Ở một số nước, Quốc hội, Nghị viện có hình thức hoạt động là Điều trần, chất vấn; đối với Việt Nam, chúng ta không dùng thuật ngữ điều trần mà dùng thuật ngữ giải trình, chất vấn. Tuy nhiên, đây là những hoạt động có nhiều điểm tương đồng trong hoạt dộng của cơ quan dân cử.
Theo một nghiên cứu của Viện Ngân hàng thế giới năm 2001, trong số trên 80 nghị viện được khảo sát, có trên 90% nghị viện áp dụng điều trần trong hoạt động của Ủy ban. Điều trần của Ủy ban thường được quy định trong nội quy của nghị viện hoặc ở đạo luật về tổ chức và hoạt động của nghị viện như ở Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cũng theo một khảo sát của Liên minh nghị viện thế giới, có 71 trên 88 nước có quy định về điều trần tại Ủy ban của nghị viện.
Tuy nhiên, mức độ đề cập đến hoạt động điều trần ở văn bản của các nước tương đối khác nhau. Trong khi ở Malaysia, Nội quy của Hạ viện chỉ có một vài điều quy định một cách chưa rõ ràng về hoạt động điều trần thì Nội quy của Thượng nghị viện Nhật Bản lại dành riêng một mục để quy định về hoạt động này.
Nhìn chung, các văn bản này không định nghĩa cụ thể về hoạt động điều trần của ủy ban mà chỉ ghi nhận điều trần là một trong nội dung hoạt động của Ủy ban để phục vụ cho việc điều tra, thẩm tra, xem xét các vấn đề được chuyển đến Ủy ban.
Điều trần có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, đại diện của nghị viện các nước. Ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động này trong hoạt dộng Ủy ban của Quốc hội các nước được xem xét ở các khía cạnh như: công cụ để thu thập thông tin; góp phần tăng cường tính minh bạch; tranh thủ sự ủng hộ của người dân;...
PGS. TS Đinh Xuân Thảo – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp
Trên cơ sở nghiên cứu hoạt động điều trần ở Ủy ban của nghị viện một số nước trên thế giới, PGS. TS Đinh Xuân Thảo – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm trong đổi mới hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam:
Một là, có thể nói ở nhiều nước áp dụng điều trần tại Ủy ban nghị viện là các quốc gia có thể chế chính trị đa đảng, do đó, một chiều hướng khác, sự tìm kiếm, thu hút, tranh giành ảnh hưởng về mặt chính trị trong hoạt động điều trần tại các Ủy ban của nghị viện một số nước không tránh khỏi những yếu tố của cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ, đây là vấn đề cần tránh, bởi vì hoạt động này có xu hướng làm biến dạng, ảnh hưởng đến tính khách quan của vấn đề được đưa ra bàn thảo cũng như không phù hợp với đặc điểm của thể chế chính trị của nước ta.
Hai là, việc lựa chọn vấn đề yêu cầu báo cáo, giải trình cũng cần tính toán kỹ, vì việc đưa ra công khai bàn thảo những vấn đề còn đang ở giai đoạn thảo luận có thể có những tác động bất lợi đối với vận hành bình thường của đời sống kinh tế - xã hội trong những trường hợp nhất định; mặt khác, tính công khai của hoạt động giải trình cần phải có giới hạn, không áp dụng đối với các vấn đề liên quan đến bí mật nhà nước, quốc phòng, an ninh, chính sách đối ngoại, hay các vấn đề nhạy cảm khác.
Ba là, cần tránh yếu tố một chiều như cách thức diễn ra hoạt động điều trần ở cấp độ Ủy ban của nghị viện một số nước. Điều trần ở cấp độ Ủy ban trong nghị viện một số nước thường chỉ hỏi để lấy thông tin, dường như yếu tố đối thoại, tranh luận, trao đi đổi lại, việc tìm kiếm các giải pháp… thường không được thể hiện thật rõ. Hoạt động yêu cầu báo cáo, giải trình ở cấp độ ủy ban của Quốc hội nước ta cần hướng tới yếu tố tranh luận, đối thoại, hợp tác và một yêu cầu đặc biệt quan trọng là cần phải cùng hướng đến việc đưa ra các kiến nghị, giải pháp cụ thể cũng như kiến nghị, giải pháp về mặt chính sách nhằm xử lý những yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Bên cạnh đó, cần tránh những xu hướng phát triển có thể mang yếu tố tiêu cực trong việc tổ chức thực hiện điều trần ở một số nước: việc tham gia của các nhóm, các tổ chức xã hội một cách không hợp lý, thậm chí thái quá trong hoạt động này có thể mở đường cho việc thúc đẩy, tìm kiếm các lợi ích nhóm, lợi ích bộ phận một cách không chính đáng, có khả năng ảnh hưởng bất lợi đến vấn đề bảo đảm lợi ích chung trong quá trình hoạch định chính sách.
Bốn là, việc thực hiện yêu cầu báo cáo, giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cần phải bảo đảm yêu cầu chất lượng, sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong cách làm.
Năm là, việc tham khảo kinh nghiệm các nước cũng cho thấy, không có một khuôn mẫu chung cho hoạt động điều trần; các đặc điểm về tổ chức bộ máy nhà nước, sự vận hành của các yếu tố quyền lực chính trị, trình độ nhận thức, tâm lý, văn hóa pháp lý….quyết định nội dung và hình thức các quy định về điều trần ở cấp độ Ủy ban. Đây là điều cần lưu ý khi xây dựng các quy định để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về thẩm quyền yêu cầu báo cáo, giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta./.