TOÀN CẢNH CHUYẾN THĂM CHÍNH THỨC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN BANGLADESH CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại khu vực Trung và Đông Âu đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria Đỗ Hoàng Long về mục đích, ý nghĩa chuyến thăm.
Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria Đỗ Hoàng Long. Ảnh: TTXVN phát
Theo Đại sứ Đỗ Hoàng Long, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Bulgaria có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ hai nước. Đây là chuyến thăm chính thức cấp cao đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau khi Bulgaria thành lập được Quốc hội và Chính phủ mới, thể hiện sự coi trọng các nước bạn bè truyền thống của Việt Nam, cũng như mong muốn Bulgaria sẽ trở thành cầu nối để thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và các nước Liên minh châu Âu (EU). Theo Đại sứ, chuyến thăm nhận được sự ủng hộ rộng rãi và đón chào của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, nhân dân Bulgaria. Mặc dù chuyển đổi thể chế chính trị từ năm 1989 đến nay, song Bulgaria vẫn luôn coi Việt Nam là một người bạn thủy chung và là một trong những đối tác quan trọng nhất ở khu vực Đông Nam Á. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bulgaria đã và đang trên đà phát triển tích cực và còn nhiều dư địa để thúc đẩy trên tất cả các lĩnh vực. Đại sứ nhấn mạnh, chuyến thăm góp phần khẳng định quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp tục đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, hướng tới Đối tác chiến lược và kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Bulgaria (8/2/1950-8/2/2025).
Ngày 8/2/1950, Bulgaria là một trong 10 quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước, Việt Nam đã luôn nhận được sự ủng hộ quý báu cả về vật chất và tinh thần của Chính phủ và nhân dân Bulgaria. Nhiều công trình kinh tế, giáo dục, y tế tại Việt Nam đã được xây dựng với sự giúp đỡ về vật chất, kỹ thuật, sự lao động quên mình của các chuyên gia Bulgaria. Trên 30.000 người Việt Nam đã làm việc, học tập tại Bulgaria vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước để trở thành những nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư hàng đầu của Việt Nam, những người vẫn đã và đang tích cực tham gia đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Đây là tài sản vô giá, là những nhân tố tích cực góp phần gắn kết quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Bulgaria.
Đại sứ Đỗ Hoàng Long đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tập trung củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống, là dịp để cùng trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm; thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, nhất là trên các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, lao động và hợp tác giữa các địa phương. Đây cũng là dịp để lãnh đạo cấp cao Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, vì hòa bình, hợp tác phát triển, khẳng định Việt Nam tiếp tục là bạn, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy trao đổi, giao lưu văn hóa và nhân dân, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam vươn lên và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.
Về hợp tác nghị viện giữa hai nước, Đại sứ Đỗ Hoàng Long cho biết hai nước có mối quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống tốt đẹp, thể hiện qua nhiều chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao, trong đó hợp tác nghị viện có thể coi là điểm sáng trong quan hệ. Nhân dịp chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Tsetska Tsacheva vào tháng 4/2012, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Bulgaria, tạo cơ sở pháp lý để tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước. Kể từ đó đến nay, Quốc hội hai nước luôn duy trì các hoạt động trao đổi đoàn nghị viện. Hai bên cũng tích cực thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực lập pháp, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trong việc cải cách các văn bản pháp luật, tư pháp, hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền, luật về phòng chống tham nhũng. Đại sứ bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm tới đây của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ mở ra chương mới trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước nói chung và giữa Quốc hội hai nước nói riêng.