SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: NÔNG DÂN PHẢI ĐƯỢC THAM GIA VÀO GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH VỀ ĐẤT ĐAI
Nhiều tồn tại trong quản lý và sử dụng đất nông, lâm trường ở Tây nguyên.
Đất đai là tài nguyên thiên nhiên quý giá, là tài sản lớn và quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các nông, lâm trường quốc doanh. Nhiều mô hình sử dụng đất có hiệu quả với các phương thức giao khoán hợp lý, đã hình thành một số vùng chuyên canh hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu nông, lâm sản cho nền kinh tế và đời sống xã hội; đồng thời góp phần bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên rừng và môi trường sinh thái.
GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, xét trên nhiều phương diện, Tây Nguyên (bao gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắc, Đắk Nông và Lâm Đồng) là nơi cư trú của nhiều tộc người, trong đó chủ yếu là người Kinh, các tộc người thiểu số tại chỗ và các dân tộc thiểu số di cư đến theo chính sách cũng như di cư tự do. Số lượng người ở các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên chiếm khoảng 25% nhưng họ đã tạo dựng đời sống văn hóa đặc sắc giúp họ tồn tại và phát triển.
GS.TS Trần Đức Viên nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng đất nông lâm trường ở Tây nguyên, như: Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến nhận được sự quan tâm, góp ý của nhiều đại biểu, cử tri và Nhân dân.
Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13; Quyết định số 431/QĐ-TCQLĐĐ ngày 25/12/2018 của Tổng cục Quản lý đất đai về việc phê duyệt nội dung và dự toán kinh phí lập dự án “Điều tra, đánh giá tình hình quản lý và hiệu quả sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi rà soát, sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP”…
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc quản lý và sử dụng đất nông, lâm trường và chính sách đất đai cho đồng bào DTTS còn nhiều tồn tại, như: ranh giới sử dụng đất chưa được cắm mốc phân định rõ ràng; đất đai chưa được đo đạc lập bản đồ địa chính, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhiều diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn trái pháp luật; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp còn xảy ra nhiều nơi chưa được xử lý dứt điểm.
Hiệu quả sử dụng đất nói chung còn thấp; các hoạt động sản xuất liên doanh, liên kết liên vẫn còn tồn tại; việc sắp xếp, đổi mới và quản lý các nông, lâm trường vừa qua vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong hoạt động và hiệu quả khai thác toàn diện rừng trồng và đất đai còn thấp, đời sống của người lao động còn gặp nhiều khó khăn.
Một số nông, lâm trường chưa làm tốt vai trò là nòng cốt trong sản xuất, trung tâm khoa học kỹ thuật trên địa bàn. Hầu hết các nông, lâm trường chỉ chú ý đến khai thác, lợi dụng tài nguyên mà chưa coi trọng việc bảo vệ, nuôi dưỡng. Một số nông, lâm trường được giao diện tích đất quá lớn so với khả năng của mình, trong khi người DTTS lại thiếu đất sản xuất dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
GS.TS Trần Đức Viên khẳng định, những chính sách lớn của nhà nước về quốc hữu hóa, tập thể hóa đất đai những năm 1980 và làn sóng di dân ồ ạt lên Tây Nguyên kéo dài cho đến nay là những cú sốc lớn có tác động mạnh mẽ đến quyền quản lý và sử dụng đất đai của đồng bào các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên, sinh kế của họ và của cả những người mới di cư đến.Việc thực thi chính sách giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất trong những năm gần đây cũng gây ra nhiều mâu thuẫn kinh tế và xã hội, kéo theo những bất ổn về trật tự an ninh xã hội.
GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Đảng và Nhà nước đã có những nghị quyết, chủ trương, chính sách đặc biệt nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên; trong đó việc quản lý đất đai và đặc biệt xử lý tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào các DTTS. Tuy nhiên, phần lớn các chính sách liên quan tới quản lý nhà nước đối với đất đai là những quy định khung chung đối với mọi vùng trong cả nước hoặc là các giải pháp tình thế cho vùng.
Những quan hệ xung đột về đất đai giữa dân cư với chính quyền, với doanh nghiệp và với nhau về quan hệ đất đai vẫn tiếp tục là vấn đề bức xúc. Vì vậy, cần giải quyết tốt vấn đề di dân tự do và bảo đảm đất canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chính, góp phần ổn định phương thức sử dụng đất lâu dài trên địa bàn Tây Nguyên.
Sửa đổi Luật Đất đai: Cần một số chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên.
Trên thực tế hiện nay, tại vùng Tây Nguyên có nhiều nông, lâm trường quốc doanh đang quản lý diện tích đất nông nghiệp, đất rừng tương đối lớn nhưng lại bỏ hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả (toàn vùng Tây Nguyên có khoảng 196 nông lâm trường đang quản lý 2.568.735 ha, tương đương 47% tổng quỹ đất của vùng; trong đó có 96.946 ha đất nông nghiệp, chiếm 8% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn vùng, 1.674.511 ha đất lâm nghiệp, chiếm 56% diện tích đất lâm nghiệp toàn vùng và 120.462 ha đất chưa sử dụng, chiếm 12% tổng diện tích đất chưa sử dụng toàn vùng). Vì vậy, cần kiểm kê, rà soát chính xác phần diện tích này để chuyển giao cho đồng bào dân tộc tại chỗ quản lý, sử dụng.
Để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất đối với đồng bào DTTS tại chỗ, GS.TS Trần Đức Viên kiến nghị đánh giá lại toàn bộ các hoạt động của các nông lâm trường, không chỉ công tác quản lý đất đai, mà cả việc thực hiện chức năng sản xuất kinh doanh, vai trò hướng dẫn, hỗ trợ kinh tế hộ gia đình. Những đơn vị nào không đủ năng lực thực hiện những chức năng đó và khó có thể “trụ” được cần kiên quyết giải thể.
Để làm được điều này cần có cuộc tổng điều tra đánh giá, rà soát lại một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng về đất đai và giải quyết tranh chấp, lấn chiếm xung đột đất đai của công ty Nông, lâm nghiệp quốc doanh hiện nay ở các địa phương. Huy động đủ các bên liên quan tham gia rà soát đánh giá; tránh lặp lại tình trạng công ty Nông, lâm nghiệp quốc doanh tự rà soát như trước đây. Đồng thời, có giải pháp để các công ty bắt buộc phải hợp tác với người dân và các bên có liên quan tham gia kiểm kê, đánh giá đất đai.
Tiếp tục rà soát thu hồi một số diện tích đất đai của công ty Nông, lâm nghiệp quốc doanh trả lại cho địa phương để tổ chức giao cho các hộ gia đình thiếu đất sản xuất. Việc thu hồi đất phải có tiêu chí rõ ràng (loại đất gì, ở đâu, tình trạng đất có thể sản xuất được hay không) để đảm bảo đất sau khi thu hồi và giao lại cho người dân là đất mà người dân có thể canh tác được.
Khi quyền sử dụng đất được giao cho người trực canh, họ sẽ có quyền tự chủ sản xuất, có thể thế chấp vay vốn, trực tiếp mua bán hàng hóa đầu vào và sản phẩm đầu ra với những đối tác do họ lựa chọn, không phải nộp phí cho các khâu quản lý trung gian và như vậy họ sẽ có động lực và khả năng tự chủ hơn trong phát triển kinh tế.
GS.TS Trần Đức Viên kiến nghị đánh giá lại toàn bộ các hoạt động của các nông lâm trường.
GS.TS Trần Đức Viên kiến nghị, với các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp sau khi được rà soát, sắp xếp lại, cần đổi mới phương thức hoạt động. Việc cho công ty lâm nghiệp thuê đất (đối với đơn vị sản xuất kinh doanh) hoặc giao đất (đối với đơn vị công ích) cần đảm bảo hài hòa mối quan hệ đất đai giữa người dân địa phương, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nhu cầu của công ty lâm nghiệp. Trước khi cho công ty thuê đất, giao đất, cần hoàn chỉnh hồ sơ về đất đai, hồ sơ tài nguyên rừng; Nếu không hoàn thiện đầy đủ những điều kiện này nhất quyết chưa cho thuê, giao đất, cho thuê rừng.
Bộ máy quản lý trung gian ở các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp phải thực sự chuyển sang cung cấp dịch vụ cho những người trực canh theo hợp đồng, thông qua đó, đặc biệt là cung ứng dịch vụ khoa học kỹ thuật và thương mại, mà liên kết các hộ sản xuất, hướng dẫn và ràng buộc họ bằng những điều khoản hợp đồng để tạo lập các vùng sản xuất quy mô lớn, thống nhất về quy trình kỹ thuật và chất lượng của sản phẩm đầu ra.
Qua nghiên cứu thực trạng quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường quốc doanh, GS.TS Trần Đức Viên nêu lên hai vấn đề cấp thiết cần giải quyết với diện tích đất nông lâm trường quốc doanh hiện nay, đó là thu hồi đất và đề ra giải pháp sử dụng đất có hiệu quả đối với diện tích đất nông lâm trường quốc doanh sau khi bị thu hồi.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội và Nghị quyết 22/NQ-CP ngày 01/3/2020, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ và các Chỉ thị, Thông báo, Quyết định… Vùng Tây Nguyên nói chung và các tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắc, Đắk Nông và Lâm Đồng) đã có nhiều cố gắng rà soát, đánh giá thực trạng của nông lâm trường quốc doanh.
Để đảm bảo mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất trên địa bàn Tây Nguyên, việc đề xuất các chính sách giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất trong thời gian tới là hết sức quan trọng. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng và vai trò then chốt trọng trong bài toán giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS để đồng bảo ổn định cuộc sống. Trong đó, chính sách đất đai có vai trò then chốt, tạo điều kiện cho các hộ đồng bào DTTS tiếp cận với tư liệu sản xuất.
Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản dưới luật có liên quan đến chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS cần xem xét, cân nhắc sửa đổi một số điều như: Sửa đổi Khoản 3 Điều 62; Khoản 1 Điều 64; Khoản 1 Điều 135 Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung Điều 7; khoản 1 Điều 40, Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Ngoài ra, cũng cần lồng ghép, thực hiện các chính 51 sách (đặc biệt là các địa phương không còn quỹ đất để bố trí) về chuyển đổi nghề nghiệp, xuất khẩu lao động, tín dụng, vay vốn. “Để nâng cao hiệu quả thực hiện cần thực hiện được một số chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên; việc thực thi các chính sách cần sự đồng thuận, thống nhất từ Trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của mỗi cá nhân trong toàn xã hội”, GS.TS Trần Đức Viên kiến nghị.