GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: NHẬN DIỆN RÕ KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC ĐỂ CÓ GIẢI PHÁP PHÙ HỢP BẢM BẢO THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KT -XH

25/10/2023

Góp ý về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, dự báo xu hướng phát triển để hoạch định chính sách, giải pháp phát triển KTXH năm 2024 và các năm tiếp theo...

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/10: BÁO CÁO TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KT-XH; BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KT-XH...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024

Báo cáo trước Quốc hội tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu tổng quát năm 2024 tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Đồng thời, quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền; nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước...

Để đạt được mục tiêu này, đại biểu Đặng Thuần Phong – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, cần nhận diện đúng các vấn đề của nền kinh tế năm 2023 cũng như kết quả phát triển kinh tế - xã hội nửa nhiệm kỳ qua, từ đó tính toán các giải pháp, thiết kế các chính sách phù hợp cho năm 2024 và nửa nhiệm kỳ còn lại.

Đại biểu Đặng Thuần Phong – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre 

Theo đại biểu, để đánh giá thực trạng của nền kinh tế trước hết cần nhìn vào ngân sách, có thể thấy quy mô của ngân sách đang thu hẹp dần. Thu nội địa giảm, trong đó nguồn thu này chủ yếu từ đất đai, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, dầu khí; còn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh là bản chất của thu nội địa thì lại không đạt chỉ tiêu, cho thấy kinh tế phát triển chưa bền vững, đặt ra nhiều thách thức cho tương lai. Ngoài ra, vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương giảm trong nhiều năm liền, Ngân sách địa phương nhiều tỉnh đạt nhưng không sát dự toán, không đều, vẫn còn nhiều địa phương thu ngân sách chưa đạt. Cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước không đạt và gần như đóng góp không đáng kể cho ngân sách, nhiều doanh nghiệp nhà nước dường như trì hoãn không muốn thoái vốn, đây là vấn đề đã được các đại biểu góp ý nhiều năm nhưng chưa có chuyển biến. Từ thực tế này, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá và nghiêm túc xử lý vì đây là vấn đề về trách nhiệm, chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Bến Tre cho rằng cần nhìn nhận vào các thị trường để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế. Các thị trường nhìn chung đều không ổn định: thị trường bất động sản đóng băng; thị trường trái phiếu trầm lắng, nhất là trái phiếu doanh nghiệp; thị trường xuất nhập khẩu bị thu hẹp; thị trường tài chính, tiền tệ nhiều rủi ro, giảm tính thanh khoản trong ngân hàng và nợ xấu thì đang báo động; thị trường nội địa không kích cầu được, tiêu dùng dân cư giảm; các thị trường ngầm thì chưa quản lý được (cho vay nặng lãi, bảo kê, rửa tiền…vẫn tồn tại).

Cũng theo đại biểu, sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể cao, số thành lập mới giảm. Thị trường lao động có nhiều biến động, số lượng lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng như số rút bảo hiểm xã hội một lần đều tăng và chậm trở lại thị trường lao động. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như chỉ số tín dụng trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 6%, doanh nghiệp và người dân không dám đầu tư mới. Tình hình thế giới phức tạp, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra;… Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nhận diện đầy đủ những khó khăn, thách thức nêu trên, phân tích, đánh giá các nguyên nhân, dự báo các xu hướng để hoạch định các chính sách, giải pháp điều hành kinh tế- xã hội phù hợp trong thời gian tới

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Cùng quan điểm, đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2024 còn rất nhiều khó khăn, nhiều yếu tố bất định ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH của nước ta. Vì vậy, công tác đánh giá, dự báo tình hình, xu hướng phát triển là vô cùng quan trọng để có thể hoạch định chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo.

Đồng tình với nhiều giải pháp được nêu tại Báo cáo của Chính phủ, đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị cần phải tiếp tục duy trì nỗ lực và quyết liệt hơn trong những năm tiếp theo và trong những tháng còn lại của cuối năm. Theo đó, cần khơi thông mọi nguồn lực và tận dụng mọi cơ hội mà chúng ta đã và đang có để tiếp tục phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị, cần tập trung tháo gỡ dứt điểm khó khăn vướng mắc một số điểm nghẽn liên quan đến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; tháo gỡ các dự án còn dang dở. Đồng thời, cần quan tâm và phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế.  Theo đó, cần sớm trình rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp 

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, thách thức trong thực hiện mục tiêu. Do đó, để thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, cần tiếp tục phân tích làm rõ nguyên nhân những tồn tại hạn chế vừa qua đồng thời nhận diện đầy đủ những xu hướng phát triển, các yếu tố ảnh hưởng để có giải pháp căn cơ khắc phục trong thời gian tới.

Nhận định chỉ tiêu về năng suất lao động, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP là chỉ tiêu phản án chất lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, hai chỉ tiêu này đều chưa đạt mục tiêu, trong đó riêng chỉ tiêu về năng suất lao động đã 03 năm liên tục đều không đạt, chứng tỏ chất lượng của nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, nguyên nhân không đạt chưa được đánh giá, phân tích kỹ lưỡng. Do đó, đại biểu đề nghị cần có đánh giá, phân tích thấu đáo hơn về nội dung này để từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng lưu ý, cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có dự báo và giải pháp chính sách kịp thời., phù hợp với từng giai đoạn. Trong đó, chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ;…./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh