BỘ MÁY TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA QUỐC HỘI CÒN PHÂN TÁN

25/08/2023

Bàn về công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, Ban Nội chính Trung ương cho rằng, bộ máy tổ chức thực hiện công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Quốc hội còn phân tán, chưa đáp ứng với khối lượng công việc đồ sộ.

Bàn về công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, Ban Nội chính Trung ương cho biết, hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Quốc hội chưa có một cơ chế bảo đảm thực hiện: Chưa có quy định của pháp luật đầy đủ, đồng bộ và toàn diện điều chỉnh về hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri, mặc dù, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 715/2004/NQ-UBTVQH11 (Nghị quyết số 715) “về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức gửi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội” và các Nghị quyết có liên quan thể hiện sự đột phá trong công tác dân nguyện. Căn cứ vào văn bản này, các cơ quan của Quốc hội sẽ xử lý đơn thư thuộc lĩnh vực mình phụ trách; nếu không thuộc lĩnh vực mình phụ trách thì chuyển đến Ban Công tác đại biểu hoặc Ban Dân nguyện để xử lý theo thẩm quyền.

PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, Ban Nội chính Trung ương 

Nhưng đây là một văn bản quy phạm pháp luật ủy quyền do cơ quan thường trực của Quốc hội ban hành nên tính pháp lý không cao, chỉ điều chỉnh nội bộ hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội. Xét về mối tương quan với các đạo luật như Luật về Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và các luật khác thì vẫn có sự khập khiễng về tính thứ bậc và tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Hơn nữa, nội dung của nó còn thể hiện sự thiếu vắng các quy định cụ thể về phạm vi giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng như trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện kết luận giám sát.

Đồng thời, các quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội còn chưa có tính khoa học cao. Đặc biệt, nhiều vấn đề trong khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực của nhiều ủy ban phụ trách thì giao cho cơ quan nào, Ban Dân nguyện lúc này không phải là cơ quan của Quốc hội thì có chức năng giám sát việc giải quyết không. Đây là một vấn đề đáng phải bàn.

Trong khi đó, theo Nghị quyết số 1156, Ban Dân nguyện được giao xử lý đối với tất cả các đơn thư mà công dân đề gửi Lãnh đạo Quốc hội, Ban Dân nguyện, Văn phòng Quốc hội và đơn thư do lãnh đạo Quốc hội giao, các cơ quan của Quốc hội chuyển đến. Đây là một quy định giải quyết được thực trạng tiếp nhận đơn gửi đến Quốc hội ngày càng nhiều và phần nào giải quyết được thực trạng giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội hiện nay. Song cần thấy tính khoa học chưa cao, đặc biệt là khoa học tổ chức. Bởi lẽ, Ban Dân nguyện là cấu trúc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại phải làm chức năng tương tự như của các cơ quan thuộc cấu trúc của Quốc hội. Bên cạnh đó, Luật Khiếu nại lại quy định các cơ quan của Quốc hội chỉ chuyển những đơn khiếu nại của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi phát hiện có vi phạm pháp luật. Do đó, trong thực tế, nếu chỉ xem xét đơn khiếu nại, tố cáo thì trong nhiều trường hợp khó có thể khẳng định là cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước đã có vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nên việc chuyển đơn khiếu nại của công dân có thể thực hiện cũng có thể không thực hiện mà không thể quy kết trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

PGS.TS Trương Thị Hồng Hà cho rằng, hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri chưa phải nội hàm thống nhất với tên gọi là công tác dân nguyện của cơ quan đại biểu cao nhất cao nhất của Nhân dân. Do đó, chưa có sự thống nhất trong cách hiểu về nội dung của công tác dân nguyện. Vẫn có cách hiểu đồng nhất giữa công tác dân nguyện với công tác tiếp dân, công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri.

Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức thực hiện công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Quốc hội còn phân tán, chưa đáp ứng với khối lượng công việc đồ sộ. Các cơ quan của Quốc hội chú trọng nhiều tới công tác thẩm tra xây dựng Luật, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật theo phạm vi lĩnh vực được phân công nên chưa quan tâm nhiều tới công tác xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Hơn thế nữa, đây là lĩnh vực nhạy cảm, chịu nhiều sức ép về thời gian, khối lượng công việc, sức ép của đối tượng khiếu nại, tố cáo, sức ép của dư luận xã hội và những vấn đề tế nhị khác từ phía cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó, mặc dù là hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri mang tính quyền lực nhà nước cao nhất, song trên thực tế, hoạt động này chưa thể hiện được ưu điểm nội trội đó.

Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là một thẩm quyền về nội dung của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, song trên thực tế thì gắn với công tác dân nguyện hiện nay, hoạt động này phụ thuộc nhiều vào sự đảm nhiệm của Ban Dân nguyện của Quốc hội và cán bộ của Vụ Dân nguyện. Về cách thức biểu hiện, đáng ra phải là giám sát việc giải quyết thì hiện nay, đang thể hiện dưới hình thức là hoạt động chuyển đơn thư là chủ yếu. Hơn nữa, Luật giao cho đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện luật khiếu nại, tố cáo là “bất khả thi” trong cơ chế hiện nay đại biểu Quốc hội phần lớn là kiêm nhiệm, không có bộ máy giúp việc phù hợp với khối lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Hồ Hương