CÂN NHẮC VIỆC TÍCH HỢP MÃ QR CÙNG VỚI CHIP ĐIỆN TỬ TRÊN THẺ CĂN CƯỚC

25/10/2023

Đóng góp vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc việc tích hợp mã QR cùng với chip điện tử trên thẻ căn cước nhằm đảm bảo thông tin cá nhân của người dân, tránh bị lộ lọt ra bên ngoài...

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 25/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT CĂN CƯỚC

ĐBQH VƯƠNG THỊ HƯƠNG: CÂN NHẮC QUY ĐỊNH BẮT BUỘC BỔ SUNG THÔNG TIN SINH TRẮC HỌC VỀ ADN TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU CĂN CƯỚC

Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 25/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là về cân nhắc việc tích hợp mã QR cùng với chip điện tử trên thẻ căn cước.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đóng góp vào nội dung trên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng ý với việc quy định sử dụng thẻ căn cước gắn chip được tích hợp thông tin nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính và các giao dịch khác. Không xung đột với các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên. Không ảnh hưởng đến chức năng quản lý của cơ quan nhà nước có liên quan với các giấy tờ dữ liệu đang quản lý. Trong điều kiện mà bảo đảm và bảo mật an toàn thông tin cho đối tượng có thẻ.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc có trao đổi về ý kiến cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để cho cử tri và nhân dân nắm bắt được các quy định mới để việc tác động đến tâm lý đối với những quy định này không tạo ra những dư luận không tốt về các luật Quốc hội xem xét, thông qua.

Liên quan đến việc Ban soạn thảo dự thảo Luật đề nghị song song với việc gắn chip là việc sử dụng mã QR, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị cân nhắc theo hướng chỉ dùng chip điện tử trên thẻ căn cước là đảm bảo các điều kiện sử dụng, khai thác thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự mà không nên tích hợp mã QR cùng với chip điện tử trên thẻ căn cước. Lý do, vì qua các vụ việc lộ lọt thông tin cá nhân, tài khoản từ sơ suất, từ rủi ro khi sử dụng dịch vụ, tiện ích quản lý thông tin cá nhân với thực trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian qua và hiện nay rất tinh vi thì việc tích hợp mã QR trên căn cước sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dễ bị đánh cắp thông tin. Đặc biệt, với người ít có điều kiện tiếp cận công nghệ hoặc thường xuyên dính sử dụng các dịch vụ tiện ích và giao dịch dân sự.

Đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định.

Đồng thuận với cân nhắc việc tích hợp mã QR cùng với chip điện tử trên thẻ căn cước, đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật cũng như Bộ Công an quan tâm vấn đề này vì đây là vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Bởi mã QR này dễ khai thác thông tin, dễ lộ lọt thông tin nếu như người ta muốn khai thác thông tin của mình.

Đóng góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thống nhất về sự cần thiết cấp thẻ căn cước điện tử cho công dân. Ngoài căn cước gắn chip, chúng ta sẽ tiếp tục gắn căn cước điện tử để làm sao đảm bảo cho Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là một trong 70 quốc gia sẽ đứng đầu về Chính phủ điện tử, đây là một vấn đề rất lớn. Thẻ căn cước công dân có gắn chip hoặc gắn chip điện tử rất có lợi cho công dân, chúng ta sử dụng sẽ tích hợp nhiều nội dung đối với người dân, sẽ có lợi ích rất tốt.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ Công an giải thích thêm vì nhiều người dân đặt vấn đề là khi mang thẻ căn cước có gắn chip, thẻ căn cước điện tử, đi đến đâu đó thì có khi nào Bộ Công an hay công an có theo dõi hay không?

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Với những ý kiến, đề xuất của các ĐBQH, thay mặt cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Căn cước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã có sự giải trình trước Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, dự thảo Luật căn cước không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về căn cước, đáp ứng các yêu cầu mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội. Dự thảo Luật cũng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và chuyển đổi số của nước ta theo mục tiêu của Đề án 06 của Chính phủ đang triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Trước ý kiến băn khoăn về phản ánh của nhân dân về việc khi sử dụng chip hoặc mã QR thì có bị theo dõi không, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử, mã QR và căn cước điện tử không bị theo dõi và không thể theo dõi được. Bộ Công an hay bất cứ một cơ quan nào không được theo dõi và không thể theo dõi được trên cấu tạo của thẻ này. Đồng thời, Bộ Công an cũng phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho con người, cho công dân, cho những người sử dụng thẻ căn cước này không bị theo dõi bởi bất kể một tổ chức, cá nhân nào; không thể lợi dụng được những việc đó để theo dõi việc này, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn về dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp. Đây có thể là những thông tin mà những đối tượng xấu tung tin ra để gây hoang mang trong nhân dân./.

Bích Lan