ĐBQH PHẠM THỊ KIỀU: CHẬM BAN HÀNH VĂN BẢN HƯỚNG DẪN KHIẾN NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH CHƯƠNG THỂ THỰC HIỆN

30/10/2023

Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng để tổ chức thực hiện hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thuận lợi, tránh sự chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện nên đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương nên quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn chính sách Nhà nước để thực hiện cho 3 CTMTQG.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG NGÀY 30/10: THẢO LUẬN VIỆC TRIỂN KHAI CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu thống nhất cao với báo cáo kết quả giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Đại biểu cho rằng, việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 03 Chương trình mục tiêu quốc gia là phù hợp với thực tế, có tác động rất lớn và tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhất là vùng nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng biên giới. Tuy nhiên, trong thực tiễn 03 Chương trình mục tiêu quốc gia lại ban hành quy chế, quy định riêng dẫn đến sự chồng chéo, gây bất đồng tại các khu vực thụ hưởng làm giảm hiệu quả quá trình tuyên truyền, vận động đóng góp. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương nên quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện cho 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với các tỉnh nghèo khi nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương. Do đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn giải ngân vốn của giai đoạn 2021- 2025 (kể cả nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đến hết giai đoạn năm 2025. Vì nếu không cho chuyển thì các dự án, nội dung đã lập để thực hiện thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và 2022 không được kéo dài sang năm 2024 và đến hết giai đoạn thì lại phải điều chỉnh dự án, dẫn đến dự án thực hiện nữa chừng, không đồng bộ và không thể phát huy hiệu quả. Đồng thời, cần ban hành quy định cho phép địa phương được chuyển từ nguồn vốn sự nghiệp sang nguồn vốn đầu tư, phân bổ theo các lĩnh vực chi kinh tế, văn hóa, xã hội, tuyên truyền... theo nhu cầu sử dụng vốn.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia 

Hiện tại, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều nội dung trùng lắp với nhau như đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế…dẫn đến chồng chéo, không giải ngân được nguồn vốn, vì quy định mỗi đối tượng chỉ được thụ hưởng ở một Chương trình. Mặt khác, hiện nay cơ sở hạ tầng khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, cần vốn đầu tư; nếu không cho phép địa phương chuyển nguồn vốn sự nghiệp không sử dụng hết sang vốn đầu tư thì sẽ không sử dụng hết vốn.

Theo quy định hiện hành HĐND tỉnh phải ban hành Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu trong quá trình triển khai thực hiện, phải điều chỉnh nhiệm vụ dự toán cũng phải điều chỉnh bằng Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật nên phải chờ đến kỳ họp của HĐND tỉnh. Qua các bước như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Đại biểu cũng mong muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét quy định cho phép UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh điều chỉnh và báo cáo HĐND tỉnh tại cuộc họp gần nhất để đảm bảo tính kịp thời.

Một vấn đề nữa được đại biểu Phạm Thị Kiều chỉ ra mặc dù đã bước sang thứ 3 nhưng hiện còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình, nhất là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN vẫn đang trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn. Điều này khiến cho các địa phương mang tâm lý chờ đợi, lúng túng trong triển khai.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đại biểu dự phiên họp.

Hiện nay, chỉ có Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới là có Văn phòng Điều phối Nông thôn mới cấp tỉnh nhưng chưa có sự thống nhất về vị trí pháp lý, số lượng biên chế, còn 02 Chương trình MTQG còn lại không có bộ máy giúp việc riêng, phải sử dụng, trưng dụng biên chế ngay tại cơ quan, đơn vị và làm việc kiêm nhiệm. Đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị nghiên cứu thành lập một mô hình Văn phòng điều phối chung trực thuộc UBND cấp tỉnh để thực hiện có hiệu quả 03 Chương trình. Trong đó cần xác định vị trí pháp lý rõ ràng, biên chế của Văn phòng được sử dụng, trưng dụng tại các cơ quan đơn vị mà hiện đang tham mưu thực hiện 03 Chương trình và không làm phát sinh biên chế của tỉnh, đồng thời bố trí nguồn kinh phí để Văn phòng hoạt động hiệu quả.

Đất sản xuất là một vấn đề khó khăn trong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đại biểu cần xem xét xây dựng chính sách đồng bộ, hỗ trợ linh hoạt trong chính sách phát triển kinh tế, sinh kế bền vững theo hướng tạo chủ động cho các địa phương và giải quyết đồng bộ chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và điều kiện cụ thể của từng gia đình.

Về chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Tiểu dự án 1, Dự án 3. Đối tượng hưởng lợi của dự án là hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu tập trung tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên việc đối ứng kinh phí ngoài khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cũng như thu hồi một phần vốn hỗ trợ khi tham gia dự án gặp nhiều khó khăn. Cần xem xét, có cơ chế tháo gỡ để việc triển khai được thuận lợi hơn.

Về quy định nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương: Theo quy định tại Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới  thì các tỉnh, thành phải bố trí vốn đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 1:1. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương thu ngân sách chưa đảm bảo chi nên gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí vốn đối ứng theo quy định. Cần xem xét quy định, giảm tỷ lệ vốn đối ứng đối với những địa phương còn khó khăn, như tỉnh Đắk Nông và nhiều tỉnh khác, để đảm bảo việc thực hiện các chương trình đảm bảo tiến độ./.

Lệ Quyên