TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 25/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Quốc hội nghe Tờ trình và thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cổng Thông tin điện tử sẽ liên tục cập nhật nội dung thông tin:
8h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, sáng nay, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng nay, Quốc hội sẽ nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
8h01: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế (Cảng HKQT) Long Thành; nghị quyết về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án Cảng HKQT Long Thành thành Dự án thành phần (DATP); Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi (Báo cáo NCKT) Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Cảng HKQT Long Thành (sau đây gọi là Dự án), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Báo cáo NCKT Dự án tại Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 6 tháng 11 năm 2018.
Trong quá trình triển khai, một số nội dung của Dự án có thay đổi so với chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội thông qua tại các Nghị quyết vì vậy Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua một số nội dung thay đổi trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định điều chỉnh Báo cáo NCKT Dự án; Hội đồng thẩm định Nhà nước đã có báo cáo số 2663/BC-HĐTĐNN ngày 07 tháng 4 năm 2023 về việc kết quả thẩm định điều chỉnh Dự án.
Theo đó, các nội dung điều chỉnh gồm: (1) Điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư; (2) Điều chỉnh giảm diện tích thu hồi đất; (3) Bổ sung bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 02 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn không làm tăng tổng mức đầu tư, không tăng diện tích đất thu hồi của Dự án. Do đó, căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 43 Luật Đầu tư công, các điều chỉnh này không thuộc trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và thẩm quyền điều chỉnh là của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 94/2015/QH14, Điều 2 Nghị quyết số 38/2017/QH14, Chính phủ báo cáo Quốc hội các nội dung điều chỉnh trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Dự án.
Nội dung điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án kéo dài thời gian bố trí vốn đến năm 2024 thuộc thẩm quyền của Quốc hội do làm tăng thời gian thực hiện dự án so với một số chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt tại khoản 3, Điều 1 Nghị quyết 53/2017/QH14, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua để có cơ sở triển khai thực hiện các công việc tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo lý do điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện và bố trí vốn cho Dự án; đồng thời để có cơ sở triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho Dự án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua: Kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024; Kéo dài thời gian giải ngân đối với số vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và số vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đến hết ngày 31/12/2024 để tiếp tục bố trí vốn thực hiện, hoàn thành Dự án.
Kiến nghị đưa vào Nghị quyết Quốc hội: “Cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng đến hết năm 2024”.
8h17: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì thẩm tra Tờ trình về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Về sự cần thiết và thẩm quyền điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, theo Tờ trình, các nội dung đề nghị điều chỉnh bao gồm: (i) điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư Dự án; (ii) điều chỉnh diện tích đất thu hồi; (iii) điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và kéo dài thời gian giải ngân; (iv) bổ sung nội dung về bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 02 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Trong các nội dung đề nghị điều chỉnh như trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh đối với nội dung về điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và kéo dài thời gian giải ngân vốn với các lý do như đã được phân tích tại Tờ trình.
Ủy ban Kinh tế cho rằng theo quy định tại Điều 35 và khoản 3 Điều 43 của Luật Đầu tư công, việc điều chỉnh các nội dung của Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù của Nghị quyết số 53/2017/QH14 và với đề nghị điều chỉnh làm thay đổi nội dung tại Điều 1 của Nghị quyết số 53/2017/QH14, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14, trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án là cần thiết nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Dự án, nhất là đối với việc điều chỉnh về thời gian thực hiện Dự án. Việc xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đề nghị đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6, không ban hành Nghị quyết riêng về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14.
Ủy ban Kinh tế cho rằng Hồ sơ đề nghị điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Về điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chính phủ kiến nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện Dự án “đến hết năm 2024”. Ủy ban Kinh tế nhất trí với kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2024 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như triển khai công tác giải ngân cho Dự án.
Về kéo dài thời gian giải ngân vốn, theo Tờ trình, tổng mức đầu tư Dự án kiến nghị điều chỉnh là hơn 19 nghìn tỷ đồng; lũy kế giải ngân đến thời điểm hiện nay là hơn 16 nghìn tỷ đồng. Nhu cầu vốn để tiếp tục thực hiện, hoàn thành Dự án là 2.510,372 tỷ đồng. Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng đến hết năm 2024.
Ủy ban Kinh tế cho rằng việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn là cần thiết, tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần làm rõ số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 đã được chuyển nguồn hay chưa, có đủ điều kiện để báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài phần vốn này đến hết năm 2024 hay không.
Về nội dung đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với nội dung kiến nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 558/TTr-CP để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6. Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát và hoàn thiện nội dung này để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6.
8h27: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tiếp theo chương trình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
8h28: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tại Điều 3, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị tập trung vào các nội dung như: thống nhất quản lý về tài nguyên nước và có sự phân công, phân cấp; gắn bảo đảm an ninh nguồn nước với an ninh, chủ quyền quốc gia; quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông; điều hoà, phân phối hiệu quả tài nguyên nước.
Tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.
Có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra tại khoản 1 Điều 3.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, dự thảo Luật đã quy định rõ căn cứ, nguyên tắc, giải pháp, kịch bản, phương án điều hoà phân phối tài nguyên nước và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, được thể hiện tại Điều 35 của dự thảo Luật.
Đồng thời dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước tại khoản 1 Điều 36; trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan và UBND cấp tỉnh trong thực hiện điều tiết nguồn nước, quyết định việc hạn chế phân phối, sử dụng nước; quyết định việc sử dụng các nguồn nước hiện có trên địa bàn; chỉ đạo huy động nguồn nước trong phạm vi quản lý để chủ động khắc phục tình trạng thiếu nước, bảo đảm nước cho sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác tại khoản 2 Điều 36.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung nguyên tắc cấp phép như: bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan trong khai thác nước; không gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước … tại Điều 55 dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định hoạt động khai thác nước dưới đất quy mô hộ gia đình để sử dụng cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng phải thực hiện kê khai như quy định tại khoản 2 Điều 52 nhằm quản lý chặt chẻ việc khai thác nước dưới đất, bảo vệ nước dưới đất và phòng, chống tác hại do việc khai thác nước dưới đất không kiểm soát gây ra và giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 9 Điều 52. Đồng thời, khoản 3 Điều 85 dự thảo Luật cũng quy định thời điểm có hiệu lực của quy định này từ 01/7/2026, tức là 02 năm sau khi Luật có hiệu lực thi hành để bảo đảm tính khả thi. Chính phủ cũng đồng thuận về quan điểm chính sách với UBTVQH và cũng đã bổ sung báo cáo đánh giá tác động về nội dung này kèm theo Báo cáo số 576/BC-CP.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, trên nguyên tắc phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước và ngược lại bảo đảm an ninh nguồn nước không kìm hãm phát triển kinh tế, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 59 quy định về sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, thể hiện ở 03 mức độ áp dụng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta.
Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể hóa nội dung kinh tế nước tại Chương VI về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước và quy định một trong những nguyên tắc quản lý tài nguyên nước tại khoản 6 Điều 3 về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; Điều 70 quy định về dịch vụ về tài nguyên nước, Điều 71 quy định về hạch toán tài nguyên nước và Điều 74 về xã hội hóa đầu tư phát triển, tích trữ.
Cùng với đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ và các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng để tránh chồng chéo về chức năng và phạm vi quản lý giữa các Bộ có liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong quản lý khai thác, sử dụng nước và thể hiện như Điều 79 dự thảo Luật.
8h42: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, đại biểu Nguyễn Đức Hải cho biết, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)…
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về dự án Luật này. Cùng với đó, dự thảo Luật cũng đã được gửi xin ý kiến Chính phủ và các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu và các nội dung còn có nhiều ý kiến tham gia như đề xuất của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, các đại biểu phát biểu đi thẳng vào vấn đề. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp giải trình làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
8h43: Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên: Xem xét lại quy định kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá là nguồn nước
Bày tỏ đồng tình với nhiều quy định trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho biết, hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện hơn dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét lại quy định kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá là nguồn nước, được quy định tại khoản 2 Điều 2 dự thảo luật, do kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá là các công trình vật thể chứa nước, không phải là nguồn nước. Cần tránh chồng chéo việc quy định bảo vệ nguồn nước với các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.
Khoản 4, Điều 2 Luật Thủy lợi quy định, thủy lợi nội đồng là công trình kênh, mương, rạch, đường ống dẫn nước tưới, tiêu nước trong phạm vi từ điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đến khu đất canh tác. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ để quy định trong Luật Tài nguyên nước đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo với quy định này.
08h47: Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Quy định về kê khai đăng kí cấp phép tài nguyên nước là phù hợp
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đánh giá hồ sơ dự án luật được chuẩn bị đầy đủ nhiều thông tin, tạo điều kiện cho các cho đại biểu nghiên cứu phát biểu góp ý.
Góp ý đối với quy định về kê khai đăng kí cấp phép tài nguyên nước, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh bày tỏ hoàn toàn thống nhất với quy định về việc kê khai đăng ký, cấp phép tài nguyên nước được quy định tại dự thảo Luật. Đại biểu cho biết, công tác cấp phép tài nguyên nước đã được triển khai thực hiện khá hiệu quả trong thời gian qua. Việc cấp phép tài nguyên nước là một trong các biện pháp để quản lý, kiểm soát được hoạt động khai thác nước của tổ chức, cá nhân. Từ đó đánh giá được nhu cầu khai thác, sử dụng nước để có các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên nước phù hợp. Đồng thời, việc cấp phép tài nguyên nước và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cũng góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên nước. Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh cho rằng, trong bối cảnh nguồn nước có nguy cơ ngày càng thiếu hụt không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì việc bổ sung đối tượng phải kê khai, đăng ký về tài nguyên nước là phù họp.
Theo đại biểu Lê Thị Ngọc Linh, dự thảo Luật sửa đổi lần này quy định lộ trình thực hiện việc kê khai thác nước dưới đất để sử dụng cho mục đích sinh hoạt được thực hiện từ ngày 1/7/2026 là phù hợp. Dự thảo Luật cũng quy định do Chính phủ quy định chi tiết, trình tự, thủ tục kê khai, đề xuất Chính phủ quy định việc kê khai nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện với quy trình, thủ tục đơn giản để tạo thuận lợi cho người dân chấp hành quy định kê khai.
Ngoài ra, dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi lần này đã giải quyết cơ bản vấn đề giao thoa, chồng chéo, tách bạch giữa quản lý tổng hợp, thống nhất về tài nguyên nước với quản lý vận hành công trình khai thác, sử dụng nước như công trình thủy lợi, thủy điện cấp nước, đô thị, nông thôn, cấp nước, công nghiệp, dịch vụ giao thông thủy.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh cũng đề xuất Chính phủ cần có quy định Cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký cấp phép đối với các công trình thủy lợi đơn giản, thuận lợi để nhanh chóng nắm bắt được hoạt động khai thác nước đối với các công trình thủy lợi phục vụ cho công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan đôn đốc triển khai việc đăng ký cấp phép khai thác nước của các công trình thủy lợi sau khi luật được ban hành.
8h51: Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Quy định chi tiết cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin tài nguyên nước
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh bày tỏ nhất trí, đồng tình cao với báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Quan tâm tới quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, đại biểu cho biết, khoản 7 Điều 7 dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 51 của luật này và pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, Điều 51 chủ yếu quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về xây dựng, vận hành, di chuyển, thay đổi, giải thể trạm quan trắc và giám sát khai thác tài nguyên nước, không quy định về nội dung thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước. Do đó, đại biểu đề nghị quy định chi tiết tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin theo Điều 51...
Về quy hoạch tài nguyên nước, khoản 1 Điều 12 quy định quy hoạch tài nguyên nước bao gồm ba loại quy hoạch gồm quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh và quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia. Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị xem xét bổ sung quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.
Theo đại biểu, tại mục 5 Phụ lục 2 Luật Quy hoạch năm 2017 và khoản 4 Điều 9 dự thảo Luật đều có quy định về quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.
8h56: Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chất lượng nguồn nước
Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quản lsy tài nguyên nước. Ban soạn thảo cần xác định rõ mục tiêu môi trường và xác định chất lượng nguồn nước; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chất lượng nguồn nước…
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng đề nghị bổ sung quy định về chức năng ban hành tiêu chuẩn chất lượng và chất lượng nguồn nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào dự thảo luật. Trong trường hợp tiêu chuẩn chất lượng của nước liên quan đến hoạt động thuộc quyền quản lý của cơ quan khác, cần quy định sự phối hợp giữa các cơ quan, cũng như chỉ ra cơ quan chủ quản quản lý để tránh chồng chéo về mặt thẩm quyền.
Đại biểu lấy ví dụ tại điểm 3 Điều 43 chưa phân định rõ thẩm quyền của hai cơ quan là Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; cũng như chưa rõ về cơ chế phối hợp để rà soát và việc khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt. Do đó, đại biểu đề nghị cần tách riêng thẩm quyền của hai cơ quan để tránh chồng chéo trong quản lý.
Đại biểu cũng đề nghị cần chỉ rõ pháp luật về bảo vệ môi trường gồm những luật gì, bởi tại khoản 3 Điều 59 đã nêu việc sử dụng nước thải và tái sử dụng nước được thực hiện theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo đại biểu, để áp dụng thống nhất trong hệ thống pháp luật cần phải quy định rõ hơn.
Ngoài ra, cần cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của cá nhân tổ chức được cấp giấy phép về tài nguyên nước do chưa có quy định về vấn đề này cũng như bổ sung phạm vi hoạt động của từng loại giấy phép.
09h02: Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Làm rõ việc phân vùng chức năng nguồn nước
Góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung các quy định thể chế hóa 4 nhóm chính sách lớn về: bảo đảm an ninh nguồn nước, xã hội hóa ngành nước, kinh tế bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác…
Để tránh chồng chéo và khó áp dụng trong thực tế, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm lãm rõ khoản 5 Điều 22 về việc phân vùng chức năng nguồn nước được xác định trong quy hoạch sông liên tỉnh, quy hoạch tỉnh và nguồn nước nội tỉnh, đề nghị bổ sung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra. Trong quy hoạch tỉnh, cùng với việc phân vùng, chức năng nguồn nước được xác định trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.
Tại điểm h, i khoản 2 Điều 42, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm những sản lượng cấp, khai thác để có thể linh động hơn trong các điều kiện bất thường về thời tiết và từ thực tiễn yêu cầu sản xuất kinh doanh cũng như phục vụ đời sống của nhân dân.
Nhằm tránh chồng chéo với các quy định về quản lý xả thải được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, đại biểu đề nghị xem xét nội dung bơm, hút nước để tháo khô lượng trong đáy khai thác khoảng sản tại điểm c khoản 3 Điều 52.
9h08: Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cần bổ sung quy định về thời điểm lập hồ sơ khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật. Đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét, bổ sung nội dung quy định về thời điểm lập hồ sơ khai thác, sử dụng tài nguyên nước so với thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý khác có liên quan.
Đại biểu cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung vào các điều khoản trong dự thảo luật để thể hiện rõ nét hơn chủ trương kinh tế hóa việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bám sát cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bổ sung đầy đủ đánh giá tác động đối với các chính sách mới và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta hiện nay.
Khoản 5 Điều 5 của dự thảo luật quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, điều chỉnh, ban hành danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh. Đại biểu đề nghị bổ sung “nguồn nước dưới đất” vào nội dung khoản này. Tại khoản 2 Điều 23, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, không đưa “hồ thủy lợi” vào lập hành lang bảo vệ nguồn nước, vì công trình thủy lợi đang thực hiện theo quy định của Luật Thủy lợi.
9h12: Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Làm rõ vai trò của cơ quan quản lý lưu vực sông
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Thủy- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, dự thảo Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội…
Đi vào góp ý cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là các chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch điều hòa, khai thác, sử dụng nước, giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái... để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông, phân định rõ hơn giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác sử dụng trong các lưu vực sông trong thời gian tới.
9h16: Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Tăng ứng dụng phát triển khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng dự thảo Luật lần này đã bổ sung nhiều quy định mới, trong đó nhiều nội dung quy định xuất phát từ thực tiễn quản lý thời gian qua và những vấn đề hiện nay và trong thời gian tới.
Quan tâm đến việc phát triển khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị nghiên cứu giải pháp xử lý nước biển thành nước ngọt nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước
Về bảo vệ nguồn nước mặt, đại biểu Nguyễn Hữu Thông thống nhất Điều 21 dự thảo Luật đã quy định mang tính nguyên tắc bảo vệ hành lang bảo vệ nguồn nước mặt, chủ động, tích cực lưu trữ, duy trì dòng chảy…Để hoàn thiện hơn nội dung này, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý, tăng cường hậu kiểm để nâng cao hiệu quả quản lý và Chính phủ quy định cụ thể
Về dòng chảy tối thiểu quy định tại Điều 24 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Thông chỉ rõ theo quy định dự thảo Luật, dòng chảy tối thiểu là căn cứ cơ sở để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định, nhiều nhiệm vụ quan trọng như quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, quy trình vận hành hồ chứa, việc cấp giấy phép…Như vậy, việc xác định dòng chảy tối thiểu phải triển khai làm trước. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật không quy định thời gian nào là phải làm, bao lâu phải xong và thời gian công bố cũng như về phương pháp, công cụ tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến việc xác định dòng chảy ở mức tối thiểu được gọi là thấp nhất tại các dòng sông liên quốc gia hay liên tỉnh, nội tỉnh, hồ chứa…
Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị là nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về thời gian hoàn thành và công bố dòng chảy tối thiểu là phương pháp, công cụ quy chuẩn liên quan đến việc là xác định dòng chảy tối thiểu.
Về vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại Điều 39 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng quy định việc ưu tiên đầu tư xây dựng công trình hộ tích trữ và kết hợp bổ sung nhân tạo các tầng nước tầng chứa nước là cần thiết và phù hợp để thu hút các nhà đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại những vùng thiếu nước, các vùng có mực nước ở dưới đất bị suy giảm liên tục.
9h22: Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Cần thiết kế mô hình quản lý thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước tập trung
Góp ý về quy định hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước tại Điều 7 của dự thảo luật, đại biểu Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu và là điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số. Do đó việc phát triển hạ tầng dữ liệu là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện vào việc thiết lập hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Đại biểu cho rằng, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã hướng tới cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo xu hướng hiện đại của thế giới là quản lý quản trị tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số thông qua hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Tuy nhiên, kết quả thực hienj còn nhiều hạn chế, trong đó nguyên nhân là thiếu nguồn lực thực hiện. Để giải quyết tình trạng này cần thiết đầu tư hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước tập trung trên phạm vi toàn quốc.
Trong dự thảo luật chưa quy định rõ ràng về thời hạn lộ trình xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, vì vậy đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời hạn lộ trình hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, nhằm phục vụ cho công tác quản lý quản trị tài nguyên nước theo công nghệ số của trung ương và địa phương.
Góp ý vào Điều 52, dự thảo luật quy định các trường hợp phải kê khai đăng ký hoặc phải cấp phép tùy theo quy mô khai thác mức độ tác động vào nguồn nước. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa rõ đối tượng thực hiện hoạt động sau khi Luật tài nguyên nước (sửa đổi) có hiệu lực mới phải đăng ký hay cả những trường hợp đã thực hiện hoạt động đào hồ ao sông suối kênh mương rạch để tạo không gian lưu trữ nước tạo cảnh quan trước ngày luật có hiệu lực cũng phải thực hiện việc đăng ký; nếu có đăng ký đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ lộ trình trong điều khoản chuyển tiếp.
9h26: Nghỉ giải lao (20 phút)
9h47: Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Bổ sung quy định rõ việc xây dựng bảo vệ kế hoạch nước dưới đất là hoạt động điều tra cơ bản
Góp ý về kế hoạch bảo vệ nước dưới đất trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho biết, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật Tài nguyên nước năm 2012, sửa đổi toàn diện và thay thế Luật Tài nguyên nước năm 1998.
Trên cơ sở quy định của Luật, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều Nghị định, Thông tư quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất… Thời gian qua, việc triển khai Nghị định 167/2018 của Chính phủ đã đạt được một số kết quả tích cực, giảm thiểu tình trạng suy thoái, ô nhiễm, hạ mức nước ngầm của các tầng chứa nước của các tỉnh, nhất là ở TP.Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, quy định của Nghị định 167 còn chưa phù hợp với thực tiễn.
Do đó, đại biểu đề nghị kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải ban hành trong thời gian không quá 2 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, đồng thời phải xác định được các khu vực tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần bảo vệ, phục hồi. Khu vực tầng dưới nước cần được xác định khai thác nước dưới đất, phương án khai thác nước dưới đất, khu vực cần khoanh định hoặc đưa ra khỏi vùng cấm, hạn chế khai thác nước đất, giải pháp đảm bảo chất lượng nước dưới đất.
Bên cạnh đó, đại biểu đánh giá cao việc bổ sung quy định việc lập kế hoạch bảo vệ nước dưới đất như dự thảo Luật lần này, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập trung bố trí nguồn lực phù hợp, đúng chỗ, đúng thời điểm, tránh lãng phí…
Đề quy định có tính khả thi, đề nghị bổ sung quy định rõ việc xây dựng bảo vệ kế hoạch nước dưới đất là hoạt động điều tra cơ bản, được bố trí sử dụng ngân sách nhà nước, tổ chức triển khai giống như việc triển khai tổng hợp lưu vực sông.
9h52: Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ tài nguyền nước chưa đáp ứng được nhu cầu
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Đoàn Thị Lê An bày tỏ thống nhất với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Góp ý cụ thể vào nội dung của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng hiện nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ tài nguyền nước, bảo vệ lưu vực sông… chưa đáp ứng được nhu cầu.
Để huy động động các nguồn lực cho công tác bảo vệ tài nguyên nước, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước để đảm bảo cho công tác bảo vệ tài nguyền nước.
Về thời hạn cấp giấy phép về tài nguyên nước, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật về nội dung này. Về ưu đãi hỗ trợ đối với hoạt động bảo vệ, phát triển tích lũy nước và phục hồi nguồn nước, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát để bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
9h56: Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Hoàn thiện quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước
Thống nhất cao với nội dung dự thảo luật cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung bày tỏ quan tâm đến nội dung quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước. Đại biểu đồng tình với quy định hành lang bảo vệ nguồn nước được lập để bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tôn giáo, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước.
Đối với mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước, đại biểu đồng tình với quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 23 của dự thảo luật. Theo đó, tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa quy định tại điểm a khoản 2 Điều này có trách nhiệm cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước và bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có hồ chứa để chỉ đạo, phân công quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước. Đối với đập, hồ chứa thủy lợi, kênh, mương thuộc công trình thủy lợi thì mốc hành lang bảo vệ nguồn nước được xác định trùng với mốc giới phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi.
Trường hợp mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước các sông, suối được xác định trùng với mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng, mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê thì sử dụng mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng theo quy định của pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa và mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê theo quy định của pháp luật về đê điều.
Đại biểu nhấn mạnh, quy định này được thiết kế nhằm tiết kiệm chi phí cắm mốc, đảm bảo hợp lý, tuy nhiên cần quy định rõ trong phạm vi các hành lang này cần được quản lý, bảo vệ với mục đích bảo vệ nguồn nước, không chỉ bảo vệ theo khía cạnh công trình đê điều, giao thông đường thủy.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện, việc quản lý, sử dụng đất trong phạm vi hành lang cũng cần được cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng và quy định rõ ràng.
10h00: Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Phục hồi các dòng sông đang ô nhiễm, cạn kiệt
Đại biểu Cầm Thị Mẫn nhận thấy, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều vấn đề về kết cấu, nội dung cụ thể của điều luật, làm rõ phạm vi điều chỉnh của luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới từ thực tiễn quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Về vấn đề cụ thể, đại biểu cho biết, hiện nay nhiều dòng sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất, tạo cảnh quan sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho người dân đang bị ô nhiễm, nguy cơ bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng và trở thành các dòng sông chết. Do vậy, vấn đề phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này...
Đại biểu thấy rằng, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm hướng tới việc bảo vệ các nguồn nước, đặc biệt là chú trọng việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt. Đại biểu bày tỏ thống nhất với tên gọi tại Chương III dự thảo Luật, trong đó cũng bỏ sung các quy định về chức năng nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và các nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa; đặc biệt cũng có sửa đổi, bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước.
Tuy nhiên, theo đại biểu, việc phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân. Trước tiên phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông; nghiêm cấm các hoạt động xả rác thải và các chất thải xuống dòng sông. Đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình như cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn để tiếp nước, khơi thông dòng chảy, tạo cho các dòng sông có các dòng chảy thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ứ đọng để trả lại cho các con sông khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm.
10h05: Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Quy định rõ phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt
Quan tâm đến vấn đề nước sinh hoạt, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng công tình cấp nước sinh hạt phải có phương án bảo vệ bởi vấn đề này liên quan đến an toàn sức khỏe người dân cũng như an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung cụ thể của của dự thảo Luật về phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh bày tỏ nhất trí cao với quy định về bổ sung trách nhiệm theo dõi bảo vệ của Bộ Công an đối với các công trình cấp nước có quy mô lớn, nguồn nước khai thác là các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia. Đồng thời, để làm rõ trách nhiệm và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị làm rõ giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp hay giao hẳn nhiệm vụ này cho Bộ Công an phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan mà sẽ được giao trách nhiệm bảo vệ, xây dựng tổ chức thực hiện phương án bảo vệ rõ hơn trong quy định của Điều 26 dự thảo Luật.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại Khoản 1 Điều 45 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt phải thông báo, cảnh báo về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; phải kiểm soát, theo dõi, giám sát và thực hiện quan trắc, giám sát tự động liên tục, định kỳ chất lượng nguồn nước;…Dự thảo Luật quy định chặt và cũng rất rộng. Đại biểu cho biết, hiện nay các nội dung này thực hiện theo quy định của Thông tư 17 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, qua giám sát cuả Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa qua ho thấy có nhiều khó khăn hạn chế trong tổ chức thực hiện, cần rà soát quy định trách nhiệm chặt chẽ hơn nữa trong các điều luật liên quan, đồng thời, cần giao cho Chính phủ các quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ, biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác.
10h11: Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Cần có quy định về thời hạn trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các vấn đề xin ý kiến
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Kim Nhung bày tỏ nhất trí cao với ý kiến của đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc về các vấn đề liên quan đến hành lang bảo vệ nguồn nước.
Đồng thời, đại biểu cho biết, dự thảo luật có một số quy định về việc cơ quan, tổ chức, cá nhân phải lấy ý kiến hoặc phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi triển khai công trình, dự án hoặc quyết định vấn đề liên quan đến tài nguyên nước. Cho rằng đây là quy định hợp lý, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời hạn trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thuận lợi hơn cho các đối tượng xin ý kiến.
Về đăng ký cấp phép, đại biểu cho biết, dự thảo luật tuy có chia ra 2 trường hợp là đăng ký và cấp phép, nhưng lại quy định cả 2 trường hợp này đều cần có xác nhận bằng văn bản của cơ quan cấp phép, mà chưa quy định về nguyên tắc, điều kiện, căn cứ cấp giấy đăng ký và các trường hợp điều chỉnh thu hồi giấy đăng ký, thời hạn của giấy đăng ký. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định rõ những nội dung này để đảm bảo sự minh bạch, thuận lợi cho các đối tượng phải đăng ký, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, căn cứ, điều kiện cấp phép. Tuy nhiên, dự thảo luật mới chỉ dừng ở điều kiện chung cho cả 4 loại giấy phép. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để có quy định hợp lý hơn trong vấn đề này.
10h20: Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Đồng tình sửa đổi quy định về điều hòa, phân phối tài nguyên nước
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng đánh giá cao các quy định bổ sung của dự thảo Luật, cho rằng các quy định của dự thảo Luật đã được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước của các quốc gia trên thế giới…
Đi vào góp ý cụ thể, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng bày tỏ thống nhất với quan điểm sửa đổi, bổ sung các quy định về điều hòa, phân bổ nguồn nước để tăng cường tính chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, đặc biệt là việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, công bằng, hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước trên cùng một lĩnh vực sông, giữa thượng lưu với hạ lưu; đồng thời quy định trong trường hợp hạn hán, thiếu nước…
Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã quy định rõ hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua việc điều tiết chế độ vận hành các đập, hồ chứa, công trình khai thác tài nguyên nước và điều phối hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước trên các lưu vực sông, tầng chứa nước nhằm tối ưu hóa lợi ích về kinh tế.
10h25: Đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái: Rà soát bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo luật.
Đánh giá cao ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Khang Thị Mào góp ý hoàn thiện dự thảo luật liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm.
Tại Điều 8, khoản 2 quy định cấm xả nước thải vào nguồn nước dưới đất, đại biểu cho rằng quy định như vậy còn bất cập bởi hiện nay khu vực nông thôn chưa có công trình thu gom xử lý nước thải; quy định cấm xả nước thải vào nguồn nước dưới đất là khó khả thi. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét chỉnh sửa cho phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành và bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
Đại biểu cũng đề cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm nội dung đưa các loài sinh vật thủy sinh ngoại lai nhập khẩu từ nước ngoài, các loài sinh vật mới chưa được cấp có thẩm quyền cho phép vào nuôi trồng ở các sông suối hồ kênh rạch vào các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật có liên quan vào nội dung các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8.
Về kê khai đăng ký cấp phép thăm dò khai thác sử dụng tài nguyên nước tại Điều 53, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét chỉnh sửa để đảm bảosự thống nhất giữa các luật hiện hành.
10h31: Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: Đề nghị bổ sung chính sách đảm bảo quyền công dân đối với nhu cầu sử dụng nước thiết yếu của đời sống
Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nhận thấy, Báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của UBTVQH khá rõ.
Tuy nhiên, về chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước tại Điều 4, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung chính sách đảm bảo quyền công dân đối với nhu cầu sử dụng nước thiết yếu của đời sống.
Qua các điều của Luật sửa đổi lần này, đại biểu nhận thấy, từ Điều 41 đến Điều 43 quy định rõ trách nhiệm nhưng chưa làm rõ đảm bảo quyền của công dân đối với nhu cầu sử dụng nước cũng như các tổ chức, cá nhân có quyền khai thác trong điều kiện vi phạm pháp luật. Do đó, đề nghị bổ sung quyền này của công dân và các tổ chức, cá nhân.
Tại khoản 3 Điều 7 quy định cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước quốc gia, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung quy định đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức pháp nhân đối với hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Vì quyền tiếp cận thông tin đối với cơ sở dữ liệu tài nguyên nước rất quan trọng để đảm bảo cá nhân pháp nhân và tổ chức thực hiện quyền và trách nhiệm của mình.
Về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung cấm 2 hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ nguồn nước và hành vi ảnh hưởng chất lượng của nguồn nước sinh hoạt, đồng thời cần có lộ trình đối với các hành vi để khắc phục các hành vi vi phạm trước đó. Nếu không có quy định nghiêm cấm 2 hành vi phổ biến này thì sẽ gây thiệt hai ngày càng nghiêm trọng.
về Chiến lược tài nguyên nước tại Điều 12 và Điều 14 của dự thảo, đề nghị bổ sung từ “công khai”, tức là công khai trong chiến lược tài nguyên nước, công khai trong quy hoạch và công khai trong nguyên tắc lập quy hoạch.
Tại Điều 24, đại biểu đề nghị phải đảm bảo công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích bình đẳng giữa các đối tượng khai thác và sử dụng nước, giữa các địa phương, thượng lưu, hạ lưu, thượng du, hạ du…
10h34: Đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang: Làm rõ khái niệm, quy định về quan trắc tài nguyên nước
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lý Anh Thư bày tỏ đồng tình với sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện và bao trùm trong các vấn đề quản lý nhà nước đối nguồn tài nguyên nước; đảm bảo tính minh bạch, tạo tiền đề cho việc khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên nước hiệu quả.
Góp về nội dung cụ thể, đại biểu Lý Anh Thư đề nghị làm rõ khái niệm và quy định về quan trắc tài nguyên nước để phục vụ cho công tác nghiên cứu, áp dụng Luật. Đại biểu cho rằng quan trắc tài nguyên nước được nhắc tới nhiều lần trong dự thảo Luật nhưng chưa có giải thích rõ ràng.
Đại biểu cũng cho rằng cần phải huy động sức mạnh toàn dân vào công cuộc bảo vệ tài nguyên nước. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước. Theo đại biểu, dự thảo Luật mới quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước mà chưa có quy định về khuyến khích người dân tham gia bảo vệ tài nguyên nước.
10h42: Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Tránh chồng chéo với Luật Bảo vệ môi trường và các pháp luật liên quan
Đóng góp ý kiến thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nghiêm túc nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật. Về vai trò của cộng đồng dân cư, đại biểu cho rằng cần nhấn mạnh quyền, nghĩa vụ của người dân, xem xét, có hướng dẫn cụ thể để đánh giá, tránh chồng chéo với Luật Bảo vệ môi trường và các pháp luật liên quan liên quan đến xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Dự thảo luật đã nêu khá đầy đủ các tác hại do nước gây ra cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, về phòng chống xâm nhập mặn, dự thảo luật quy định, việc quản lý, vận hành các cống ngăn mặn, giữ ngọt và các hồ chứa, công trình điều tiết dòng chảy phải tuân theo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn. Việc thăm dò, khai thác nước dưới đất ở vùng đồng bằng, ven biển phải bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn cho các tầng chứa nước dưới đất.
Cũng theo dự thảo luật, việc khai thác nước mặn để sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội không được gây nhiễm mặn các nguồn nước. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước để sản xuất nông nghiệp phải có biện pháp phòng, chống chua, mặn, xói mòn đất. Ưu tiên các dự án trồng rừng phòng hộ chắn sóng tại các vùng thường xuyên xảy ra xâm nhập mặn.
Tuy nhiên, quy định về phòng chống xâm nhập mặn trong dự thảo luật còn chưa đề cập đến xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi mô hình kinh tế, du lịch, sản xuất, kinh doanh. Đại biểu cho rằng cần có chế tài chặt chẽ hơn trong việc phòng, chống các hành vi gây nhiễm mạnh, khuyến khích các tổ chức cá nhân cùng tham gia bảo vệ tài nguyên nước.
10h47: Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Quy định cụ thể hơn về hành vi bị nghiêm cấm
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trình Lam Sinh bày tỏ thống nhất cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Về cụ thể, Điều 8 dự thảo Luật về các hành vi bị nghiêm cấm, khoản 5 điều này quy định lấn sông, suối, kênh, mương, rạch trừ trường hợp có quy định khác,... thì không có biện pháp khắc phục. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn để khi luật được ban hành sẽ thực hiện dễ dàng hơn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với khoản 4 Điều 8 Luật Thủy lợi quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi....
Tại Điều 29 về bảo vệ và phát triển nguồn sinh thuỷ, đại biểu Trình Lam Sinh cho biết, tuy lâu nay thường nghe cụm từ "thuỷ canh", "thuỷ sinh" nhưng cách hiểu còn đại khái. Vì vậy, trong luật cần phải rõ nghĩa hơn để tránh hiểu không đúng dẫn đến cách áp dụng khác luật.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung Điều 2 về giải thích từ ngữ để người đọc hiểu rõ nghĩa của cụm từ "sinh thủy" nhằm đảm bảo tính thống nhất của luật.
10h53: Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh: Bổ sung các quy định liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước
Về hành lang bảo vệ nguồn nước, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp theo thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong hành lang bảo vệ nguồn nước theo pháp luật chuyên ngành đảm bảo không vi phạm điều cấm theo quy định tại Điều 8 của Luật này. Đại biểu lý giải vì liên quan đến hành lang bảo vệ nguồn nước cần đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân trong hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật chuyên ngành như các chủ sở hữu, các đối tượng nằm trong diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ nguồn nước có trước thời điểm thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước cần được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Về dòng chảy tối thiểu ở Điều 24 dự thảo Luật, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị bổ sung quy định dòng chảy tối thiểu chỉ áp dụng đối với các dự án công trình hồ đập được sửa chữa, nâng cấp, xây mới. Đối với các hồ đập đang khai thác, sử dụng không có công trình để trả dòng chảy môi trường thì khi công trình được nâng cấp, sửa chữa mới bổ sung hạng mục này.
Về quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa tại Khoản 8 Điều 38, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị cân nhắc việc giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng quy chế phối hợp vận hành giữa các đập hồ chứa bậc thang trên sông suối. Vì thực tế điều kiện nhân lực, nguồn lực về quản lý tài nguyên nước ở địa phương hiện nay còn rất là yếu và thiếu, chưa đảm bảo thực hiện được nội dung này.
10h56: Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng: Làm rõ các khái niệm liên quan đến nước mặt
Phát biểu góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm nhấn mạnh, nguồn nước đang ngày cạn kiệt và có nguy cơ ô nhiễm, vì vậy đây là vấn đề cần được quan tâm đúng mức.
Góp ý về các nội dung cụ thể liên quan đến quy định về nước mặt, đại biểu cho biết khoản 3 Điều 2, nước mặt được giải thích là nước tồn tại trên mặt đất liền hải đảo. Tuy nhiên thực tế có các công trình thủy lợi gồm hệ thống kênh đào dẫn nước và cống lấy nước để dẫn nước biển vào đất liền lấy nước phục vụ các vùng để nuôi trồng thủy sản. Xét về tính chất, đây là nguồn nước biển nhưng nếu theo giải thích từ ngữ tại dự thảo luật sẽ được xem là nước mặt hoặc nguồn nước tại vùng cửa sông giáp biển. Vì vậy, việc xác định đúng loại nguồn nước sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định công trình khai thác nước có thuộc trường hợp phải đăng ký cấp phép hay không theo quy định tại Điều 52 của dự thảo luật.
Tại khoản 3 Điều 8 quy định xả nước thải đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực dưới nước sinh hoạt theo, theo đại biểu quy định như dự thảo rất khó thực hiện bởi hiện nay các sông rạch là nguồn tiếp nhận nước thải, chất thải sinh hoạt, sản xuất trong khi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt quy định với khoảng cách khá lớn. Vì vậy, đại biểu đề xuất Ban soạn thảo bổ sung đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết để các địa phương thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
Đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể hơn về cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất để phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản đối với những vùng đã có nguồn nước mặt. Bởi việc khai thác nước dưới đất gây ra nhiều tác động tiêu cực như sụt lún đất, xâm nhập mặn, suy thoái cạn kiệt nguồn nước.
11h01: Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Cần giải thích khái niệm “liên hồ chứa”
Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng cần giải thích ý nghĩa rõ ràng đối với khái niệm “liên hồ chứa”, vì khái niệm này được nhắc đến tại nhiều điều khoản trong luật, nhưng chưa có giải thích cụ thể, đảm bảo tính pháp lý trong quá trình thực hiện. Liên hồ chứa có thể được hiểu là nhiều hồ chứa nước trên cùng một con sông, khi vận hành các hồ chứa phải đảm bảo an toàn cho nhân dân ở lưu vực sông.
Về các hành vi cấm, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung để nghiêm cấm hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước làm suy giảm chức năng nguồn nước, gây sụt lún đất, suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước, để hạn chế tối đa nguyên nhân dẫn đến suy giảm chức năng, làm suy thoái hay cạn kiệt nguồn nước.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào khoản 8 Điều 24 chủ thể là chủ đầu tư dự án, để đảm bảo tính bao quát, đầy đủ, chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Đối với kê khai đăng ký cấp phép thăm dò khai thác sử dụng tài nguyên nước, đại biểu đề nghị nghiên cứu gộp các quy định chủ yếu liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh dịch vụ quy mô nhỏ lại để tránh trùng lắp, dàn trải.
11h05: Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Rà soát các quy định đảm bảo nâng cao khả năng giữ và tích trữ nước
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội bày tỏ quan tâm đến nội dung về việc nâng cao khả năng giữ, tích trữ, dẫn nước, chuyển nước, khai thác, sử dụng bền vững và nâng cao giá trị của tài nguyên nước…
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Việt Nam la quốc gia mưa nhiều, sông suối dày đặc, địa hình nghiêng, sông lớn chủ yếu từ bên ngoài đổ về… Do vậy, việc giữ, tích trữ, sử dụng bền vững tài nguyên nước là rất quan trọng. Từ tinh thần đó, đại biểu Trí đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát các quy định để đảm bảo nội dung này được đưa vào quy định về các Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước; đảm bảo ưu tiên đầu tư tìm kiến, thăm dò, nâng cao khả năng giữ và tích trữ nước trong thời gian tới.
11h09: Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: Rà soát về kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật sao cho đầy đủ
Góp ý về kỹ thuật lập pháp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề cập đến phạm vi điều chỉnh và cho rằng nước biển, nước dưới đáy biển, nước nóng, nước khoảng thiên nhiên… không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Nếu người dân đọc thì sẽ hoang mang phạm vi điều chỉnh của luật ở đâu? Do đó, đại biểu cho rằng, nếu điều chỉnh bằng luật khác thì cần đề cập luôn và cụ thể hóa trong luật, tức là điều chỉnh bằng các luật khác như Luật Biển, Luật Khoáng sản…
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận thấy tại Điều 2 về định nghĩa đã có thuật ngữ để gom lại các nguồn nước, trong đó nguồn nước có tới 20 loại, tuy nhiên tại các hành vi bị nghiêm cấm, Ban soạn thảo lại dùng phương pháp liệt kê nên sẽ không đẩy đủ. Đại biểu nêu dẫn chứng, dự thảo luật có nêu các điều cấm tại Điều 5 như cấm lấn đất, sông, suối, kênh, mương, rạch… Tuy nhiên đại biểu chỉ rõ, nguồn nước của chúng ta còn có đầm, phá, hồ, ao, các tầng chứa nước dưới đất và nhân tạo như hồ thủy điện, thủy lợi…, quy định các điều cấm như vậy là chưa đầy đủ.
Vì vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo và các chuyên gia nghiên cứu làm rõ, rà soát về mặt kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật sao cho đầy đủ, chặt chẽ.
11h14: Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Bổ sung quy định về chuyển tiếp trong khai thác, bảo vệ tài nguyên nước
Góp ý tại phiên họp, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho biết, tại khoản 2 Điều 1, đề nghị bỏ cụm từ “dưới đáy biển” do không cần thiết. Về danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước, đại biểu đề nghị chuyển khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 5 sang Chương 8 để quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước và kết cấu dự án luật sẽ phù hợp hơn.
Về phương án khai, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh tại Điều 20 quy định nội dung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh, đại biểu cho rằng nhiều nội dung quy hoạch các đại phương đã và đang trình Thủ tướng phê duyệt, do đó đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định chuyển tiếp nội dung này để đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với quy định.
Tại Điều 27 về Bảo vệ chất lượng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản” vào cụm từ “thuốc thú y” trong khoản 1...
11h17: Đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Cần có quy định về quản lý, khai thác, sử dụng kênh đào
Tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Trọng Kim nhận thấy, phạm vi điều chỉnh và một số điều luật cần được bổ sung về kênh đào. Theo đại biểu, đầm, hồ, nước đã được quy định và có điều luật điều chỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung điều luật về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ kênh đào...
Theo đại biểu, tại Việt Nam, loại hình công trình này mới xuất hiện tại tỉnh Nam Định. Đây là công trình đem lại nhiều lợi ích cho dân sinh, nông, ngư nghiệp cũng như giao thông vận tải. Đặc biệt là lợi ích từ mô hình này đem lại đối với việc giảm thời gian vận chuyển, tiết kiệm kinh phí cho nhân dân và doanh nghiệp bởi độ sinh lời khá lớn và ổn định.
Bên cạnh đó, một số kênh đào nổi tiếng trên thế giới đã làm thay đổi cục diện giao thông vận tải và phát triển kinh tế năng động, thú vị. Công trình kênh đào tại tỉnh Nam Định cũng có tính chất hoạt động khoa học công nghệ như vậy. Như vậy, mô hình này rất cần thiết được quy định trong Luật Tài nguyên nước. Theo đó, Chính phủ cần ban hành quy phạm pháp luật để quản lý, khai thác và sử dụng loại công trình này, kể cả việc phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước hoặc sự cố tại công trình này.
11h21: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ cặn kẽ để trình Quôc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã rà soát 48 luật liên quan trong đó có vấn đề liên quan đến Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản…và sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm về quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản không đặt trong quy hoạch tổng thể tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lý giải: Quy hoạch tài nguyên nước có 3 loại quy hoạch đã quy định rõ trong Luật là quy hoạch tài nguyên nước nói chung; tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh và bảo vệ, khai thác, sử dụng các nguồn nước liên quốc gia. Trong đó, quy hoạch của tổng thể điều tra gắn rất chặt đối với các điều về điều tra cơ bản, còn các quy hoạch liên quan đến tài nguyên nước gắn với mục đích điều hòa, phân phối.
Về liên quan đến kịch bản nguồn nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết nguồn nước của chúng ta có đặc trưng biến đổi theo không gian, thời gian các mùa trong một năm là khác nhau, các vùng khác nhau và phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước ở nước ngoài đến khoảng 60% - 70%. Chính vì thế trong thời gian vừa qua, trong đó có biến đổi khí hậu thì việc điều hòa, phân phối sử dụng các nguồn nước này để tối ưu hóa được nguồn lực là hết sức quan trọng. Do đó, việc dựa vào chiến lược quy hoạch nói chung thì việc có kịch bản về nguồn nước là hết sức quan trọng.
Về vấn đề cấp giấy phép, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thời đề nghị Quốc hội cho phép có những vấn đề có thể đưa vào trong các thông tư, nghị định.
Về dòng chảy tối thiểu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết đây không phải là quy định mới là đã có trong Luật từ năm 2012; Quốc hội khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết số 62 về về quản lý nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các công trình thủy điện cũng đã có quy định về vấn đề này. Dự thảo Luật lần này tiếp thu theo hướng bám sát được các tình hình thực tiễn, từng vị trí cụ thể, có sự kết hợp của giữa các bộ, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương với địa phương để có ứng xử linh hoạt và phù hợp.
11h29: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật, tham gia nhiều ý kiến cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật.
Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, chỉnh lý hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét.