nhất là trên các trang mạng xã hội, đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có rất nhiều ý kiến lên án việc quảng cáo sản phẩm không bảo đảm chất lượng, thậm chí có dấu hiệu lừa dối khách hàng.

Xét trong bối cảnh nghệ sĩ là người của công chúng, nhận được sự quan tâm đặc biệt và tình cảm yêu mến của công chúng thì việc quảng cáo sản phẩm sai lệch này gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực đối với khách hàng, xã hội và chính nghệ sĩ. Vì thế, tôi nghĩ rằng, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất nghệ sĩ phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một vấn đề rất đáng quan tâm.

Theo quan điểm cá nhân  tôi, việc nghệ sĩ nhất thiết phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là cần thiết và có nhiều mặt tích cực. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi và đảm bảo chất lượng của người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, những người yếu thế trong xã hội, và những sản phẩm liên quan đến sức khỏe, đồng thời giúp xây dựng hình ảnh và uy tín của các nghệ sĩ. Qua việc thẩm định, có thể kiểm soát và ngăn chặn những quảng cáo gây lừa đảo, vi phạm đạo đức, hoặc gây hại cho khán giả.

Sau rất nhiều chứng kiến những quảng cáo sai sự thật, chúng ta cần có những chấn chỉnh nhất định để trả lại môi trường trong lành cho xã hội và cho chính nghệ thuật. Việc thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo có thể coi là một biện pháp hữu ích trong việc đảm bảo tính trung thực và đạo đức trong lĩnh vực quảng cáo. Trong thời điểm có nhiều nghệ sĩ đang bất chấp để quảng cáo sai sự thật, việc áp dụng quy định thẩm định có thể giúp  bảo đảm tính trung thực trong quảng cáo giúp người tiêu dùng không bị lừa đảo hoặc nhận thông tin sai lệch về sản phẩm và dịch vụ nhờ đó tăng cường niềm tin của người tiêu dùng đối với các nghệ sĩ và  thương hiệu nhãn hàng.

Một số nghệ sĩ và nhà quảng cáo có thể cố tình đưa ra những thông tin sai lệch hoặc không trung thực để thu hút sự chú ý và tăng doanh số bán hàng. Việc thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo có thể giúp hạn chế những hành vi gian lận này. Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định thẩm định giúp tạo ra môi trường đáng tin cậy và chất lượng cao trong ngành công nghiệp giải trí, giúp tăng cường uy tín của ngành và thu hút sự quan tâm từ công chúng trong nước và  kể cả thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, ngoài việc thẩm định trước, các cơ quan quản lý và tổ chức liên quan nên có hệ thống kiểm tra, xử lý khiếu nại và áp dụng các biện pháp  xử phạt nếu có thông tin sai lệch trong quảng cáo của các nghệ sĩ.

Phóng viên: Nếu đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể đi vào thực tiễn, liệu có khó khăn khi kiểm tra, giám sát thực thi việc này không thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi nghĩ rằng, việc thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một vấn đề phức tạp, và cần có sự cân nhắc và thảo luận kỹ lưỡng giữa các cơ quan quản lý, các nghệ sĩ, và các chuyên gia liên quan để tạo ra một hệ thống thẩm định hợp lý và đáng tin cậy.

Sở dĩ có điều này là vì, một trong những khó khăn đầu tiên là cần có những định nghĩa rõ ràng và cụ thể về các tiêu chuẩn và quy định thẩm định. Cần có một khung pháp lý chặt chẽ để xác định những gì là không chấp nhận được trong quảng cáo, bao gồm những nội dung không lành mạnh, sai sự thật, hay vi phạm pháp luật. Việc xác định tiêu chuẩn này phải được thống nhất và minh bạch để tránh gây hiểu lầm và tranh cãi.

Thứ hai là để bảo đảm tính hiệu quả của việc thẩm định, cần phải xây dựng một hệ thống kiểm tra đáng tin cậy và chính xác. Có thể sử dụng các cơ quan, tổ chức chuyên nghiệp và độc lập để thực hiện việc này. Tuy nhiên, việc xác định được sự trung thực của một sản phẩm nghệ thuật có thể là một quá trình phức tạp và tốn nhiều thời gian.

Thứ ba là cần cân nhắc cẩn thận giữa việc bảo vệ tính sáng tạo và tự do nghệ thuật và việc áp dụng quy định thẩm định. Nếu quá chặt chẽ trong việc kiểm duyệt, có thể làm hạn chế sự sáng tạo và đa dạng trong lĩnh vực nghệ thuật.

Thứ tư là  để thực hiện việc kiểm tra và giám sát thì việc thẩm định sản phẩm cần có nguồn lực và chi phí đáng kể để thực hiện một cách hiệu quả và bền vững.

Cuối cùng, hệ thống kiểm tra, giám sát cần có cơ chế quản lý khiếu nại và xử lý vi phạm một cách công bằng và nhanh chóng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên liên quan và đảm bảo quy trình xử lý minh bạch và khách quan.

Phóng viên: Việc thực hiện những chế tài này cần lưu ý điều gì, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, việc thực hiện chế tài thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là một quá trình phức tạp và cần sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính công bằng, hiệu quả trong hoạt động quảng cáo những cũng bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ và sự sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật.

Để làm được điều đó, trước nhất, tiêu chuẩn và quy trình thẩm định cần được định rõ, công khai và minh bạch thông qua việc công bố đầy đủ thông tin về cách thức kiểm tra, xếp hạng và giám sát sản phẩm. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch và tin cậy trong quá trình thực hiện chế tài.

Thứ hai là cần tạo ra các cơ chế đảm bảo tính độc lập và khách quan trong việc thẩm định sản phẩm. Cơ quan thẩm định không nên bị ảnh hưởng bởi áp lực từ các bên liên quan hoặc lợi ích cá nhân. Các thành viên của cơ quan thẩm định cần có kiến thức chuyên môn và chuyên sâu về lĩnh vực nghệ thuật và quảng cáo.

Thứ ba là quá trình thẩm định cần tôn trọng sự đa dạng và sáng tạo trong nghệ thuật. Không nên hạn chế những ý tưởng mới lạ và tiềm năng chỉ vì chúng không tuân thủ các quy tắc truyền thống.

Thứ tư là cần xác định rõ quy trình xử lý khiếu nại và xử lý vi phạm một cách công bằng và hiệu quả. Nếu có các sản phẩm quảng cáo vi phạm tiêu chuẩn, cần có biện pháp xử phạt phù hợp để đảm bảo tính nghiêm minh của chế tài.

Thứ năm là cần cung cấp hướng dẫn và tư vấn cho nghệ sĩ và các nhà quảng cáo về quy trình thẩm định và tiêu chuẩn để giúp tăng cường hiểu biết và tuân thủ từ phía người tham gia.

Cuối cùng là việc thực hiện chế tài cần sự hợp tác và liên kết với các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý, nghệ sĩ, công chúng và các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan để giúp bảo đảm tính toàn diện và hài hòa trong việc thực hiện chế tài.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương - Nghĩa Đức