TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 07/11: TIẾP TỤC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 07/11: TIẾP TỤC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN
Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết việc xây dựng vị trí việc làm trong hệ thống chính trị nói chung và trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp nói riêng có vai trò rất quan trọng để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, việc xây dựng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Do vậy, đại biểu đề nghị, Bộ trưởng cho biết giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này trong thời gian tới?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc xây dựng vị trí việc làm để chuẩn bị cho cải cách tiền lương nói riêng cũng như vị trí việc làm để quản lý, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng công vụ là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, về cơ bản, từ năm 2016 đến nay, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế của Bộ Chính trị, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc xây dựng vị trí việc làm. Tuy nhiên, chưa hoàn thiện và chưa đảm bảo thật đầy đủ, khoa học và căn cơ. Vừa qua, thực hiện Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay còn 2 bộ, dự kiến trong 1-2 ngày nữa thì 2 bộ này sẽ hoàn thành để đảm bảo triển khai một cách đồng bộ, toàn diện trong hệ thống hành chính nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương để triển khai kịp thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Mặt khác, Bộ cũng sẽ tiếp tục báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế để tổ chức một cuộc họp triển khai đồng bộ vấn đề này để đảm bảo thống nhất đồng bộ nhất quán.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông thì cho biết, theo đánh giá của các cơ quan của Quốc hội, việc phê duyệt vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp công lập hiện rất chậm. Do đó, các đơn vị sự nghiệp công rất khó tuyển dụng. Mặc dù đã phân cấp nhưng đại biểu cho rằng Bộ Nội vụ với vai trò giúp Chính phủ quản lý nhà nước vẫn phải có trách nhiệm về nội dung này.
Về chậm trong xây dựng vị trí việc làm tại đơn vị hành chính sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định nhận định này là đúng. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã có lí giải về nguyên nhân của tình trạng này. Đồng thời cho biết đến nay đã có 13/15 Bộ hoàn thành Danh mục vị trí việc làm trong các lĩnh vực chuyên ngành và đề nghị các Bộ cố gắng sớm hoàn tất để triển khai đồng bộ. Bộ trưởng Bộ nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ Thông tư hướng dẫn chỉ đạo cơ quan đơn vị sự nghiệp do mình quản lý triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm, trên cơ sở đó phê duyệt đề án để có thể triển khai cải cách tiền lương trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết sẽ có một hội nghị lớn để triển khai những công việc cần thiết cho hoàn thiện xác định vị trí việc làm của công chức cũng như viên chức trong tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp.
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên quan đến vị trí việc làm, đại biểu Đồng Ngọc Ba – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng Bộ trưởng mới đề cập đến tiến độ thực hiện xác định vị trí việc làm là chính. Đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng dù tiến độ có chậm nhưng về cơ bản có thể yên tâm về tiến độ. Điều chưa yên tâm là vấn đề chất lượng của vị trí việc làm đã và đang làm và ở những cơ quan, đơn vị chưa hoàn thành.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba cho biết theo đánh giá của các chuyên gia và tổng hợp cho thấy hệ thống vị trí việc làm phần lớn chưa đảm bảo chất lượng, dẫn đến khi tinh giản thì không đảm bảo nâng cao về chất của bộ máy.
Đại biểu nhấn mạnh gốc gác của vị trí việc làm là căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị, căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc, đặc biệt phải có phương pháp để đo lường được thời gian cần phải có để hoàn thành được nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị. Trong khi đó, cách làm được thể hiện trong Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thì lại chưa rõ về cơ sở nào để xác định có từng đấy biên chế. Nếu vị trí việc làm không phù hợp thì không thể xác định biên chế phù hợp được. Và từ tiền đề đó cũng không bảo đảm cho thực hiện cải cách tiền lương.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Từ những phân tích trên, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng hệ thống vị trí việc làm đã được phê duyệt chưa đảm bảo chất lượng. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ phải có rà soát, đánh giá, kể cả những cơ quan, đơn vị đã có hệ thống vị trí việc làm được phê duyệt và rà soát kỹ quy định hiện nay, đặc biệt là Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP để quy định cho phù hợp. Nhấn mạnh, tâm điểm là cách thức, phương pháp để xác định, đo lường được lượng thời gian cần phải hoàn thành và từ đó xác định ra biên chế, đại biểu cho rằng nếu khi nào chưa thấy yên tâm về chất lượng của hệ thống vị trí việc làm thì chưa thực hiện được cải cách tiền lương.
Trả lời thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết vị trí việc làm đã có kế hoạch triển khai từ năm 2012. Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế và đặc biệt cơ quan chủ trì là Ban Tổ chức Trung ương được Ban Bí thư giao nhiệm vụ chủ trì để xây dựng vị trí việc làm cho cả hệ thống chính trị. Theo đó thì Ban Chỉ đạo Trung ương đã giao nhiệm vụ cho từng khối, khối hành chính nhà nước, khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, khối các cơ quan Quốc hội. Từ đó các cơ quan triển khai, hướng dẫn và điều chỉnh hoàn thiện dần nhưng đến thời điểm này nhận thấy cũng chưa đạt được chất lượng như phát biểu của đại biểu Đồng Ngọc Ba.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Từ góc độ cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại và tham mưu thêm cho Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế cũng như tiếp tục nâng cao chất lượng vị trí việc làm, đáp ứng được yêu cầu về quản lý biên chế, thực hiện cải cách chính sách tiền lương và đáp ứng được yêu cầu cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức./.