LÀM RÕ LIỆU CÓ DẤU HIỆU THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ TRONG BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT HAY KHÔNG

13/09/2023

Đóng góp ý kiến vào báo cáo công tác của Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Ủy ban TVQH đề nghị cần làm rõ liệu có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hay không; đồng thời tập trung đánh giá tác động của các văn bản ban hành sai để đề xuất xử lý nghiêm sai phạm…

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC ĐÃ XÂY DỰNG QUY TRÌNH KIỂM TOÁN VỤ VIỆC CÓ DẤU HIỆU THAM NHŨNG

LỰA CHỌN KIỂM TOÁN TRỌNG ĐIỂM, CHUYÊN ĐỀ ĐỂ CÔNG KHAI VÀ GIÁM SÁT

Thực hiện Phiên họp thứ 26, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước.

Một trong những nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là làm rõ những sai phạm trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; chính sách ban hành văn bản chậm đi vào cuộc sống…

Toàn cảnh Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, năm 2023, Kiểm toán nhà nước cũng đã tập trung triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình kiểm toán theo chủ trương của Trung ương và kiểm toán chuyên đề phục vụ các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hoạt động kiểm toán cũng đã giảm số đoàn giám sát, nhiệm vụ giám sát, khắc phục tình trạng các đoàn kiểm toán cùng một địa bàn. Thời gian qua, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đã đạt nhiều kết quả, góp phần không nhỏ đối với việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị trong báo cáo làm rõ thêm một số nội dung đã làm nhưng chưa thể hiện ở trong báo cáo.

Thứ nhất là trong báo cáo chưa phản ánh kết quả triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán đối với các đoàn kiểm toán, chuyên đề kiểm toán, nhiệm vụ kiểm toán như: Số nhiệm vụ đã hoàn thành, chưa hoàn thành, thời gian thực hiện báo cáo kiểm toán theo kế hoạch. Thứ hai là trong báo cáo nêu là có 90 văn bản quy phạm pháp luật qua kiểm toán phát hiện có quy định không phù hợp với thực tiễn và không thống nhất với hệ thống pháp luật và Kiểm toán nhà nước kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Với lý lẽ nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Kiểm toán Nhà nước báo cáo làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan, khách quan, có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc ban hành các văn bản này hay không, có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội do chính sách ban hành chậm đi vào cuộc sống không, kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan tại các báo cáo kết luận kiểm toán đã làm rõ chưa? Nếu đưa được các nội dung này thì kết quả kiểm toán sẽ mang tính bao quát, toàn diện và hiệu quả.

Liên quan đến nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Kiểm toán Nhà nước tư vấn phải sâu sát, phản biện phải sắc bén hơn, xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn, nhất là sai phạm trong ban hành văn bản. Năm nay, tập trung đánh giá tác động của các văn bản ban hành sai để đề xuất xử lý nghiêm sai phạm vì thực tế ban hành ra nhiều “giấy phép con”, văn bản không đúng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đóng góp ý kiến vào các báo cáo kiểm toán, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao kết quả các cuộc kiểm toán đã đảm bảo chất lượng và đã chỉ ra được nhiều tồn tại, thiếu sót cũng như yêu cầu cần chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo tổng hợp sơ bộ kết quả 8 tháng đầu năm, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị về xử lý đạt 67,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2022.

Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều đổi mới trong hoạt động. Những tồn tại, hạn chế được chỉ ra cũng đã có nội hàm cụ thể hơn, có phụ lục chi tiết, đánh giá những khó khăn, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua và có lộ trình phân định trách nhiệm, kết quả khắc phục, kiến nghị tập trung vào những vấn đề mà dư luận và cử tri đang quan tâm như tái cơ cấu định giá ngân hàng, mua bắt buộc, vấn đề năng lượng, giá điện, điện mặt trời...

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cần làm rõ hơn một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cũng như là những kiến nghị chuyển ra các cơ quan chức năng để xử lý. Ngoài những nội dung dự kiến trong kế hoạch kiểm toán năm 2024 về chuyên đề đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin tại các Bộ đã sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước lớn, kiểm toán chuyên đề về ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng công trình, tài chính, ngân hàng, quốc phòng và an ninh thì cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước cân nhắc tập trung vào một số chuyên đề trọng tâm như là giải ngân vốn đầu tư công, các dự án trọng điểm quốc gia, một số tồn tại của ngành điện; vấn đề về năng lượng, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Đây là những vấn đề mà cử tri rất quan tâm nên Kiểm toán Nhà nước có thể nghiên cứu những nội dung đề xuất, cân nhắc để đưa vào nội dung kiểm toán năm 2024./.

Bích Lan