TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6
Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.
Đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế xã hội, TS.Trương Văn Phước cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi sau những tác động của Covid-19 và ảnh hưởng khuếch đại của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine. Vào tháng Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Các chuỗi cung ứng dần được phục hồi, giá vận chuyển, lương thực và năng lượng đã giảm dần về mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Sự “rung lắc” trên thị trường tài chính vào quý IV năm 2022 tại Anh và Hàn Quốc và quý I năm 2023 tại Hoa Kỳ và Thụy Sĩ đã được kiểm soát nhờ sự can thiệp kịp thời của các chính phủ.
TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
Sau khi tăng trưởng -3,1% vào năm 2020, kinh tế thế giới đã phục hồi và tăng trưởng 6,0% năm 2021, 3,1% năm 2022 và dự kiến sẽ tăng trưởng 2,1% năm 2023 (Ngân hàng thế giới, 2023). Tuy nhiên, triển vọng phục hồi không hoàn toàn sáng sủa và nền kinh tế toàn cầu đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại trong cả ngắn hạn và trong cả dài hạn.
TS.Trương Văn Phước nêu rõ, trong ngắn hạn, một số yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế bao gồm lạm phát cao dai dẳng và thị trường lao động thiếu hiệu quả, chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài của các nền kinh tế hàng đầu và sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc.
Thứ nhất, mặc dù lạm phát toàn cầu đã giảm đáng kể nhờ sự giảm xuống của giá lương thực, thực phẩm và chính sách tiền tệ thắt chặt của ngân hàng trung ương, lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao và có tính dai dẳng hơn ở các nền kinh tế hàng đầu như Hoa Kỳ, Anh và Châu Âu. Tình trạng lạm phát dai dẳng xuất hiện trong bối cảnh tỷ lệ thấp nghiệp liên tục thấp hơn so với giai đoạn trước Covid-19. Tiền lương tuy tăng nhưng mức tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng, làm tiền lương và chi phí lao động thực tế của các doanh nghiệp giảm xuống. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng, khiến thị trường lao động rơi vào tình trạng khan hiếm. Điều này tiểm ẩn nguy cơ rất lớn với nền kinh tế vì nếu suy thoái xảy ra, các doanh nghiệp có thể nhanh chóng điều chỉnh lại chính sách tuyển dụng, làm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đột ngột.
Gánh nặng sẽ lại đặt lên hệ thống an sinh xã hội của các nền kinh tế hàng đầu nhưng lần này sẽ khó khăn hơn khi mức nợ công đã tăng đáng kể sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, sự phục hồi tốt ở tỷ lệ lao động có việc làm nhưng lại đi kèm với tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp là một chỉ báo cho thấy sự suy giảm của năng suất lao động hoặc tính thiếu hiệu quả trong phân bổ các nguồn lực sản xuất trong nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, triển vọng kinh tế trong trung hạn trở đi sẽ xấu đi đáng kể.
Thứ hai, kiên định thắt chặt chính sách tiền tệ để đưa tỷ lệ lạm phát về mức mục tiêu đã làm tăng trưởng tín dụng cho khu vực tư nhân chậm dần, gánh nặng chi phí lãi vay của doanh nghiệp và hộ gia đình tăng lên, khả năng tiếp cận các cho vay mới để trả nợ cũ trở nên khó khăn hơn. Năng lực tài chính của nhiều tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng quy mô nhỏ đã có dấu hiệu giảm sút sau giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài, tiềm ẩn rủi ro với hệ thống tài chính nếu không được kiểm soát tốt.
Trong khi đó, tác dụng của các khoản trợ cấp từ Chính phủ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong giai đoạn Covid-19 đã hết dần tác dụng, khiến cho thu nhập và hoạt động chi tiêu của các chủ thể kinh tế trở nên khó khăn hơn nhiều. Những tác động lan truyền của lãi suất cao, giá năng lượng và lương thực cao tới khu vực sản xuất và bất động sản đã trở nên trầm trọng hơn từ nửa cuối năm 2022 cho tới nay. Nó không chỉ nằm ở các nền kinh tế hàng đầu như Hoa Kỳ và Châu Âu mà lan sang các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển thông qua hoạt động xuất nhập khẩu và dịch chuyển dòng vốn. Các động lực cho tăng trưởng cao đang mất dần quán tính tăng trưởng có được nhờ quá trình toàn cầu hóa kinh tế.
Thứ ba, những kỳ vọng vào sự mở cửa trở lại và phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc đã không diễn ra như kỳ vọng. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 4,5% trong quý I 2023 và 6,3% trong quý II 2023 so với cùng kỳ nhưng lại thấp hơn nhiều so với dự báo. Nhiều chỉ báo kinh tế khác cũng cho thấy sự phục hồi ngắn sau đại dịch Covid-19 của Trung Quốc đang dần mất đà.
Giá trị xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 5% trong nửa đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng lần đầu giảm 0,3% trong tháng 7 năm 2023, còn tỷ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ liên tục tăng cao và duy trì ở mức trên 20%. Một số rủi ro khác như sự sụt giảm giao dịch trên thị trường bất động sản (đóng góp khoảng 30% GDP của quốc gia này) và tình trạng chậm thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản bất chấp những chính sách hỗ trợ của chính phủ làm gia tăng thêm quan ngại về triển vọng kinh tế của Trung Quốc.